Ngày 9/6/2020, Hội nghị Câu lạc bộ Khối Sư phạm kỹ thuật (Câu lạc bộ) được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 9 điểm cầu bao gồm: Ban Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và 8 đơn vị Trường/Viện/Khoa Sư phạm kỹ thuật là thành viên của Câu lạc bộ.
Hội nghị đã có nhiều ý kiến phát biểu, tham luận tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp để thực hiện.
Hội nghị đã thảo luận một số nội dung như:
Thực hiện Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP
Các ý kiến thảo luận đều thống nhất về những thuận lợi khi triển khai thực hiện Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, đặc biệt quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Trong Câu lạc bộ, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là trường đi tiên phong trong hoạt động tự chủ và đã gặt hái được nhiều thành công.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng đã chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị thực hiện tự chủ, trước mắt nhà trường đã thực hiện tự chủ về tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học, công nghệ và mở ngành đào tạo.
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, ngày 8/11/2019, Câu lạc bộ đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đổi mới quản trị trường đại học sư phạm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học” tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.
Hội thảo đã thảo luận và phân tích thực trạng tự chủ đại học, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện cho các đơn vị thuộc Câu lạc bộ.
Tuy nhiên, qua thực hiện Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP vẫn có một số khó khăn, vướng mắc:
Trong Nghị định số 99/2019/NĐ-CP chưa quy định rõ hệ thống văn bằng được áp dụng đối với những khóa tuyển sinh từ năm nào.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định 99/2019/NĐ-CP lại gần với thời điểm tốt nghiệp của sinh viên, trong khi không có văn bản hướng dẫn cụ thể, do đó gây khó khăn cho một số trường thực hiện.
Trong Câu lạc bộ có 3 đơn vị trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn chưa thành lập Hội đồng trường.
Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: edu2review.com) |
Công tác tuyển sinh và những khó khăn trong đào tạo mã ngành sư phạm kỹ thuật
Công tác tuyển sinh và đào tạo ngành sư phạm kỹ thuật (giáo viên kỹ thuật) của các đơn vị trong Câu lạc bộ những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính có thể nêu ra bao gồm:
- Do chưa có mã ngành sư phạm kỹ thuật trong danh mục mã ngành đào tạo (hiện mới chỉ có mã ngành Sư phạm công nghệ), từ đó dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học không có cơ sở để tuyển sinh và đào tạo.
Một số đơn vị thực hiện theo mô hình đào tạo kỹ sư chuyên ngành và chứng chỉ sư phạm nhưng qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra không công nhận.
- Nhu cầu tuyển dụng và sử dụng giáo viên kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là rất ít và còn chưa có quy định bắt buộc.
Thay bằng tuyển dụng những người đã tốt nghiệp sư phạm kỹ thuật các chuyên ngành thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại đang tuyển kỹ sư chuyên ngành và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Từ khó khăn nêu trên dẫn đến các trường/khoa/viện sư phạm kỹ thuật chưa thực hiện được đầy đủ sứ mạng của mình.
Tỷ lệ tuyển sinh và đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ… chiếm gần 100% sinh viên toàn trường.
Một số đơn vị đã chuyển đổi ngành đào tạo bằng cách mở ngành mới như Công nghệ giáo dục, Sư phạm công nghệ hoặc mở đào tạo theo hướng chuyên sâu của ngành Sư phạm công nghệ.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh và đào tạo những ngành/hướng chuyên sâu này cũng gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị đã thống nhất thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn
Các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung về tự chủ đại học, đặc biệt là đổi mới quản trị để đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học theo kết luận số 03/CLBSPKT ngày 8/11/2019 hội thảo của câu lạc bộ được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh ngày 8/11/2019;
Câu lạc bộ xem xét để thành lập nhóm chuyên trách thực hiện việc xây dựng và đề nghị đưa mã ngành sư phạm kỹ thuật vào danh mục mã ngành đào tạo cấp 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Các đơn vị nghiên cứu và mở ngành mới theo định hướng về công nghệ giáo dục để đào tạo giáo viên công nghệ đáp ứng được nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Các đơn vị trong câu lạc bộ tích cực làm việc với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các địa phương để đào tạo theo đơn đặt hàng đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp..
Kiến nghị, đề xuất với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Hội nghị của Câu lạc bộ Khối Sư phạm kỹ thuật thống nhất đề xuất với Hiệp hội để kiến nghị lên các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền một số nội dung:
Kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có quy định về tuyển dụng giáo viên, giảng viên sư phạm kỹ thuật các ngành/chuyên ngành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Có thể quy định tuyển giáo viên, giảng viên giáo dục nghề nghiệp (dạy chuyên môn hoặc thực hành, tích hợp) là những người đã tốt nghiệp các ngành sư phạm kỹ thuật tại các trường/khoa/viện sư phạm kỹ thuật.
Kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo (thông qua Vụ Giáo dục đại học), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (thông qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để bổ sung mã ngành sư phạm kỹ thuật vào danh mục mã ngành đào tạo cấp 4.
Trước mắt có thể đề xuất một số mã ngành truyền thông và có nhu cầu thực tế như: sư phạm kỹ thuật điện, điện tử; sư phạm kỹ thuật cơ khí; sư phạm kỹ thuật tin; sư phạm kỹ thuật cơ khí động lực.
Kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm đầu mối thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên kỹ thuật các ngành/chuyên ngành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, từ đó giao cho các đơn vị trường/khoa/viện sư phạm kỹ thuật trong Câu lạc bộ đào tạo theo đơn đặt hàng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và sử dụng giáo viên giáo dục nghề nghiệp.
Kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn y cho Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long thành lập Hội đồng trường theo Nghị định 99 của Chính phủ.