Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu ra 4 lập luận tại sao nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân.
Đề xuất này của Tiến sĩ Thành nêu ra không chỉ với trường hợp của Trường chuyên Hà Nội -Amsterdam mà còn mở rộng ra với trường chuyên trên cả nước.
Vấn đề này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu chính sách.
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:
"Thực tế, việc mỗi tỉnh có một trường chuyên đã hình thành từ lâu và nó là niềm tự hào của không ít địa phương.
Vì thế, kêu gọi xóa bỏ ngay hay phủ định sạch trơn ngay là rất khó và hơi thái quá".
Ông cho biết: "Tôi từng được đi nghiên cứu mô hình ở Paris (Pháp), Hoa Kỳ. Chúng tôi thấy các trường đào tạo giáo dục chất lượng cao ở nhiều nước tiên tiến đều là trường do tư nhân đầu tư.
Họ xã hội hóa vô cùng lớn, còn Nhà nước chỉ đảm bảo cho phổ cập giáo dục phổ thông. Giáo dục Đại học họ xã hội hóa toàn bộ.
Như trường Đại học Harvard đâu phải trường của Nhà nước, họ đào tạo được rất nhiều người tài năng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế…và nghiên cứu khoa học cũng rất tốt.
Các nước tiên tiến có tiềm lực kinh tế lớn nhưng họ xã hội hóa giáo dục, trường tư rất nhiều".
Ông Tiến nhấn mạnh, khi tham dự một cuộc tọa đàm do tòa soạn Giáo dục Việt Nam tổ chức, ông và nhiều chuyên gia cũng phát biểu, trong bối cảnh Nhà nước nguồn lực có hạn, chúng ta có nên để mô hình 70-30 hay nên 80-20 (80% là các trường đại học công và 20% là các trường tư).
Ở bậc đại học, chúng ta chỉ nên đầu tư vào các trường đại học đào tạo ở một số lĩnh vực mà tư không thể làm như lĩnh vực an ninh, hóa học, quân đội…Ở các lĩnh vực khác, các trường tư hoàn toàn có thể đào tạo được.
Ở giáo dục phổ thông cũng tương tư như vậy, chúng ta cũng nên xã hội hóa ở những nơi, các trường có đủ điều kiện.
"Nhà nước tập trung lo cho giáo dục phổ cập, đảm bảo chỗ học cơ bản cho học sinh bình thường, lo cho các học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.
Còn với giáo dục chất lượng cao thì nên xã hội hóa. Có hình thức học bổng hỗ trợ các em có khả năng nhưng hoàn cảnh kinh tế có hạn muốn học", ông chia sẻ.
Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, xã hội hóa là một chủ trương lớn của Đảng trong lĩnh vực giáo dục, thể thao, y tế.
Tùy theo nhu cầu dịch vụ mà người hưởng thụ dịch vụ lựa chọn. Gia đình có điều kiện có thể cho con vào học trường quốc tế, trường tư có đào tạo chất lượng cao, trường chuyên, lớp chọn…
Xã hội hóa là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước để phát huy hết các nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế....
“Tôi đề nghi trong giáo dục cũng nên xã hội hóa mạnh hơn. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư, lo cho cho các trường nơi khó khăn, học sinh nghèo, miền núi, hải đảo.
Có ý kiến đề nghị xã hội hóa với một số trường công lập mà đầu tư lớn tôi ủng hộ điều này”, ông Lê Như Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Trường chuyên phải đúng là trường chuyên. Nguồn vào phải thực sự là các học sinh có năng lực vượt trội.
Nếu trường chuyên không cho ra trường chuyên thì thà là một trường công lập bình thường thì hơn.
Thường là mỗi địa phương, mỗi tỉnh chỉ có một trường chuyên đào tạo các em học sinh có khả năng vượt trội ở các môn học như Toán, Lý, Hóa, Văn...
Còn nếu trường chuyên không ra trường chuyên, biến tấu thành như các trường bình thường thì không nên duy trì.
Tùy theo nhu cầu của từng địa phương chứ không phải địa phương nào cũng cần hình thành trường chuyên”.
Trước đó, trên tài khoản mạng xã hội của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu ra 4 lập luận tại sao nên đóng cửa hoặc bán Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam cho tư nhân.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành xác nhận những gì ông đã viết trên mạng xã hội là suy nghĩ, quan điểm của mình một cách rất nghiêm túc.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, không chỉ nên làm như vậy với Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mà cả những trường chuyên khác.
Được biết, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành từng là học sinh Chuyên Vật Lý 1 Trường Hà Nội – Amsterdam khoá 1992-1995. Tiến sĩ Thành nằm trong top đầu học sinh học giỏi gần nhất trường về môn Vật Lý.
Trên trang cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã thành lập một nhóm thảo luận nghiêm túc đề xuất của ông về các trường chuyên công lập trên cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho hay:
"Mấy ngày qua mọi người đã trao đổi, tranh luận nhiều. Nhiều người nói về chất lượng của trường chuyên (gồm cả chất lượng của thầy và trò), ích lợi của việc học trường chuyên (ở cấp độ cá nhân học sinh), v.v... nhưng có vẻ chúng ta chưa nhìn hệ thống trường chuyên trong một tổng thể lớn hơn trên phương diện toàn bộ xã hội, bao gồm cả các dòng tài chính đến và đi khỏi các trường chuyên, ai là người thực chất chi trả, ai là người hưởng lợi (trực tiếp và gián tiếp), các dòng học sinh thi vào trường và ra trường, hệ quả xã hội của nó là gì, trong bối cảnh thời gian dài, v.v...."
Câu hỏi đầu tiên Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra để thảo luận là:
"Có bằng chứng cho thấy ngân sách HÀNG NĂM của TP Hà Nội cấp cho các trường chuyên, trong đó có Ams, tính bình quân đầu học sinh, cao hơn hẳn các trường công khác. Việc này có lẽ đúng với các trường chuyên khác trên cả nước. Theo bạn, LÝ DO CỦA VIỆC NÀY LÀ GÌ? Hay nói cách khác, AMS ĐƯỢC CẤP NGÂN SÁCH CAO HƠN ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU GÌ?"