Thầy cô cứ gõ, cửa trái tim học trò sẽ mở!

22/10/2020 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nhận ra việc học chưa bao giờ là đủ. Trong mọi hoàn cảnh, luôn có những điều mới mẻ cần bổ sung vào kiến thức mình đã có. Tôi đã không thấu hiểu hết học sinh.

“Tao thích cô cũ hơn”, đó là câu nói tôi vô tình nghe được từ miệng một em học sinh trong lớp nói với nhau khi tôi đang dạy, đây là buổi đầu tiên của lớp 11 tôi mới nhận dạy tiếp giữa chừng thay cho một giáo viên mới nghỉ chế độ. Bao cảm xúc chợt dồn đến với tôi và lần này, tiết học không diễn ra như những gì tôi nghĩ. Học sinh không thích tôi, chúng tỏ ra mệt mỏi.

Trong nhiều năm qua, tôi đã quen với việc được học sinh chào đón, nhưng lần này thì khác, tôi lại thất bại. Tôi không tập trung dạy được nữa. Những suy nghĩ hỗn độn trong đầu làm tôi không kìm được và tiết học cứ trôi qua nặng nề.

Cuối tiết học tôi nói với cả lớp “Cô sẽ gặp thầy Hiệu trưởng để đổi giáo viên khác cho các con”. Bước ra khỏi lớp, tôi mang tâm trạng đầy suy tư. Tôi đặt cho mình câu hỏi tại sao học sinh lại không thích mình?".

Cô Nghiêm Thị Thu Trang: "Tôi tiếp tục cố gắng từ những việc nhỏ nhất, tôi học cách sắp xếp cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi học cách lắng nghe và sẵn sàng thay đổi". Ảnh: NVCC.

Cô Nghiêm Thị Thu Trang: "Tôi tiếp tục cố gắng từ những việc nhỏ nhất, tôi học cách sắp xếp cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi học cách lắng nghe và sẵn sàng thay đổi". Ảnh: NVCC.

Lại một lần nữa tôi nhận ra việc học chưa bao giờ là đủ. Trong mọi hoàn cảnh, luôn có những điều mới mẻ cần bổ sung vào kiến thức đã có. Có thể tôi đã không thấu hiểu hết các đối tượng học trò của mình.

Có thể bài giảng của tôi chưa đủ để hấp dẫn và truyền cảm hứng cho chúng. Tôi không có ý định gặp thầy Hiệu trưởng như những gì tôi đã nói với lớp. Tôi tìm hiểu về trí thông minh đa dạng, về đối tượng học sinh của mình, tôi đầu tư hơn cho bài dạy. Tôi chờ đợi tiết dạy của tuần tới…

Mở đầu tiết học, tôi kể cho các con nghe câu chuyện về tình yêu. Nếu tình yêu xuất phát từ hai phía sẽ là một mối tình đẹp. Còn nếu chỉ xuất phát từ một phía thì người ta gọi là “tình đơn phương”.

Đơn phương, nhưng người ta vẫn cứ yêu. Và tôi cũng vậy. Tôi yêu chúng nên tôi sẽ ở lại đây. Dù chúng không đáp lại thì tôi cũng sẽ cố gắng với tình yêu mà mình có. Thế rồi tôi bắt đầu bài học một cách vui vẻ.

Tôi cũng không mong trong ngày một ngày hai các con sẽ có cảm tình với mình. Giống như, có những nỗi nhớ không được đặt tên, có những yêu thương không được chấp nhận nhưng ta vẫn hạnh phúc vì được sống với đúng cảm xúc và có thể nói ra cảm xúc ấy.

Kết quả bất ngờ đến với tôi. Cuối tiết học hôm đó, một học sinh vui vẻ nói:“Giờ bọn con lại trót yêu cô rồi. Nếu cô muốn đổi giáo viên thì bọn con cũng không đổi nữa”.

Vậy là, một lần nữa tình yêu đã đem đến sự thay đổi. Tất cả những thử thách và khó khăn đều có thể trở thành điều kì diệu nếu chúng ta biết nhìn nhận một cách lạc quan và coi nó như là một nấc thang để trưởng thành.

Tôi tiếp tục cố gắng từ những việc nhỏ nhất, tôi học cách sắp xếp cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi học cách lắng nghe và sẵn sàng thay đổi.

Tôi học cách kiên định để vững vàng hơn, tôi cởi mở vui vẻ để gần gũi hòa đồng, tôi học cách điềm tĩnh nhẫn nại khi giải quyết vấn đề và luôn nhớ lấy yêu thương học sinh làm gốc.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Cuộc sống không chỉ có màu hồng mà còn có những mảng tối. Tôi chưa trải qua nhiều chông gai của cuộc sống nhưng phần nào đó, tôi đã cảm nhận được nó”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nghiêm Thị Thu Trang - Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội đã cho biết.

Những cuốn sách về kỹ năng sống mà học sinh của cô Trang đã làm. Ảnh: NVCC.

Những cuốn sách về kỹ năng sống mà học sinh của cô Trang đã làm. Ảnh: NVCC.

Tìm hướng đi với giáo án riêng

Theo cô Trang: “Nhớ lại thời gian đầu giảng dạy ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi luôn nỗ lực học hỏi, thường xuyên đăng ký tiết dạy tốt như những giáo viên khác nhưng tiết dạy của tôi không được đánh giá tốt. Dù tôi đã chuẩn bị kỹ thì tiết dạy vẫn thất bại như là tôi chưa hề chuẩn bị.

Gia đình, công việc…tôi thất vọng với chính bản thân mình, thấy kém cỏi, bất lực. Đã hơn 2 lần tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Có thể tôi không có duyên với nghề giáo.

Với sức trẻ và lòng yêu nghề mà tôi có, tôi đem tình yêu ấy truyền vào bài giảng để khơi dậy tình yêu trong học trò. Tôi tiếp tục hành trình không chỉ là cung cấp những kiến thức mà là dạy học sinh nên người, những người công dân của thời kỳ hội nhập.

Tôi tự thiết kế các bài dạy thực tế hơn, học gắn với hành bởi tôi đã nhận ra tầm quan trọng trong cách truyền dạy kiến thức, tôi chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực cho các con, để với học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui vẻ, hứng khởi, và chính điều đó sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng trong tôi.

Cùng với sự cố gắng của bản thân, nhà trường cũng như ban giám hiệu rất tạo điều kiện, tôi mạnh dạn cho học sinh tham gia các dự án học tập, học sinh được trải nghiệm, được đóng kịch, được làm nhà kinh doanh, nhà hùng biện, chuyên viên tư vấn tâm lý, nhà marketing…

Học sinh được tham gia tại lớp với các chương trình “Đối mặt”, “Tòa tuyên án”, “Phán xử”… Và có thể đó là lý do trong tiết dạy của tôi học sinh được “chơi”. Với tôi học sinh sẽ học thông qua chơi, và chơi cũng chính là một cách học".

Thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (người đứng giữa ảnh) và cô giáo Trang cùng các em học sinh của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (người đứng giữa ảnh) và cô giáo Trang cùng các em học sinh của nhà trường.

Ảnh: NVCC.

Môn học xây dựng phẩm chất, nhân cách cho học sinh

Trong chương trình giáo dục Trung học phổ thông, môn Giáo dục công dân là môn học gắn liền với thực tế đời sống, trang bị cho học sinh những chuẩn mực đạo đức nhằm rèn luyện, xây dựng phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống.

Trang bị những hiểu biết về pháp luật để học sinh trở thành công dân năng động, sáng tạo, tự tin, chủ động hội nhập. Những kiến thức học sinh được học không chỉ là những câu chữ, con số mà phải là hành trang để học sinh tự tin xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Học sinh phải được học tập trong niềm hứng khởi, say mê khi được truyền cảm hứng. Và đặc biệt, đó phải là cảm hứng để các con tự lực làm chủ giờ học, chủ động lĩnh hội kiến thức.

Cô Trang chia sẻ: “Thấu hiểu được điều đó, tổ Giáo dục công dân của nhà trường đã chú trọng dạy học truyền cảm hứng để học sinh tự lực làm chủ giờ học, dạy học gắn thực tiễn, đánh thức được tình yêu tiềm ẩn trong học sinh.

Khi học sinh được đặt vào vị trí làm chủ, các con sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, tự mình biết tính toán, tìm ra các phương án để hoàn thành yêu cầu, lĩnh hội được kiến thức bằng những giải pháp, khả năng phù hợp với bản thân.

Là người thầy nhưng đồng thời chúng tôi cũng là người bạn đồng hành cùng các con học sinh, bằng cả sự yêu thương chân thành của mình. Khi học sinh tự lực làm chủ giờ học, các con sẽ thấy có hứng thú, có cảm hứng. Và dĩ nhiên, khi các con có cảm hứng thì chất lượng tiết học sẽ chất lượng hơn.

Tất cả những khả năng như: Biên tập sách, soạn nhạc, vẽ tranh, làm đồ handmade, bình luận viên... chúng tôi có thể không thạo nhưng chúng tôi nguyện là người đồng hành, đi bên các con để các con có thêm động lực học tập.

Hàng năm, với những bài học truyền cảm hứng, có rất nhiều sản phẩm đã được học sinh chủ động tạo ra với những đam mê và sáng tạo như các bài rap: Bình đẳng trong gia đình, Ai rửa bát hôm nay; các cuốn sách, truyện như: SCARS- nỗi đau và những vết sẹo, Xanh & Xám, Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, Vương quốc bên bờ biển...

Các bộ tranh: 4 mùa Nguyễn Bỉnh Khiêm trong con, hành trình con lớn, cây yêu thương... các tiểu phẩm như: Nỗi đau để lại, muộn màng; các sản phẩm handmade như: móc khoá thông minh...

Trong những năm học tới, chúng tôi muốn tiếp tục lan toả những điều đó, để học sinh thực sự là trung tâm của tiết học, được truyền cảm hứng, tự tin toả sáng, đồng thời chúng tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho các giáo viên trong tổ Giáo dục công dân ngày càng vững mạnh, để mỗi ngày học sinh đến trường thực sự là một ngày vui, tràn đầy cảm hứng, truyền cảm hứng để học sinh tự lực làm chủ giờ học trong dạy học môn Giáo dục công dân”.

Các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học nhóm. Ảnh: VNCC.

Các em học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học nhóm. Ảnh: VNCC.

Là người thầy nhưng đồng thời chúng tôi cũng là người bạn đồng hành cùng các con học sinh, bằng cả sự yêu thương chân thành của mình. Ảnh: NVCC.

Là người thầy nhưng đồng thời chúng tôi cũng là người bạn đồng hành cùng các con học sinh, bằng cả sự yêu thương chân thành của mình. Ảnh: NVCC.

Tự hào là giáo viên dạy Giáo dục công dân

Cô Trang nói: “Khi được ai đó hỏi thăm dạy môn gì thì có nhiều giáo viên rất ngại chia sẻ mình dạy môn Giáo dục công dân, nhưng với tôi thì lại khác.

Tôi thấy tự hào về môn học và dạy của mình và đối với tôi thì môn nào cũng quan trọng và tôi nhận thấy các em học sinh của tôi rất thích môn này và đó là thành công của tôi.

Tôi vẫn thường nói với học sinh là có những lúc các con thấy buồn vì điểm số, nhưng các con nên chia sẻ với bố mẹ rằng môn Toán con có thể học kém một chút, Văn và tiếng Anh có thể chưa tốt…nhưng con hứa với bố mẹ là con sẽ trở thành một công dân tốt.

Qua những tiết dạy của tôi, các con có những bài học, những trải nghiệm cực kỳ gần gũi và trưởng thành rất nhiều. Sau này cũng vậy, tôi nghĩ là bằng cấp hay học giỏi các môn thì đều rất tốt nhưng quan trọng nhất là những kỹ năng mềm và môn của tôi thì cung cấp cho các con những kỹ năng đó.

Tôi thường xuyên lồng ghép trên lớp những bài học như: Kiểm soát cảm xúc; Quản lý thời gian; Ứng phó với tình huống nguy hiểm như có trộm vào nhà, hỏa hoạn, kẹt thang máy, phòng vệ khi bị xâm hại…chính vì vậy các con rất đam mê. Bản thân các em học sinh cũng có quan điểm môn Giáo dục công dân là môn rất thực tế, rất cần thiết với chính bản thân các con”.

Tùng Dương