“Lớp có 46 bạn thì 45 bạn đỗ lớp 10, một mình em là lớp trưởng lại trượt. Những gì em trải qua thật sự khó khăn khi từ một học sinh giỏi với bảng thành tích học tập đáng mơ ước lại có thể thi trượt vào cấp 3.
Em thực sự đã bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội, em tự tin mình sẽ đỗ vào trường đó nhưng rồi mọi việc hoàn toàn khác.
Tối đó, bố mẹ có lời qua tiếng lại với nhau, một phần của cuộc cãi vã mà em có nghe được là bố mất hoàn toàn niềm tin vào em.
Vào khoảng thời gian suy sụp khó khăn đó, em may mắn khi có mẹ ở bên động viên, giấu bố đưa em đến một trường tư ở Hà Nội để đăng ký theo học.
Thời gian đầu đi học, em thu mình, không nói chuyện, không giao du với các bạn, cứ hết tiết học em lại buồn bã ra về”, em Việt Anh học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Hà Ngọc Thủy dạy môn ngữ Văn của Trường trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Việt Anh học hết cấp 2 tại một trường có tiếng và vào học cấp 3 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhận hồ sơ của Việt Anh, tôi có xem phần ghi chú những năm trước thì thấy kết quả học tập của em rất là tốt, là người có trách nhiệm với những hoạt động của tập thể.
Tôi có một câu hỏi đặt ra là tại sao một học sinh có kết quả học tập và các hoạt động tốt như vậy mà kỳ thi vào cấp 3 này con lại không đạt?
Thực chất là Việt Anh không phải trượt cấp 3 mà vì điểm đầu vào trường mà Việt Anh chọn lại quá cao, còn điểm thi của Việt Anh là 47,5 điểm”.
Cô giáo Hà Ngọc Thủy: Tôi muốn cho các em hiểu rõ còn rất nhiều cánh cửa khác nữa mở ra sau thất bại, các con trượt môi trường công lập chưa hẳn đã là hết nên đừng bi quan. Ảnh: HNT. |
Ngày tập trung học sinh, tôi có quan sát Việt Anh và thấy tác phong của bạn í có gì đó rất là chững chạc, nhưng qua trao đổi trò chuyện tôi lại thấy tâm lý của em đang rất chán nản.
“Việt Anh bị một áp lực vì trước đây ở cấp 2 thì em thuộc Top những học sinh có lực học tốt nhất. Nhưng sau đó là sự thất vọng khi thi trượt vào cấp 3 và em cũng đã từng có í định tự tử vì áp lực quá lớn của gia đình trước kết quả thi.
Thậm chí cuộc nói chuyện giữa bạn í và bố khá căng thẳng, dẫn đến là Việt Anh không chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình.
Tôi muốn cho các em hiểu rõ còn rất nhiều cánh cửa khác nữa mở ra sau thất bại, các con trượt môi trường công lập chưa hẳn đã là hết nên đừng bi quan”, cô Thủy chia sẻ.
Học ở trường với thầy cô và những người bạn mới sẽ là những cơ hội mới, điều quan trọng nhất tôi phải làm cho Việt Anh và cho nhiều bạn khác nữa khi đến trường là các con phải cảm thấy vui, cảm thấy hạnh phúc vì thời gian ở trường rất là dài.
“Việc đầu tiên tôi giao cho Việt Anh làm lớp trưởng, tôi có nói với em rằng: Cô tin là con sẽ làm rất tốt.
Hàng ngày tôi vẫn luôn đồng hành, trò chuyện, hỏi thăm Việt Anh xem hôm nay trên lớp con có gì khó khăn? Nếu có thì tôi sẽ cùng Việt Anh tháo gỡ những vướng mắc đó.
Trong suốt cả quá trình từ năm lớp 10 cho đến nay là lớp 12 thì Việt Anh rất vững vàng với niềm tin mà tôi giao phó, và cả lớp rất ngưỡng mộ Việt Anh về lực học cũng như mọi hoạt động tập thể.
Về phía gia đình, sau buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1 năm lớp 10 thì cả bố và mẹ đều đã có cái nhìn thay đổi về Việt Anh. Cũng từ đó em mới vượt qua được áp lực của việc thi trượt lớp 10 và sống đúng với chính mình”, cô Thủy nói.
Trong quá trình thay đổi để có lớp học hạnh phúc thì không chỉ có nỗ lực của riêng giáo viên, mà còn có sự đồng hành của các em học sinh, phụ huynh và hiệu trưởng nhà trường
“Quan điểm của tôi từ lúc ra trường, đi dạy cho đến nay vẫn nhất quán là khi đón nhận bất cứ một học sinh nào thì đều coi các em như một trang giấy trắng, mình viết hay vẽ gì lên trên đó thì nó sẽ định hình ở đấy.
Với mỗi một học sinh tôi sẽ tạo ra một bức tranh từ chính con người của học sinh đó, bằng nhân cách và đặc điểm riêng, một cá tính khác nhau với những nhu cầu và cảm xúc rất riêng.
Chính vì vậy nên tôi rất cố gắng để làm sao chấp nhận tất cả những cái riêng đó, những điểm khác biệt của học sinh.
Những điểm nào đã tốt rồi thì mình cố gắng khích lệ, còn những điểm chưa tốt thì mình cũng không nên nhìn vào đó thành ấn tượng đây là học sinh chưa ngoan. Với tôi thì không hề có học sinh nào là cá biệt, mà chỉ là học sinh có những điểm khác biệt.
Vì vậy, tôi cố gắng chấp nhận những điểm khác biệt đó và giúp cho học sinh nhận ra được sự khác biệt của mình là tích cực hay tiêu cực, và tôi cũng không nôn nóng vì đó là một quá trình rất dài.
Có khá nhiều học sinh chuyển từ trường khác đến, và công việc đầu tiên bao giờ tôi cũng xem lại học bạ của các em từ những lớp dưới để nắm được xuất phát điểm.
Nắm chắc được mọi chuyện của học sinh từ những năm trước thì giúp tôi biết được đâu là “đê chắn” cho học sinh, và cũng có thể nhìn vào đó để đối chiếu quá khứ với thực tế học sinh đang ở trong lớp mình dạy, để mình có thể khai thác được gì”, cô Thủy cho biết.
Mọi giá trị giáo dục đều nằm trên nền tảng yêu thương và tôn trọng hạnh phúc của học sinh. Ảnh: HNT. |
Thầy cô phải có tấm lòng bao dung!
Những em đã mắc lỗi thì hầu hết rất mong muốn mọi người nhìn thấy những điểm tích cực để mà có nhưng lời khen hay sự khích lệ cho em đó một cơ hội thay đổi.
Không ít những tâm lý của một số thầy cô là khi thấy những em như vậy thì đã có ý nghĩ đóng đinh trong đầu rằng đây là học sinh như thế này, thế kia…
“Chính vì vậy mà không ít thầy cô khó ghi nhận những điểm tích cực của học sinh và cũng rất khó khăn khi mà dành những lời khen cho những em đó.
Nhưng với những học sinh có đặc điểm như vậy thì tôi cố gắng nhìn thấy những điểm tốt để nói lời khen nhiều hơn và tất nhiên là khen với những sự việc thật.
Tôi thường giao cho những học sinh có tính cách đặc biệt đó công việc mà biết rằng bạn đó khó có thể hoàn thành được, thậm chí giao cho bạn đó làm tổ trưởng trong khi bạn đó chưa gương mẫu.
Nhưng tôi vẫn giao và cứ từng ngày, từng ngày một uốn nắn, cũng là để cho bạn đó tự nhận thấy bản thân mình vẫn có giá trị, vẫn có khả năng làm được những việc tốt và được mọi người nhìn nhận.
Và các bạn khác trong lớp cũng cảm nhận được rằng bạn học sinh đó cũng có đóng góp vai trò tập thể, nhất là tính cách các bạn trai luôn muốn khẳng định vai trò cá nhân rất cao.
Nếu khai thác được những điểm mạnh đó của học sinh thì có thể nói rằng đã thành công được 70% trong việc giúp các em đó tiến bộ. Các bạn gái thì thường hợp hơn với những lời động viên nhẹ nhàng, hoặc những lời khen tinh tế.
Một số em gái tô môi son rất đậm, không thích hợp nhưng tôi vẫn nói: Hôm nay con xinh lắm, nhưng giá như mà mầu son của con nhạt hơn một chút thì sẽ phù hợp với việc đến trường, và với những lời như vậy thì hôm sau em học sinh đó đã tự thay đổi.
Nhưng nếu hôm sau bạn đó vẫn son tô đậm hơn thì tôi có thể nói rằng: Cô nghĩ là hôm qua cô nói thì con đã hiểu, và cô mong muốn rằng con sẽ thay đổi.
Nếu ngày mai bạn đó vẫn chưa thay đổi thì có thể nói là: Nếu mà như thế này thì có lẽ cô cần phải nhờ đến sự can thiệp của mẹ con, vì cô tin rằng mẹ con cũng giống cô về cảm nhận của phụ nữ thế nào là đẹp và phù hợp.
Khi mình đưa ra một sự hợp tác mới với phụ huynh thì đó cũng là một cách phạt nặng hơn rồi.
Tôi thường xuyên xây dựng kỷ luật tích cực cho học sinh, cố gắng trong tất cả mọi giải pháp đều trên cơ sở giáo dục trước, và nó là cả một quá trình các em hiểu được lời mình nhắc nhở, thậm chí là có lúc mình phải nói với tông giọng cao lên một chút.
Nhưng học sinh phải hiểu được đó là xuất phát từ việc chăm lo và sự yêu thương của các thầy cô, chứ tôi không có phạt học sinh, không trách mắng và cũng không xúc phạm các em.
Mọi giá trị giáo dục đều nằm trên nền tảng yêu thương và tôn trọng hạnh phúc của học sinh, một phần rất quan trọng định hình cho công việc và trở thành phương pháp làm việc của tôi”, cô Thủy nói.
Tôi cũng rất may mắn khi được tham gia những khóa học giá trị sống và chương trình này cũng được Ban giám hiệu nhà trường đưa vào từ hơn 10 năm nay, năm nào giáo viên trong trường chúng tôi cũng được học.
“Việc đầu tiên khi bước vào lớp là tôi phải cảm nhận được không khí lớp học hôm đó như thế nào, xem các con đã thật sự sẵn sàng hay chưa?
Nếu như còn có cái gì đó lấn cấn như các con không chú ý, mất trật tự hoặc nét mặt các con buồn thì tôi phải làm những biện pháp tâm lý để làm sao các con chú ý về sự xuất hiện của mình.
Sau đó phương pháp dạy của tôi phải lựa theo học sinh, giáo án hôm đó có thể khác đi và không hoàn toàn như mình đã soạn sẵn, mà nó tùy thuộc vào tình huống buổi học hôm đó.
Tôi dạy môn ngữ Văn, một giáo án tôi thường có 2 - 3 kịch bản khác nhau, ví dụ tôi vào một lớp mà các con học khá thì tôi sẽ dạy theo phương pháp nhóm chuyên gia, hoặc thuyết trình.
Cũng với bài này nhưng vào lớp các con học theo Ban khoa học tự nhiên thì tôi lại phải thay đổi theo một phương pháp khác để làm sao học sinh vừa học, vừa chơi nhẹ nhàng mà các em vẫn tiếp thu được kiến thức. Nói chung là bài giảng phải linh hoạt với từng đối tượng và từng lớp học.
Nếu trong lớp mà học sinh đang có chuyện khúc mắc với nhau, trong khi giáo viên không để í cứ theo giáo án dạy một lèo ở trên bảng thì chắc chắn giờ học đó sẽ thất bại.
Tôi vẫn thường nói với các em rằng: Cô không chỉ là giáo viên bộ môn, nhưng nếu có thể các con hãy coi cô là một người bạn hoặc là hơn nữa, có gì đó các con cứ chia sẻ, nếu cô sai thì các con hãy nói để cô điều chỉnh, nếu các con sai thì các con hãy dũng cảm nhận lỗi.
Nếu thấy không khí trong lớp hơi buồn thì tôi thử một câu nói vui vui xem không khí lớp có thay đổi không, hoặc tôi sẽ khởi động bài học bằng cách hỏi xem hôm nay các em có điều gì muốn nói với cô?
Mỗi bạn sẽ viết điều đó vào một tờ giấy và khi các em viết ra được thì các em sẽ giải tỏa, sau đó tôi thu giấy lại. Nếu có gì thuộc về bí mật riêng tư của các em thì tôi sẽ giữ kín, còn những vấn đề công khai tôi sẽ đọc để cả lớp cùng tháo gỡ.
Hoặc tôi có thể gặp riêng học sinh có tâm tư để cùng tháo gỡ cho các em. Đó cũng là cách tôi chia sẻ cảm xúc với học sinh”, cô Thủy chia sẻ.
Tôi nhớ có lần làm chủ nhiệm ngang một lớp giữa năm lớp 11, mà lớp đó được tập hợp từ những thành viên cần được “quan tâm” đặc biệt. Đặc điểm của lớp này là rất nhiều học sinh nam, rất cá tính và nhiều chiêu trò, lười học bài và nghịch ngợm.
“Tôi vận dụng cách giáo dục tâm lý, tách riêng những em nghịch ngợm, cá tính nhất và tìm học sinh nào là đầu trò để tác động và thay đổi học sinh đó đầu tiên.
Tôi giao cho học sinh nghịch nhất đó làm lớp phó phụ trách nề nếp và quản lý công tác bán trú, và quả thật tôi đã không nhìn lầm người, em học sinh đó có tác động rất lớn về tâm lý đến các bạn trong lớp.
Từng ngày một tôi uốn nắn, dần dần em đó làm rất tốt công việc được giao và bản thân em đó cũng rất tiến bộ.
Vẫn áp dụng cách như vậy và tôi đã thay đổi cán bộ trong lớp bằng những học sinh có cá tính đặc biệt, dần dần lớp đi vào quy củ và nề nếp hơn, các em đã biết nghe lời và chăm chỉ học tập”, cô Thủy nói.