Không thiếu chiêu lách luật
Trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng của Bảo hiểm xã hội các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ Doanh nghiệp ký Hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm.
Sau khi hết hạn hợp đồng 2- 5 ngày, họ lại được ký tiếp “Hợp đồng lao động mùa vụ”.
Hay như, thanh tra tại một doanh nghiệp khác, đoàn thanh tra phát hiện nhiều NLĐ được ký Hợp đồng lao động một năm (từ 6/2017) nhưng chưa tham gia Bảo hiểm xã hội.
Tháng 2/2020, Thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội. Một số doanh nghiệp không hợp tác, không chấp hành, không cung cấp hồ sơ đã bị đề nghị xử lý hình sự. |
Theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, đến tháng 12/2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4/2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với Hợp đồng lao động mới và tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2018…
Đây là những tình huống khá phổ biến mà nhiều đoàn thanh tra gặp phải. Tuy nhiên, cách ứng xử, giải thích của các chủ doanh nghiệp lại rất khác nhau nên các đoàn thanh tra cũng có những xử lý khác nhau.
Ông Dương Quang Hớn- Trưởng phòng Thanh tra- Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An) cho biết, trong quá trình thanh tra, các đoàn còn phát hiện nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động trong Hợp đồng lao động (ngoài lương) là khoản trợ cấp sáng kiến, thưởng hoàn thành nhiệm vụ với mức tiền cố định hàng tháng theo từng chức danh công việc.
Từ đó, các doanh nghiệp không đưa các khoản này làm căn cứ để tính đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế…
Tại nhiều doanh nghiệp, khi thanh tra mới phát hiện hàng chục người lao động chưa được tham gia Bảo hiểm xã hội; thậm chí hàng ngàn người lao động bị đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức tiền so với thực tế.
Lúc này, trách nhiệm của đoàn thanh tra là phải thu thập bằng chứng, tài liệu, đối chiếu quy định pháp luật mới có thể buộc doanh nghiệp thực hiện đúng.
Tại Long An, Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An đã phát hiện 2.737 trường hợp người lao động bị doanh nghiệp đóng thiếu so với quy định và trên 500 trường hợp không tham gia…
Theo ông Nguyễn Trọng Nam- Trưởng phòng Thanh tra- Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh), trước đây, “chiêu” mà các doanh nghiệp thường áp dụng là ký Hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng.
Họ ký tối đa 2 hợp đồng rồi sau đó giấu đi, chỉ khi bất đắc dĩ mới phải cung cấp. Theo ông Nam, các doanh nghiệp thường có 3 loại hồ sơ (gồm Hợp đồng lao động, bảng lương), trong đó một bộ để lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các cổ đông; một bộ để báo cáo cơ quan chức năng, ngân hàng và một bộ để dùng cho chính người lao động.
Tuy nhiên, từ 1/1/2018, “chiêu” ký 2 hợp đồng dưới 3 tháng sẽ không thể áp dụng, vì Luật Bảo hiểm xã hội quy định Hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khả năng phát hiện Doanh nghiệp gian lận sẽ cao hơn.
Thời gian gần đây, việc liên thông dữ liệu thuế hỗ trợ rất lớn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc đối chiếu, kiểm tra các hành vi gian lận.
Trước đây, doanh nghiệp có thể báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp một đằng và đóng Bảo hiểm xã hội một nẻo.
Nhiều doanh nghiệp khai báo thuế trả tiền lương, tiền công cho người lao động với số tiền vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để làm chi phí khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng Bảo hiểm xã hội cho ai.
Nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có dữ liệu của ngành Thuế để đối chiếu nên doanh nghiệp khó “lách” được, thậm chí bị chế tài xử lý vi phạm rất nặng.
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội một số tỉnh phía Nam, khi bị thanh tra, nhiều doanh nghiệp còn cố tình cung cấp hồ sơ không đúng thực tế (bảng lương, Hợp đồng lao động, quy chế trả lương…) gây khó cho công tác thanh tra.
Kiên quyết xử lý bằng hành lang pháp lý
Theo thoibaotaichinh.vn, hiện cả nước có đến 50% số lượng doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động với 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng đang có tổng số nợ khó thu rất lớn, lên đến hơn 2.000 tỉ đồng do doanh nghiệp "mất tích", phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số nợ lớn, mặc dù đã có quyết định xử lý nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn an ninh trật tự xã hội, an sinh xã hội trên các địa bàn.
Trước những quy định còn mang tính định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau của Bộ luật Hình sự năm 2015, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 của Bộ luật Hình sự về tội gian lận Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Điều 216 về tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2019.
Hành lang pháp lý được quy định rõ trong luật. Ảnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Luật Bảo hiểm xã hội trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ðồng thời, giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn, bởi đây là đại diện hợp pháp của người lao động.
Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định về việc Tòa án thụ lý giải quyết những tranh chấp liên quan đến Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan, bao gồm: Tội gian lận Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Ðiều 214); tội gian lận Bảo hiểm y tế (Ðiều 215); tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Ðiều 216).
Ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để nắm bắt thông tin về số đơn vị đang hoạt động, thành lập mới hoặc giải thể, phá sản; để đôn đốc, vận động đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động; tăng cường công tác thanh tra đột xuất việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm như trốn đóng, đóng không đúng mức quy định, nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.
“Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ 85 doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”.
Năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai tới 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật lao động, trong đó lồng ghép thanh tra về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và ban hành 1.497 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 48 tỷ đồng; song, có vẻ vẫn chỉ như “muối bỏ biển”, quá nhỏ bé và chưa đủ sức răn đe, khiến người lao động vẫn bị thiệt thòi.