Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ một số môn học ở hầu hết các địa phương...
Đúng là nhân lực ngành giáo dục hiện nay đang thừa - thiếu cục bộ và trong từng trường học cũng nhìn rõ được vấn đề này. Có những môn học mới gần như đang “trắng” giáo viên nhưng một số môn học lại đang thừa cục bộ vì số tiết của chương trình 2018 giảm so với chương trình 2006.
Vì thế, nhìn vào điểm chuẩn của các trường sư phạm mới công bố trong những ngày vừa qua, có những ngành học lấy điểm chuẩn lên đến 9,76 điểm/ môn mới trúng tuyển rất đáng mừng. Nhưng, thông thường những ngành học sư phạm có điểm chuẩn cao thì cơ hội việc làm khi ra trường trong những năm tới đây có thể sẽ khó khăn hơn một số ngành học đặc thù.
Điểm chuẩn một số ngành cao cao không tỉ lệ thuận với cơ hội việc làm khi ra trường
Theo dõi điểm chuẩn của các trường sư phạm mấy năm gần đây, chúng ta thấy không chỉ các ngành Ngữ văn; Toán; tiếng Anh có điểm chuẩn cao mà một số ngành học ở các trường sư phạm như: Lịch sử; Hóa học; Vật lý…điểm chuẩn cũng luôn nằm ở tốp đầu. Như năm nay, một số ngành học có mức điểm chuẩn lên đến trên 29 điểm.Đó là điều rất đáng mừng cho các trường sư phạm và tương lai của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn khi các em sinh viên sư phạm ra trường có công việc đúng chuyên môn, được đứng trên bục giảng để truyền lại kiến thức cho các thế hệ học trò. Ngược lại, nếu cơ hội việc làm ít sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho bản thân các em học sư phạm và còn gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong quá trình đào tạo.
Thực tế cho thấy, cơ hội việc làm của một số ngành học nay đang bị thu hẹp lại rất nhiều- nhất là từ khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thay đổi về môn học, số tiết ở các cấp học phổ thông.
Ví dụ như môn Lịch sử- trước đây, khi dạy chương trình 2006, sinh viên sư phạm môn này sau khi tốt nghiệp có thể dạy được cả cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông mà không gặp khó khăn gì vì đúng chuyên môn đào tạo.
Nhưng, khi triển khai chương trình 2018, sinh viên Lịch sử ra trường chỉ có thể dạy được ở cấp Trung học phổ thông vì cấp Trung học cơ sở, môn học này đã được tích hợp với môn Địa lí để thành môn Lịch sử và Địa lí. Trong khi, số tiết môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông không nhiều, chỉ 2 tiết/ tuần/ lớp.
Vì thế, trường loại II, loại I cũng chỉ cần 3-5 giáo viên Sử là đủ; trường loại III chỉ cần 2 giáo viên Sử là có thể đảm bảo định mức giảng dạy.
Đối với các sinh viên học các chuyên ngành: Hóa học; Sinh học; Vật lí khi tốt nghiệp- nếu muốn đi dạy cũng chỉ có thể dạy ở trường Trung học phổ thông. Trong khi đó, các môn học này bây giờ là môn học lựa chọn, số tiết cũng không nhiều. Cấp Trung học cơ sở bây giờ đã được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
Vì thế, những sinh viên học các chuyên ngành: Hóa học; Sinh học; Vật lí; Lịch sử; Địa lí khi ra trường nếu dạy đúng chuyên ngành, chỉ có thể dạy ở cấp Trung học phổ thông.
Muốn dạy ở cấp Trung học cơ sở phải học thêm chứng chỉ tích hợp nhưng cơ hội việc làm cũng rất thấp vì những năm qua, cũng như hiện nay các trường sư phạm đang đào tạo các chuyên ngành: Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên các môn học này ở các nhà trường hiện nay không thiếu và họ cũng đang dần được cử đi bồi dưỡng kiến thức tích hợp để dạy cả môn học.
Các môn có số tiết nhiều, ổn định như Ngữ văn; Toán, Tiếng Anh thì các trường thuộc khu vực đô thị, đồng bằng rất ít tuyển mới vì những năm trước đây tuyển khá nhiều nên đang xảy ra tình trạng thừa, nhất là ở cấp Trung học cơ sở.
Vì thế, cho dù thỉnh thoảng có giáo viên nghỉ hưu nhưng đa phần các trường không thiếu giáo viên các môn học này. Hơn nữa, các trường phổ thông công lập việc khoán kinh phí nên họ tính toán rất kĩ khi đề nghị tuyển dụng thêm nhân sự.
Môn tiếng Anh chỉ thiếu ở những khu vực điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Còn các trường có điều kiện thuận lợi gần như chỉ thiếu ở một số trường Tiểu học vì số tiết ngoại ngữ bắt buộc, tự chọn ở cấp học này tăng lên.
Về cơ bản, cấp Trung học cơ sở hiện nay đang thừa giáo viên Tin học vì ở chương trình 2006 thì môn học này 2 tiết; chương trình 2018 chỉ còn có 1 tiết/ lớp/ tuần nên dư hẳn một nửa số lượng giáo viên. Chẳng hạn, trường học có 38 lớp (thuộc trường loại I) thì trước đây dạy chương trình 2006 mỗi tuần sẽ có 76 tiết học, tương ứng với 4 giáo viên. Bây giờ, cũng chừng ấy lớp chỉ cần 2 giáo viên là vừa đủ.
Vì thế, các môn học khác, những trường thuộc khu vực đô thị, đồng bằng chỉ thiếu cục bộ ở một số trường. Riêng cấp Trung học cơ sở vì giáo viên được đào tạo 2 chuyên ngành nên Ban giám hiệu cân đối, sắp xếp nhằm không phát sinh thừa giờ. Điều này cho thấy, nhân lực ở phần lớn các trường cấp Trung học cơ sở hiện nay đang khá ổn định.
Chỉ thiếu giáo viên ở một số môn đặc thù
Chuyện thiếu giáo viên hiện nay có lẽ chỉ dừng lại ở cấp Mầm non là nhiều nhất. Bởi, cấp học này, số lượng học sinh nhiều mà tình trạng giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn vì áp lực công việc.
Cấp Tiểu học, thiếu nhiều nhất là môn Tin học vì đây là môn học mới được đưa vào giảng dạy đại trà từ lớp 3. Các môn học khác thiếu không đáng kể.
Cấp Trung học cơ sở hiện nay gần như không thiếu (chỉ trừ một số trường thuộc khu vực khó khăn, hoặc trường mới thành lập).
Đối với cấp Trung học phổ thông, chỉ có môn Âm nhạc và Mĩ thuật là đa phần các trường đang “trắng” giáo viên. Bởi, đây là 2 môn học hoàn toàn mới ở cấp học này. Bên cạnh đó, môn Nội dung giáo dục địa phương cũng có phân môn của 2 môn học này.
Về cơ bản, giáo viên hiện nay thiếu chủ yếu là ở những khu vực khó khăn vì giáo viên khi hết tập sự họ thường tìm cách thuyên chuyển về đồng bằng, những khu vực có điều kiện để phát triển sự nghiệp.
Một số môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh thì những vùng khó khăn cũng rất khó tuyển vì giáo viên 2 môn này có cơ hội việc làm thêm cao hơn- nếu họ công tác ở những vùng có điều kiện.
Các môn Âm nhạc, Mĩ thuật thường kén người học và các trường sư phạm dạy 2 chuyên ngành này cũng ít nên số lượng sinh viên ra trường hằng năm không nhiều. Hơn nữa, khi triển khai chương trình 2018 thì đây là 2 môn học mới ở cấp Trung học phổ thông.
Bức tranh nhân lực ngành giáo dục hiện nay và những năm tới đây nhìn chung đang có nhiều gam màu khác nhau. Những vùng thiếu vẫn thiếu do điều kiện những nơi này kém phát triển, nhân lực tại chỗ ít.
Những nơi có điều kiện, nguồn nhân lực khá dồi dào. Phần vì nhân lực là người địa phương nhiều, phần vì nhân lực ở các nơi khác cũng tìm đến. Vì vậy, mỗi vị trí tuyển dụng bao giờ cũng cạnh tranh nhau khá gay gắt.
Riêng một số môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật thì có thể những năm tới đây vẫn thiếu nhiều giáo viên vì đây là những ngành đào tạo ít, học sinh phổ thông cũng không mặn mà với các chuyên ngành này vì nhiều lý do khác nhau.
Vì vậy, những ngành học sư phạm có điểm chuẩn cao những năm tới đây vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt về công việc vì phần nhiều các môn học này ở các nhà trường phổ thông hiện nay không thiếu. Những ngành có điểm chuẩn thấp hơn như Âm nhạc, Mĩ thuật thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn vì nhân lực các môn học này hiện nay thiếu nhiều.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.