Cô ơi, học xong sư phạm cô xin việc cho em nhé?

03/12/2020 06:25
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi luôn dõi theo những học sinh của mình vào sư phạm, các em đều có tố chất làm một giáo viên tốt, nhiều em hiện nay đã là đồng nghiệp của tôi. Thật đáng mừng.

“Trong quá trình đi dự giờ, nghe học sinh thuyết trình tôi nhận thấy rất nhiều học sinh có khả năng trở thành giáo viên, những lúc như vậy bao giờ tôi cũng khuyên rằng: Con ơi, con đi sư phạm đi vì cô thấy con rất có năng khiếu và tố chất.

Tôi trao đổi việc đó với phụ huynh của các con thì đa số các bác đều thích và rất ủng hộ, nhưng cũng với đa số đó đều có những ánh mắt ngần ngại.

Cách đây cả chục năm bản thân tôi cũng đã làm các khảo sát như vậy rồi, các con rất thân, quý tôi và cũng chia sẻ hết: Chúng con thực sự nhìn thấy các thầy cô khổ và vất vả quá, muốn mặc một bộ quần áo thời trang hơi lạ một chút cũng phải cân nhắc.

Vào những tụ điểm giải trí hiện đại hoặc đi hát Karaoke với học sinh thì các thầy cô cũng e ngại, đi đâu các thầy cô cũng phải “giữ” một cái gì đó…sao con thấy nghề gì mà vất vả, khó khăn thế hả cô? Thế này có lương cao thì chúng con cũng không thấy thoải mái, cũng thấy ngại.

Những tâm sự kiểu như vậy của học sinh thì năm nào tôi cũng nhận được khi tư vấn nghề nghiệp cho các con lớp 12. Tôi cũng nắm được trường mình năm nay có bao nhiêu hồ sơ nguyện vọng 1 thi vào trường Sư phạm.

Mỗi năm Trường Trung học phổ thông Yên Hòa của chúng tôi có khoảng trên dưới 500 học sinh ra trường nhưng chỉ có từ 5 đến 7 hồ sơ đăng ký thi vào sư phạm, một con số quá ít so với các ngành khác.

Tôi dõi theo số học sinh đó vào nghề sư phạm thì các em đều có tố chất để làm một giáo viên tốt, có những em hiện nay đã là đồng nghiệp của tôi và đó là điều rất mừng”

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, thành viên tham gia tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới Giáo dục, đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Mỗi năm Trường Trung học phổ thông Yên Hòa của chúng tôi có khoảng trên dưới 500 học sinh ra trường nhưng chỉ có từ 5 đến 7 hồ sơ đăng ký thi vào sư phạm. Ảnh: TD.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Mỗi năm Trường Trung học phổ thông Yên Hòa của chúng tôi có khoảng trên dưới 500 học sinh ra trường nhưng chỉ có từ 5 đến 7 hồ sơ đăng ký thi vào sư phạm. Ảnh: TD.

Cô Nhiếp cho biết: “Tôi có cô con gái và cũng đã định hướng cho cháu thi sư phạm, vợ chồng tôi dành cả một buổi tối đi chơi với con nhưng nhằm mục đích thuyết phục cháu theo nghề sư phạm trước khi cháu làm hồ sơ thi đại học.

Chồng tôi phân tích rằng con nên theo nghề giáo cho đỡ vất vả, nhàn hơn và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình…nhưng thật bất ngờ khi con gái tôi quay sang hỏi lại: Thế bố thấy mẹ con có nhàn không? Mẹ đi từ sáng đến tối.

Nghe như vậy xong vợ chồng tôi không nói câu gì nữa, thống nhất để cho cháu tự quyết định và cháu đã chọn theo học ngành Ngoại giao.

Sau này cháu còn học thêm Thạc sĩ Tâm lý, tôi thấy cháu vẫn có tố chất nhưng thật sự rất tiếc là cháu chưa đủ đam mê trở thành một cô giáo, đó là điều tôi rất tiếc”.

Cô Nhiếp chia sẻ: “Nhiều thầy cô giáo là đồng nghiệp của tôi có chia sẻ rằng không muốn cho con theo ngành bởi nghề này quá vất vả và quá áp lực, ai cũng có quyền soi xét đánh giá giáo viên, có nhiều rủi ro, lương và thu nhập từ nghề giáo không cao.

Ngày xưa một bộ giáo án có thể dạy từ năm này qua năm khác được, nhưng hiện nay thì không thể như vậy. Rất nhiều người nói nghề dạy học nhàn lắm nhưng cá nhân tôi lại thấy ngược lại.

Mọi người nghĩ làm quản lý thì nhàn quá vì có việc gì đâu, cứ đến học kỳ lại thi, lại tốt nghiệp rồi lại khai giảng…nghe vậy nhưng tôi không thể nói được gì và thực sự thấy buồn cười cho những suy nghĩ đó.

Bản thân tôi chỉ với một việc khai giảng thôi, tên vẫn là lễ khai giảng nhưng trong nội hàm mình đã muốn thay đổi rồi, bất kể hoạt động gì mình đều muốn đổi mới và nghề giáo là phải luôn như vậy.

Những người thực sự tâm huyết với nghề sẽ đều có hai luồng tâm tư rằng rất muốn chọn những học sinh tốt có năng lực phẩm chất, có tâm, có tố chất để theo nghề sư phạm để kế tiếp đào tạo những thế hệ sau.

Nhưng một mặt thật sự là tôi cũng thấy thương nhưng em đó, những người đó và nếu cứ tiếp tục như thế này thì liệu họ có đủ kiên trì không, có đủ đam mê không, có đủ nghị lực mà vượt qua những lúc mà xã hội, truyền thông căng thẳng và áp lực đối với nghề giáo?

Ngoài sự đam mê nhưng cũng rất cần phải có bản lĩnh, đôi khi cần phải vứt bỏ hết, tự mình phải an nhiên với lương tâm rằng mình làm đúng, mình làm tốt cho học sinh thì trước sau mọi người cũng sẽ hiểu.

Ngoài hướng nghiệp cho học sinh theo nghề sư phạm nhưng tôi cũng phân tích hết để các con hiểu rõ nghề này có và được cái gì, phải chịu thiệt thòi ra sao…?”.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: TD.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: TD.

Trượt nguyện vọng 1 mới phải vào sư phạm?

Cô Nhiếp nói: “Theo tôi thì nhận xét như vậy cũng có phần nào đúng, thực chất có học sinh trượt hết các nguyện vọng thì các con mới vào sư phạm. Nhưng không phải tất cả đều như vậy!

Ngay ở Trường Trung học phổ thông Yên Hòa tôi thấy các em đã xác định nguyện vọng 1 vào sư phạm thì đều là những học sinh có tố chất, rất đam mê, nhiều em đạt giải quốc gia thi học sinh giỏi. Các em đều theo sư phạm Sử, sư phạm Toán, sư phạm Văn…rất nhiều.

Vậy nên các em rất cần một sự định hướng từ phía nhà trường, chính ngôi trường cấp III mà có thầy cô tâm huyết, nhìn nhận ra khả năng ở các em thì cũng nên định hướng cho các em theo nghề sư phạm.

Một em học sinh của trường tôi vừa tốt nghiệp lớp 12, em đạt giải khuyến khích quốc gia môn Văn, hôm 20/11 vừa rồi em đó có đến thăm tôi và có tâm tư về ngành nghề.

Tôi nói rất muốn con theo nghề giáo vì cô thấy ở con hội tụ đủ mọi yếu tố từ hình thức, tính tình, nhân cách, kiến thức… đều rất tốt và có tố chất. Mẹ em học sinh ngồi bên cạnh cũng rất muốn và tôi nghĩ con đang nghiên rất nhiều về nghề giáo.

Nhưng con có nói thêm là cô ơi thế học xong sư phạm, khi ra trường thì cô xin việc cho con nhé? Tôi nhận thấy ngay một sự lo lắng không hề nhẹ của em rằng khi ra trường sẽ không có công việc, vậy thì thế nào?”.

Làm sao để thu hút sinh viên theo ngành sư phạm?

Cô Nhiếp cho biết: “Với tầm vĩ mô về cơ chế chính sách của nhà nước thì làm sao phải là động lực giúp cho người giáo viên yên tâm với nghề, bền bỉ, lâu dài tâm huyết cống hiến, tôi rất mong có một cơ chế như vậy.

Với các em sinh viên học sư phạm thì đồng lương cũng mới là một phần động lực, nhưng điều mà các em mong muốn nhất là ra trường phải có công ăn việc làm theo đúng ngành nghề mình đã học.

Tôi đã tìm hiểu từ rất lâu và các em đều chia sẻ việc mong muốn có được công việc hơn là mức lương đãi ngộ kia. Làm sao để các em thấy ổn định, yên tâm với nghề mình đã chọn và cống hiến.

Phải có chính sách tốt để các em thấy rằng mình cần phải học, phải phấn đấu thế nào…để khi ra trường là có công việc làm ngay, và khi làm tốt thì cơ chế lương cũng sẽ tốt lên theo vì xã hội đang thay đổi từng ngày.

Khi đã chọn theo nghề giáo thì ai cũng cần một yếu tố ổn định, những người này thường không thích sự “bay nhảy”, dịch chuyển công việc, vậy nên yếu tố ổn dịnh cực kỳ quan trọng, đó là việc làm.

Rất nhiều em khi về đây thực tập tôi đã tìm hiểu, tôi cũng đã chọn và nhận về trường toàn sinh viên giỏi, nói thật là thương lắm chỉ có 2 - 3 lớp với 6 tiết học nhưng vẫn đam mê, miệt mài giảng dạy”.

Đội ngũ các thầy cô giáo của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: TD.

Đội ngũ các thầy cô giáo của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: TD.

Cô Nhiếp nêu quan điểm: “Bên cạnh sự ghi nhận về mặt tinh thần thì vẫn cần phải có về mặt vật chất. Cuộc sống con người ta khi đi làm không phải chỉ để nuôi sống bản thân mà còn nuôi con, nuôi gia đình và cũng muốn thể hiện với mọi người rằng tôi là giáo viên nhưng tôi cũng chắt chiu được, đủ nuôi con, có đồng ra đồng vào.

Nhưng thực tế hiện nay đúng là khoản thu nhập của giáo viên nói chung rất thấp, để đổi mới, để lâu dài thu hút nguồn nhân lực sư phạm thì rất cần có sự đổi mới về đãi ngộ, vật chất.

Tại ngôi trường này tôi cũng rất thương anh em đồng nghiệp, họ cũng vì tôi ra sức học hỏi, nâng cao kiến thức và luôn sẵn sàng theo tôi để đổi mới giáo dục.

Nhưng thực sự những bù đắp lại về vật chất cho những đồng nghiệp đó không đáng là bao, chưa tương xứng với công sức và nỗ lực cố gắng trong giảng dạy mà họ đã bỏ ra.

Nếu cứ kéo dài như vậy thì họ sẽ nản, lúc nào trong tâm tôi cũng áy náy có điều gì đó không phải với anh em trong trường, nhưng tôi cũng không biết lấy ở đâu ra để bù đắp, cơ chế nó là như vậy rồi”.

Cô Nhiếp nhận định: “Anh chị em những người có tâm huyết với nghề giáo cũng đã nhiều lần ngồi trao đổi với nhau và thực sự cảm thấy lo lắng, nếu cứ kéo dài cơ chế như hiện nay thì liệu có được bao nhiêu người theo nghề?

Tôi biết rất nhiều người có tố chất tốt thích hợp nghề giáo, đã vào sư phạm rồi nhưng sau đó họ lại không theo nghề vì bản thân họ thấy không cuốn hút, lo lắng không đủ nuôi sống gia đình.

Nhìn chặng đường dài phía trước họ thấy áp lực quá, nản quá, ai cũng nhìn vào và ai cũng phán xét được công việc của họ, cuộc sống quá đè nặng.

Những người như chúng tôi đã có mấy chục năm cống hiến thì không dễ gì mà dứt bỏ ngay được, nhưng với những người mới bắt đầu bước chân vào thì họ có suy tính, cân nhắc, so sánh và nhất là những người có tài thì họ sẽ chọn môi trường làm việc khác ngay vì với cùng công sức bỏ ra nhưng được đãi ngộ cao hơn.

Tôi biết rất nhiều người giỏi sau khi học xong sư phạm, họ học thêm một bằng nữa rồi chuyển qua ngành khác để làm việc. Đó là điều cần phải suy nghĩ”.

Tùng Dương