Cần sự nhất quán từ tư duy đến đồng bộ trong thực hiện Luật 34, Nghị định 99

29/05/2021 06:29
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường..

LTS: Ngày 26/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường.Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Các Phó Chủ tịch Hiệp hội; Phó Giáo sư–Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học; Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cùng 123 Chủ tịch Hội đồng trường, Lãnh đạo 18 trường đại học, cao đẳng sư phạm đang thành lập Hội đồng trường tham gia dự thính, cùng 2 Đại biểu Quốc hội. Sau tọa đàm, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Lê Viết Báu - Chủ tịch hội đồng trường trường Đại học Hồng Đức.

Được biết, từ tháng 11/2019, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Viết Báu trở thành Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức. Như vậy, Trường Đại học Hồng Đức là một trong những cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường ngay sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 (hay còn gọi là Luật 34) có hiệu lực không lâu.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Viết Báu để lắng nghe ý kiến của ông qua quá trình thực thi trách nhiệm, quyền hạn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức.

Phóng viên: Sau gần 2 năm ở cương vị mới, ông thấy hệ thống hành lang pháp lý còn có bất hợp lý nào trong quá trình quản trị, quản lý điều hành khiến cho Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình?

Phó giáo sư Lê Viết Báu: Được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng trường trường Đại học đã được thành lập và tôi được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường từ trưởng khoa nên kinh nghiệm quản lý cấp trường đối với tôi là con số 0 tròn trĩnh. Tuy vậy tôi cũng nhận thấy một số điểm bất hợp lý về hành lang pháp lý khiến cho Hội đồng trường hoạt động chưa mang lại hiệu quả. Đó là:

Thứ nhất, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP không thống nhất về thành phần tham dự Hội nghị Tập thể lãnh đạo cơ quan, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện nội dung này ở nhà trường. Hiện nay chỉ có cuộc họp được gọi là họp ban giám hiệu.

Thứ hai, chưa quy rõ trách nhiệm của thành viên Hội đồng trường. Trong trường hợp thành viên Hội đồng trường vắng họp, thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng cũng khó có chế tài xử lí. Nhất là đối với thành viên được mời.

Thứ ba, chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường. Điều này gây khó cho các trường thuộc địa phương quản lý vì họ phải tuân theo các quy định, quy trình của tỉnh ủy dùng chung cho tất cả các sở ban ngành của tỉnh mà không thông qua Hội đồng trường như Luật định. Và do đó đương nhiên tỉnh sẽ bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm mà không theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Viết Báu trở thành Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NTCC

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Viết Báu trở thành Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NTCC

Thứ năm, Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP không quy định địa vị pháp lý người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa Chủ tịch hội đồng và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, gây khó khăn trong các hiểu, cách thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cả Chủ tịch Hội đồng trường lẫn Hiệu trưởng trong thực tế. Chẳng hạn Điều 5, Điều 13 Nghị định 40/NĐ-CP năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công đề cập: “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C (dưới 45 tỷ đồng, cụ thể tại phụ lục Nghị định 40 năm 2020: xây dựng phòng học, giảng đường, thư viện, nhà liên bộ, phòng làm việc, nhà công vụ, các công trình chức năng và phụ trợ, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp..) thuộc đơn vị mình quản lý”. Do đó cụm từ “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp cần được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật về lĩnh vực sự nghiệp giáo dục” như thế nào?

Thứ sáu, tại điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học quy định Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền “ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí...” tuy nhiên lại không được ban hành số lượng người làm việc nên Hội đồng trường chưa phát huy hết vai trò quản trị nhà trường.

Cuối cùng là sự phân định chưa rõ ràng giữa quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Ví dụ: đầu tư và tài sản: Luật giáo dục đại học thì phân cấp cho Hội đồng trường, song một số văn bản của Bộ chủ quản thì lại phân cấp cho Hiệu trưởng; Trong Luật 34 và Nghị định 99 thể hiện chưa rõ trách nhiệm giải trình của Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường. Tại đây cũng quy định là hàng năm Hội đồng trường đánh giá Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhưng Hiệu trưởng là người do Ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, chủ tịch Hội đồng trường thì chưa và có thể đa số thành viên không thuộc Ban thường vụ quản lý (có thể có 1 -2 người ngoài trường) nên việc đánh giá liệu có đúng hay không?

Dù vai trò của Hội đồng trường, trong các Luật 34, Nghị định 99 đã nói rõ nhưng theo phản ánh từ một số cơ sở giáo dục đại học cho thấy nhận thức của cơ quan chủ quản chưa cao (nhất là đối với các trường địa phương). Là một trường đại học địa phương, Hội đồng trường/ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức có gặp khó khăn nào từ phía cơ quan chủ quản mà cụ thể là chính quyền địa phương không? Nếu có thì đó là gì?

Phó giáo sư Lê Viết Báu: Ngay sau khi Hội đồng trường được thành lập và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, tôi cũng đã cố gắng thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình cũng như của Hội đồng trường. Thực tế thì Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cũng không gây khó khăn gì trong hoạt động của hội đồng trường mà thực chất là do các quy định còn có nhiều chỗ chưa phù hợp với các quy định của địa phương. có thể kể ra vài ví dụ như Chủ tịch Hội đồng trường cũng chưa bao giờ được tham dự các cuộc họp mà Ủy ban nhân dân tỉnh triệu tập mà chỉ triệu tập Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng. Các kỳ họp của Hội đồng nhân dân chỉ có thành phần Hiệu trưởng được mời chứ Chủ tịch Hội đồng trường không thuộc diện này nên cũng rất khó trong việc điều hành Hội đồng trường hoạch định chiến lược, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp.

Ngoài ra, quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng cũng phải tuân theo quy định của địa phương chứ chưa thể tuân theo Luật 34 và Nghị định 99. Điều này cũng gây nên sự lo lắng hội đồng trường vì chưa làm đúng chức trách nhiệm vụ. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi có 3 vị trí là Bí thư, Hiệu trưởng và Chủ tịch hội đồng trường là 3 cá nhân độc lập. Do vậy cũng gây khó khăn trong hoạt động của hội đồng trường.

Được biết trong dự thảo thì tới đây được sự quan tâm của Tỉnh ủy Thanh Hóa thì Chủ tịch Hội đồng trường sẽ thuộc diện Ban thường vụ tỉnh ủy quản lý. Hy vọng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, tôi sẽ bớt khó khăn hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Lê Viết Báu.

Thùy Linh