Giáo viên "dập cho chết" đồng nghiệp có thể đối diện với vấn đề pháp lý gì?

02/06/2021 06:51
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ý kiến của luật sư, nếu việc nhắn tin này là có thật và được các cơ quan chức năng kết luận, các cô giáo nhắn tin có thể gặp nhiều tình huống pháp lý.

Sự việc một số giáo viên tại tổ Văn – Giáo dục Công dân tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi - Bình Thuận) nhắn tin đe dọa, chia bè phái khiến đồng nghiệp bị sốc tâm lý, nhập viện đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Sự việc vẫn đang được Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ kết hợp cùng với các cơ quan chức năng làm rõ.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luật sư Lại Huy Phát -Trưởng Văn phòng Luật sư Huy Phát – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có phân tích những tình huống pháp lý các cô giáo nhắn tin có thể gặp phải.

Theo đó, trong đơn thư cầu cứu mà bạn đọc gửi đến Tòa soạn đã trích dẫn lại tin nhắn được cho là của cô L.T.M. ngay sau tin nhắn của cô Tổ trưởng tổ chuyên môn:

- “Tiết đó có cẩn, huệ, hà oanh”

- “Đù phe mình không”

- Dập cho nó chết bà nhà đó đi, chứ thấy bệnh quá”

Sau tin nhắn của cô L.T.M., cô Đ.T.K.H. nhắn tiếp: “Cho chết không kịp ngáp”.

Tin nhắn của các giáo viên trong trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Lagi - Bình Thuận). Ảnh gia đình cung cấp

Tin nhắn của các giáo viên trong trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Lagi - Bình Thuận). Ảnh gia đình cung cấp

Các tin nhắn này đã được các cô thừa nhận là đã nhắn tin, nhưng lại cho rằng đó là tin nhắn nhầm. Tuy nhiên việc này vẫn chưa có kết luận cuối cùng là có nhầm thật hay không.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lại Huy Phát cho rằng người nhắn tin này đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực của một giáo viên, đặc biệt là một giáo viên dạy Văn.

Bên cạnh đó, nội dung tin nhắn có những ngôn từ mang tính kích động như: “Dập cho nó chết bà nhà đó đi” và “cho chết không kịp ngáp”.

Có thể thấy đây là những tin nhắn có tính chất đe dọa. Hành vi này không phạm tội hình sự nhưng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;

i) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải, truy nhập, tìm kiếm dữ liệu, thông tin hợp pháp trên môi trường mạng;

k) Không khôi phục thông tin hoặc khả năng truy nhập đến nguồn thông tin hợp pháp khi được chủ sở hữu thông tin đó yêu cầu;

l) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

m) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ nơi các cô giáo công tác.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ nơi các cô giáo công tác.

Và trong những trường hợp bị đe dọa như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như bảo đảm sự an toàn cho chính mình, người bị hại có thể tố cáo hành vi của người gửi tin nhắn đến cơ quan điều tra công an quận/huyện theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”

Trong trường hợp đó, căn cứ vào tin báo, tố giác tội phạm của cô N.T.P.T (nếu có), cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ.

Theo đó, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người có hành vi vi phạm.

Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận/huyện có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 4 Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP:

“Điều 97. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền không vượt quá 40.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bưu chính mức phạt tiền không vượt quá 16.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.”

Về trường hợp cô N.T.P.Tr. bị đe dọa dẫn đến phải đi bệnh viện điều trị, luật sư Lại Huy Phát cho rằng, để có hướng xử lý đúng đắn và kịp thời, cô N.T.P.Tr. cần phải kết hợp với nhà trường, nơi mình công tác để xem xét hành vi, thu thập các tin nhắn cũng như hành vi đe dọa của các giáo viên đe dọa đối với mình nhằm mục đích gì thì mới xác định được cụ thể trường hợp này có cấu thành tội phạm hình sự hay không?

Bên cạnh đó, trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ cũng cần làm rõ sự việc xem các cô có vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 31 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Điểm này đã quy định giáo viên không được làm những hành vi sau đây:

“a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp”.

Từ đó đưa ra những vấn đề kỷ luật kịp thời để trả lại danh dự cho cô N.T.P.Tr. và trả lại hình ảnh cho môi trường giáo dục, Luật sư Lại Huy Phát nêu ý kiến.

Trần Phương