Đòi hỏi chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học là đi ngược với ý nghĩa học chế tín chỉ

18/08/2021 06:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc phải có thêm chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học vô tình tạo nên sự trùng lặp trong đào tạo, tốn kém thời gian, tiền bạc của người học.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của sinh viên về việc đã hoàn thành xong chương trình, được xét tốt nghiệp nhưng bị “giam” bằng tốt nghiệp với lý do không có chứng chỉ Tin học và chứng chỉ Ngoại ngữ hoặc nhà trường đưa ra các điểm số tối thiểu ở các loại chứng chỉ như TOEIC, IELTS. Nếu sinh viên cung cấp chứng chỉ đủ điểm sẽ được chấp nhận.

Tức là kết quả học tập các học phần tiếng Anh và Tin học đại cương không được xét công nhận đạt chuẩn đầu ra Năng lực ngoại ngữ và Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để ra trường, do đó dù đã hoàn thành toàn bộ các học phần nhưng các em phải tham gia ôn tập, thậm chí đến các “lò luyện” để có được chứng chỉ mới có cơ hội cầm bằng tốt nghiệp trên tay.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phải có thêm chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học vô tình tạo nên sự trùng lắp trong đào tạo, tốn kém thời gian, tiền bạc của người học.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Trước thực tế này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, hiện nay đa phần các cơ sở giáo dục đại học đào tạo theo học chế tín chỉ.

Học chế tín chỉ cho phép sinh viên đạt được văn bằng đại học thông qua việc tích lũy kiến thức, học môn nào xong tích lũy được thì “bỏ túi” môn đó, để tích lũy môn học khác. Bao giờ tích lũy đủ số tín chỉ mà nhà trường yêu cầu thì được tốt nghiệp.

“Phân tích vậy để thấy ý nghĩa của học chế tín chỉ là tích lũy kiến thức, do đó không có chuyện sinh viên học xong rồi lại phải học lại lần nữa để thi có chứng chỉ mới được cầm bằng tốt nghiệp. Việc yêu cầu sinh viên phải có thêm chứng chỉ mới được cấp bằng tốt nghiệp là hoàn toàn mâu thuẫn với ý nghĩa của học chế tín chỉ”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhớ lại, trước đây (khoảng mấy chục năm) có chuyện yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ môn này môn kia trước khi tốt nghiệp thì mới được nhận bằng, sau vì thấy phi lý nên Nhà nước đã bỏ đi yêu cầu này, không hiểu sao giờ lại yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ mới được ra trường.

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, toàn bộ nội dung học tập đã được bố trí trong chương trình học, vậy tại sao lại cần thêm chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học nữa.

Đành rằng, yêu cầu về Ngoại ngữ là rất cần thiết nhưng không thể vì thế mà “ép buộc”, nếu sinh viên có định hướng công việc và cần sử dụng thì người ta sẽ phải học và nâng dần trình độ để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị thì đó là quyền của người học.

Bà Bùi Thị An cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem lại hiện nay các trường đang làm thế nào, có cần thiết phải quy định sinh viên muốn tốt nghiệp phải có mấy loại chứng chỉ nhiêu khê, hình thức đó không?

Được biết, tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học, có hiệu lực từ ngày 3/5/2021, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành.

Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT quy định: Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

a) Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Về yêu cầu này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và nhiều chuyên gia cho rằng, rõ ràng sinh viên học theo học chế tín chỉ phải tích lũy tất cả các học phần có trong chương trình, có nghĩa là, sinh viên chỉ phải thi (đạt) một lần cho mọi học phần thuộc chương trình và không phải thi thêm bất kỳ nội dung nào khác ngoài chương trình.

Do đó việc bắt sinh viên phải dự thi cuối khóa để lấy 2 chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ (để đạt chuẩn đầu ra) như quy định ở Mục a) Khoản 1, Điều 14 của Quy chế đào tạo 08/2021/TT-BGDĐT là trái với bản chất của học chế tín chỉ.

Thùy Linh