Nếu xem nhẹ vị trí người thầy thì đừng kì vọng về một tương lai tươi sáng!

03/09/2021 07:00
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi đồng ý với gợi ý của Thủ tướng và hi vọng Thủ tướng sẽ chỉ đạo toàn xã hội tích cực, chung tay cùng ngành giáo dục để về đúng vị trí "quốc sách hàng đầu".

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành giáo dục và đào tạo, khi đề cập đến phương châm giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, Thủ tướng có gợi ý bổ sung thêm “lấy nhà trường làm nền tảng” và “lấy thầy cô làm động lực”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Võ Văn Minh– Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng) để hiểu rõ hơn về vai trò của người thầy trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Phóng viên: Theo thầy việc bổ sung thêm “lấy nhà trường làm nền tảng” và “lấy thầy cô làm động lực” như gợi ý của Thủ tướng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thầy ra sao?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Tôi đánh giá rất cao cách mà Thủ tướng thể hiện sự kính trọng các bậc nhà giáo lão thành; sự “truy vấn” sát những vấn đề thực tiễn địa phương; gợi mở những vấn đề về giáo dục và đào tạo rất sâu sắc.

Tôi nghĩ, khi người đứng đầu Chính phủ quan tâm sát sao đối với ngành giáo dục và đào tạo, thì chỉ đạo cả hệ thống vào cuộc, từ đó thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải bổ sung phương châm là có thể thay đổi được.

Trước khi bàn đến việc bổ sung “lấy nhà trường làm nền tảnglấy thầy cô làm động lực” thì phải minh định “lấy người học làm trung tâm”. Bởi vì lâu nay chúng ta thường hay viện dẫn thông điệp, khẩu hiệu, nhưng hiểu thì mỗi nơi một kiểu.

Ví dụ như “lấy người học làm trung tâm”, cũng có nơi cho rằng “việc học hoàn toàn do học sinh quyết định và học sinh có thể đưa ra sự chọn lựa về việc học cái gì, học như thế nào và học khi nào…”, “giáo viên chỉ là hỗ trợ, hướng dẫn”. Với cách hiểu như vậy nên cũng có nhiều nơi, giáo viên là người chịu nhiều áp lực nhất: chịu sự quản lí về chuyên môn, giờ giấc… của cấp trên; chịu sự giám sát của phụ huynh và cả các thiết bị nghe nhìn đủ kiểu; và chịu cả các “yêu sách” của học sinh… Và như vậy giáo viên không thể nào là động lực...

Phó giáo sư Võ Văn Minh– Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng) (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Võ Văn Minh– Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng) (ảnh: NVCC)

Theo tôi, “lấy người học là trung tâm” là nhấn mạnh, tất cả nội dung hay hoạt động giáo dục đều vì người học chứ không phải vì thành tích của trường, của thầy, của trò hay vì lợi nhuận… Và như vậy, phải dựa vào người học để thiết kế chương trình, nội dung, lựa chọn phương pháp giáo dục...

Giáo dục thì nhiều vấn đề, nhưng xét cho cùng cũng xoay quanh mục tiêu cao cả là giá trị “chân-thiện-mĩ” cũng như giúp cho người học sốngsống tốt hơn. Để sống (tức là tồn tại) thì phải thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Để sống tốt hơn (tức phát triển), ở đây có nghĩa là tốt hơn với chính mình ngày hôm qua, chứ không phải hơn bạn bè hay ai khác.

Bởi lẽ mỗi người có những tố chất, điều kiện khác nhau, nên mỗi ngày được học tập, rèn luyện để sống và sống tốt hơn; để phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần; cảm nhận nghệ thuật, tư duy khoa học và hình thành nhân cách…

Nếu giáo dục tiếp cận vấn đề như vậy thì người học chẳng có hơn thua, đố kị với bạn bè ngay từ nhỏ. Đó cũng chính là giáo dục hướng thiện. Kết quả học tập là ghi nhận chân thật quá trình tự phấn đấu; thành tích đạt được là của chính mình; và rất đáng trân quý, chứ không phải là “bệnh thành tích”.

Khi được học trong môi trường như vậy, thì chắc chắn sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Học mà cảm nhận được hạnh phúc thì “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Học và sống có hạnh phúc thì mới phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Khi trưởng thành sẽ minh định đúng sai, phải trái và trở thành người tự do. Lúc đó mới tự quyết định học gì, làm gì, sống và phụng sự đất nước như thế nào là chuẩn mực. Còn nếu chúng ta cố nhào nặn những kiến thức hàn lâm, những giá trị cao xa so với tầm nhận thức ngay từ nhỏ thì cũng chẳng có ý nghĩa giáo dục, mà còn đối phó, phản tác dụng…

Giáo dục lấy người học làm trung tâm, thì mọi thứ xung quanh người học là những vấn đề cần giáo dục. “Xung quanh” trẻ em mầm non khác tiểu học, trung học. Mọi thứ cứ từ từ “thẩm thấu”, “tiêu hoá” và nhận thức cũng là một quá trình tự nhiên. Người học tiến bộ từng bước và đến độ tuổi phổ thông trung học cũng dần phân hoá theo những tố chất, thiên hướng tự nhiên, lúc bây giờ cần giáo dục định hướng để người học phát huy năng lực của mình. Từ đó lựa chọn ngành, nghề để học và phát triển về sau.

Nhìn rộng ra thì giáo dục mọi lúc mọi nơi, chứ không phải chỉ có ở nhà trường. Tuy nhiên, Nhà trường mới là nền tảng. Tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng gợi ý bổ sung vế thứ hai và ba về phương châm giáo dục, nếu như vế thứ nhất được minh định.

“Lấy nhà trường làm nền tảng”, theo nghĩa Nhà trưởng phải thực sự là “môi trường giáo dục”, dù đó là công lập hay tư thục. “Môi trường giáo dục” thì phải hướng đến triết lí “chân-thiện-mĩ”. Dù xã hội có phức tạp đến thế nào, thì giáo dục con người vẫn là xây dựng những mục tiêu cao cả chứ không phải những giá trị tầm thường hay chỉ thuần tuý trang bị kiến thức, kĩ năng để kiếm việc làm, hay “làm giàu”…

Trong nhà trường, trước hết người thầy cần phải được tôn trọng. Giáo viên là chức danh nghề nghiệp, nhưng đúng nghĩa là “người thầy” chứ không phải “thợ dạy”. Thầy cô phải là người lao động trí óc, phải sáng tạo chứ không phải là người thực thi nhiệm vụ kiểu khuôn mẫu.

Thầy cô phải được tự do và tự chịu trách nhiệm về nghề nghiệp của mình; được nhà trường và pháp luật bảo vệ. Không có bất cứ lí do gì cấp trên có quyền điều động hay giao những nhiệm vụ không đúng chức năng giáo dục… Có được như thế, người thầy mới trở thành động lực để thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo.

Tóm lại, tôi đồng ý với gợi ý của Thủ tướng và hi vọng Thủ tướng sẽ chỉ đạo toàn xã hội tích cực, chung tay cùng ngành giáo dục và đào tạo để đưa giáo dục và đào tạo về đúng vị trí là “quốc sách hàng đầu”.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều chỉ ra rằng nhà giáo chính là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Theo thầy, “người thầy” có vị trí, vai trò như thế nào trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Với xã hội chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo như Việt Nam thì người thầy xưa nay luôn được coi trọng. Ở các nước phát triển trên thế giới, dù văn hoá có khác nhau, nhưng ở đâu cũng xem trọng vai trò của giáo viên. Tuy nhiên, gần đây vẫn có sự tranh cãi về vai trò người-dạy trong bối cảnh cách mạng công nghệ. Tranh cãi là cần thiết, nhưng có lẽ cũng đã có sự ngộ nhận về giáo dục.

Sự bùng nổ thông tin và cách mạng công nghệ, người ta đề cao khoa học, thông tin, công nghệ, vì có lẽ lo sợ tụt hậu, thua kém,… Rồi cạnh tranh khốc liệt về kinh tế; xã hội có xu hướng đề cao vật chất, xem nhẹ giá trị văn hoá - tinh thần… Cuộc đua ấy chuyển dần sang thị trường giáo dục. Dẫn đến “mất thăng bằng” và lệch xa dần với chuẩn giá trị “chân-thiện-mĩ” - mục tiêu cao cả của giáo dục.

Nhiều cuộc thi với các quy mô khác nhau và cũng chỉ vì mục tiêu tranh ngôi vị, thành tích. Kéo theo hình thành các trường chuyên, lớp chọn. Rồi chạy trường, chạy lớp; chọn thầy, chọn trò và kén chọn cả phủ huynh... “Giáo dục” trở thành môi trường áp lực và cạnh tranh... Những “tri thức”, đề thi thì đua nhau chia sẻ trên mạng. Những giáo án mẫu, bài tập mẫu cũng trao, chuyền… Các “sáng kiến” cũng trao nhau xào nặn. Dẫn đến lệch lạc… Dù ít, dù nhiều những điều kể trên đã xuất hiện.

Mặc dù có những phũ phàng như vậy, nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều người thầy “đích thực” cũng như tồn tại những môi trường giáo dục thực sự lành mạnh. Chỉ vì những người thầy tốt, những môi trường giáo dục tốt, xã hội cứ xem như đó là sự hiển nhiên, nên ít nhắc đến. Trong khi những thứ nhức nhối, tiêu cực… thì không thể chấp nhận, nên phản ánh nhiều hơn mà thôi.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, cần vinh danh những người thầy thầm lặng, những tấm gương mẫu mực trong giáo dục; đồng thời “nên nói không” với các “kì thi không vì mục tiêu giáo dục”, thì may ra môi trường giáo dục mới trở lại “trong lành”.

Mặt khác, chúng ta cũng cần xác định rằng, nhận thức của con người là một quá trình; đổi mới giáo dục là quá trình tiến hoá chứ không phải là cuộc cách mạng để lật đổ cái này xây nên cái khác. Và cho dù công nghệ, trí tuệ nhân tạo có phát triển tới đâu thì cũng không thể thay thế “người thầy”.

Vì là thầy thì ngoài tri thức, còn có cả chuẩn mực đạo đức; năng lực sáng tạo và “năng lượng tích cực” để “dẫn dắt” người học; chứ không phải “cỗ máy” cung cấp thông tin. Thông tin, tri thức thực ra là do người học khám phá là chính, người thầy đích thực phải là “người truyền lửa” để người học yêu thích và hăng say khám phá mà thôi.

Như Galileo Galoei từng phát biểu: “Ta không thể dạy người khác bất cứ điều gì. Ta chỉ có thể giúp khám phá những gì có sẵn trong họ”. Còn tác động ở tầm quốc gia, cách đây 200 năm trước, cụ Võ Trường Toản cũng đã từng cho rằng “lương sư -hưng quốc”. Nếu chúng ta xem nhẹ vai trò, vị trí của người thầy thì đừng kì vọng gì về một tương lai tươi sáng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã cải tiến rất nhiều chế độ, chính sách cho nhà giáo, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là nhiều nhà giáo không thể toàn tâm, toàn lực công hiến cho giáo dục, đào tạo. Thưa thầy, làm sao xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức, tài, được chuẩn hóa về số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo?

Phó giáo sư Võ Văn Minh: Dù nhận thức xã hội có lúc này lúc kia, nhưng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay chưa bao giờ xem nhẹ vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế thì giáo dục và đào tạo của chúng ta cũng còn rất nhiều vấn đề bất cập. Với nhà giáo thì thực tế vẫn có những người dạy thêm, khá giả và vẫn còn nhiều giáo viên rất khó khăn, bươn chải để đủ sống. Có những người được gọi là thầy cô nhưng có thái độ và hành vi thiếu chuẩn mực, bị vạch trần. Nhưng cũng không thiếu những thầy cô hết lòng với nghề, với học trò, với giáo dục và đất nước…

Nghị quyết 29-NQ/TW là chủ trương lớn của Đảng, với kì vọng là “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, từ năm 2013 đã khẳng định nhiều vấn đề rất lớn về giáo dục và đào tạo, trong đó có “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Nhưng thực tế đến nay vì nhiều lí do vẫn chưa thành hiện thực.

Thực ra, ứng xử với “lương sư” không chỉ có “lương-tiền”, mà cả “lương tâm” và “lương tri”. Nhưng trước hết, để người thầy làm tròn bổn phận giáo dục đúng nghĩa thì phải đủ sống và được tôn trọng; được cảm nhận hạnh phúc với công việc cao cả mà xã hội giao cho, đó chính là xây dựng con người cho tương lai.

Do vậy, nếu điều kiện sống ở mức thấp, bị quản lí bởi quá nhiều quy định, chịu giám sát đủ mọi góc cạnh… thì làm gì có hạnh phúc trong thực tại mà toàn tâm, toàn trí. Cho nên, trước khi nghĩ đến các quy định chuẩn hoá, thì ngành Văn hoá cũng cần tham gia định vị lại chuẩn giá trị xã hội. Điều trước tiên là phải thực sự tôn trọng và ứng xử với đúng mực với nhà giáo và nghề giáo, kể cả từ các nhà lãnh đạo; tiếp đến là chế độ, chính sách; sau đó mới đến chế tài xử lí nghiêm bất kì cá nhân nào mang danh nhà giáo mà vi phạm tư cách nhà giáo.

Về chính sách “lương-tiền” thì cũng cần khẳng định rõ ràng, dù có khó khăn kiểu gì, thì với giáo dục cũng phải được ưu tiên, bởi vì đó là “quốc sách hàng đầu”“đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đi trước một bước”.

Điều này phải có sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương và quyết tâm hành động. Giống như trong văn hoá gia đình Việt Nam, dù có khó khăn đến mấy cũng quyết cho con đi học; bố mẹ có thể hi sinh việc này việc khác nhưng không hi sinh sự học của con cái. Khi nào chúng ta xác định được như vậy thì lúc đó cũng phải đòi hỏi giáo dục dù có là mô hình gì thì chất lượng cũng phải là trên hết.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, xã hội rất khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo cũng gặp nhiều thách thức, nhất là giáo dục mầm non, tiểu học... Chính phủ cũng đã thể hiện sự quyết tâm cao độ đối với giáo dục và đào tạo. Đó là tín hiệu mừng cho tương lai đất nước. Bởi vì tương lai đất nước sẽ như thế nào phần nhiều do giáo dục ngày hôm nay quyết định. Điều đó cũng đã được Nhà giáo Chu Văn An khẳng định với Đức Vua rằng "Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được".

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Võ Văn Minh.

Thùy Linh (thực hiện)