Từ “cầm tay chỉ việc” đến thích ứng chuyển đổi số tại các trường nghệ thuật

03/11/2021 06:24
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyển đổi số vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các cơ sở giáo dục nghệ thuật

Quy luật tất yếu

Ngày 2/11, Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên Nghệ thuật thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật” với sự đăng cai của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, hội thảo đã kết nối tới 38 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài câu lạc bộ, với sự tham gia hơn 80 điểm cầu trên cả nước.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với hơn 80 đầu cầu tham gia trên cả nước. (Ảnh chụp màn hình)

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với hơn 80 đầu cầu tham gia trên cả nước. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải thay đổi, phải thực hiện công cuộc chuyển đổi số để có thể thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Việt Nam không nằm ngoài tiến trình đó.

Chuyển đổi số không còn là việc riêng của một tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào. Tất cả phải chấp nhận sự thay đổi, nếu không sẽ bị tụt lại phía sau và có thể đe dọa sự tồn tại của sự phát triển của tổ chức, đơn vị hay cá nhân trong tương lai.

Trong đó, lĩnh vực giáo dục nghệ thuật được coi là lĩnh vực đặc thù, “mang tính truyền nghề”, “cầm tay chỉ việc”, vốn được mặc định là rất khó có thể áp dụng chuyển đổi số thì nay cũng đã vận động tích cực theo hướng chuyển đổi số.

Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng chia sẻ: “Đang từ dạy học truyền thống khi đổi sang phương pháp mới để thầy cô không lúng túng, nhà trường, tổ chức giáo dục đã có thời gian bồi dưỡng, đào tạo. Nhưng theo tôi cái quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số đó là tư duy của người thầy phải thay đổi.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đăng cai tổ chức hội thảo. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đăng cai tổ chức hội thảo. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Hơn 2 năm Câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động là quãng thời gian không dài để đánh giá một quá trình giáo dục nhưng rõ ràng chuyển đổi số đã giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghệ thuật thay đổi về mặt tư duy, phương pháp dạy và học, nội dung giảng dạy. Những thách thức mới được thầy và trò cùng nhau tìm cách vượt qua, đối diện.

Chúng tôi nhận thấy các em sinh viên có thể tiếp thu bài giảng, thầy cô dần định hình phương pháp để đánh giá học tập của các em, các kỳ thi vẫn được đảm bảo, tức là quá trình học tập vẫn diễn ra bình thường. Do đó, dù không gặp nhau trực tiếp nhưng dữ liệu, số liệu về lớp học, trường học vẫn hoàn toàn đo đếm được, mà cái gì đo đếm được thì ắt sẽ quản lý được”.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: “Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục và đây là một trong tám lĩnh vực được nhà nước ưu tiên chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số nên thời gian qua, mặc dù có ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng việc học của học sinh, sinh viên không bị dừng lại. Trong tương lai, chuyển đổi số là sự phát triển của giáo dục, đào tạo.

Thông qua hội thảo, các tham luận, trao đổi chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, học hỏi, phối hợp và hỗ trợ giữa các trường với nhau, cùng nhau tiến bộ hơn và mang lại kết quả cao hơn trong việc chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật”.

Chuyển mình mạnh mẽ

Theo Tiến sĩ Trần Hải Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng là một xu hướng tất yếu, tạo nhiều cơ hội và cũng không ít những khó khăn, thách thức.

Trong giáo dục nghệ thuật, một loại hình đào tạo đặc thù thì chuyển đổi số không chỉ là khó khăn mà là một thách thức cũng bởi tình đặc thù.

Vấn đề đầu tiên phải nói rằng, giảng dạy nghệ thuật phần nhiều mang tính truyền nghề. Chính vì thế ở một số ngành như thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật biểu diễn Chèo … ngoài kiến thức chung thì hầu như giảng viên đều phải làm việc một thầy một trò.

Vấn đề thứ hai là giảng dạy nghệ thuật mang tính thực hành cao nếu không gọi là nghệ thuật “bắt chước”. Khuôn mẫu của người thầy ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập, tiếp thu kiến thức của sinh viên. Từ đặc thù mang tính thực hành đó người học rất cần có một không gian, địa điểm (sàn tập) phù hợp để tiến hành quá trình thực hành của mình. Điều này không phải sinh viên nào cũng có điều kiện để thích ứng.

Vấn đề thứ ba là người thầy là người “truyền lửa” cho sinh viên trong từng tác phẩm, từng vai diễn. Thiếu hụt tính tương tác trong giảng dạy trực tuyến thực sự là rào cản quan trọng trong đào tạo nghệ thuật, nếu không muốn sinh viên của mình trở thành những “thợ hát - thợ diễn” bởi sắc thái biểu cảm và xử lý tác phẩm là những yếu tố không thể thiếu được trong quá trình giảng dạy nghệ thuật trực tiếp.

Do vậy, theo Tiến sĩ Trần Hải Minh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức trách nhiệm của người học, người dạy. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về khoa học công nghệ cũng là việc làm cần thiết.

Ngoài ra, cần chuẩn bị cơ sở vật chất trên nền tảng công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo giáo dục và giáo dục nghệ thuật. Phải có sự liên kết hợp tác, ký kết toàn diện với các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát, các trung tâm văn hoá trên các lĩnh vực để sử dụng nguồn nhân lực cũng như nhận các nguồn hỗ trợ khác về chính sách, kinh phí.

Một số bài tham luận chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác giáo dục nghệ thuật tại các môn học cụ thể.

Ở môn học Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Thượng tá, Nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Xu hướng công nghệ đã tạo ra nhiều nghề nghiệp và công việc mới, nhưng đồng thời cũng có nhiều nghề nghiệp hoặc công việc mất đi. Các nhạc cụ dần dần cũng thay đổi chức năng.

Trước đây, các nhạc cụ như accordeon, organ nhà thờ... đã từng được giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Nhưng ngày nay, các nhạc cụ đó đã dần dần ít đi và thay vào đó là các nhạc cụ điện tử xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhiều nghề nghiệp mới xuất hiện, chẳng hạn như các nhạc công chơi Accordion, Harmonica dần ít đi, một số nghề mới xuất hiện như DJ hoặc các nhạc sĩ chơi nhạc điện tử...

Những nghệ sĩ trẻ dễ dàng hơn trong phát triển nghề nghiệp. Sản phẩm xuất bản ra sẽ nhanh chóng đến được với công chúng. Cơ hội học tập nhiều và thuận tiện hơn. Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa là có thể ra rất nhiều thông tin, bài học, hướng dẫn sử dụng... từ đó có thể dễ dàng học tập một cách nhanh chóng. Công nghệ giúp cho chúng ta sản xuất, biểu diễn âm nhạc có chất lượng cao hơn, nhanh hơn, không giới hạn sự sáng tạo, phân phối được ngay tức thì”.

Tuy nhiên, trình độ ở mọi lĩnh vực phát triển chậm và không đồng đều. Ở Việt Nam có thể nhìn thấy nhiều giai đoạn đang diễn ra cùng lúc, cho nên việc đi tắt đón đầu hay nhảy vọt lên là điều không hề dễ dàng.

Trình độ chuyên sâu về nghề dường như đang còn thiếu hụt bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, khiến nhiều nghệ sĩ dễ bị chi phối, không tập trung được vào chuyên môn sâu. Nhiều sản phẩm qua loa, đại khái, không đạt được chiều sâu. Chưa kể có nhiều tác phẩm còn chưa đi đúng định hướng.

Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot, máy tính và các phần mềm thông minh thay thế con người trong biểu diễn âm nhạc thì nhiều nhạc công có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là các nhạc công chơi nhạc cổ điển.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở vật chất, công cụ còn nhiều thiếu sót và lạc hậu vẫn còn chưa đáp ứng được sự chuyển mình trong giáo dục, thiếu hụt nhân viên có kỹ năng về công nghệ số vẫn còn tồn tại.

Trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhận định: “Đối với các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, người dạy và người học từ lâu đã sử dụng công nghệ số thông qua các phần mềm thiết kế chuyên dụng để giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, cách thức truyền dạy phần lớn vẫn theo lối truyền thống, tổ chức học tập tại lớp, có sự giao lưu, tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học”.

Ví dụ như môn Hình họa, đây là môn học căn bản nhất của mỹ thuật, theo sát người học trong thời gian dài từ trước khi vào trường cho đến gần cuối chương trình đào tạo. Môn Hình họa là môn học mang tính chất nền tảng, áp dụng kiến thức của nhiều môn học để thể hiện bài tập, luyện cho người học cách nhìn, cách quan sát, cách xây dựng hình, bố cục, không gian…, cách sử dụng họa cụ, động tác, tư thế vẽ… Phòng học hình họa phải được thiết kế đảm bảo về ánh sáng, không gian, hệ thống bục bệ, mẫu vẽ, giá vẽ… Chỉ bằng ấy yếu tố thôi cũng đủ thấy sự bất cập trong việc tổ chức dạy học online môn hình họa.

Kết thúc phần tham luận, các đơn vị tham gia hội thảo cùng thảo luận, trao đổi để học hỏi các phương án thích hợp cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể để có thể vận dụng các nội dung, kết quả của Hội thảo vào giảng dạy, nghiên cứu, học tập, công tác và phục vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trước những yêu cầu của hội nhập và cách mạng 4.0.

Cuối buổi Hội thảo Câu lạc bộ đã tổ chức họp kết nạp các trường là thành viên mới của câu lạc bộ, kiện toàn Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ và thống nhất phương hướng hoạt động của Câu lạc bộ năm 2022, được biết nếu dịch Covid19 ổn Câu lạc bộ sẽ tổ chức Hội thảo trực tiếp tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 4 năm 2022.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh