Đột phá chuyển đổi số và mô hình “lớp học đảo ngược” trong giảng dạy ngành Luật

01/11/2021 07:05
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời kỳ chuyển đổi số, yêu cầu đối với người hành nghề luật là không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng thích ứng với sự thay đổi của xã hội.

Chuyển đổi số trong giảng dạy Luật là tất yếu

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chuyển đổi số hỗ trợ đổi mới giáo dục đào tạo theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời và ngành Luật không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Chia sẻ về vai trò chuyển đổi số đối với giảng dạy Luật, Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo, Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thời kỳ chuyển đổi số, yêu cầu đối với người hành nghề luật là không chỉ giỏi về chuyên môn, vững về kỹ năng hành nghề mà còn có khả năng thích ứng với sự thay đổi của xã hội, của các xu hướng tiến bộ.

Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo, Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo, Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Điều này đòi hỏi người dạy Luật, với những đặc thù riêng về kiến thức chuyên môn cũng như ứng dụng trong lĩnh vực khoa học pháp lý, phải thay đổi phương pháp giảng dạy luật để thích nghi với sự đòi hỏi của xã hội trong thời đại mới”.

Theo Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo, sự thay đổi đó mang những đặc điểm sau:

Thứ nhất, thay đổi về tư duy áp dụng phương pháp giảng dạy. Tức là, giảng viên phải thay đổi từ phương pháp giảng dạy bằng tư duy, cung cấp kiến thức, trở thành người giúp sinh viên thay đổi kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin.

Cách dạy truyền thống có thể không còn phù hợp hoàn toàn để tạo ra những công dân toàn cầu. Thay đổi về tư duy, giúp sinh viên có kỹ năng giải quyết vấn đề, làm gì, học gì và như thế nào để đạt được mục đích học tập mình đề ra. Nếu đến trường chỉ được truyền đạt kiến thức thì sách, sách điện tử, công nghệ dạy học được trang bị đầy đủ với không gian rộng hơn rất nhiều so với lớp học,... cũng có thể đảm đương nhiệm vụ này.

Thứ hai, là nâng cao năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ. Người dạy phải có năng lực quản lý tài nguyên mạng, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học, chuyển đổi từ các hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy áp dụng công nghệ số hóa. Các hình thức học trực tuyến E-Learning; Mobile Learning; Blended-learning: mô hình học kết hợp giữa học trên lớp và học online; context aware u-learning: học theo ngữ cảnh, thông qua các thiết bị định vị; collaborative environments: học trong các môi trường mang tính tương tác cao…

Thứ ba, bồi dưỡng năng lực chuyên môn bằng các phương pháp hiện đại, tiên tiến. Hiện nay, nhiều giảng viên chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế việc rèn kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm. Vì thế công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên nên kết hợp các mô hình đào tạo tiên tiến 4.0, đào tạo trực tuyến, từ xa để giảng viên sư phạm vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới.

Thứ tư, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Vì thế người giảng viên cần nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau như học theo các chương trình đào tạo, tự học hay thông qua sách báo, phim ảnh,..

Mô hình “lớp học đảo ngược”

“Lớp học đảo ngược” có thể được hiểu một cách phổ biến là “Ghi lại các hoạt động trên lớp để truyền tải một khoá học. Người học xem video trước khi đến lớp và sử dụng thời gian trên lớp để giải quyết các khái niệm phức tạp, trả lời các câu hỏi và người học được khuyến khích học tập tích cực”.

Mô tả đơn giản về lớp học đảo ngược là bài giảng của giáo viên được giao ở nhà và bài tập về nhà của người học được thực hiện trên lớp. Trong mô hình lớp học đảo ngược, nội dung bài giảng được trình bày trong các video trực tuyến ngoài lớp học. Giờ học tập trung sau đó trong lớp học được dùng vào các hoạt động nâng cao. Người hướng dẫn sử dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số để mang đến bài giảng cho người học bên ngoài lớp học. Còn người học sẽ tận dụng các lợi ích của công nghệ thông tin để tìm hiểu các nội dung sẽ học trước khi bắt đầu khoá học trên lớp.

So với tổ chức mô hình lớp học truyền thống, lớp học đảo ngược có một số điểm tích cực của nó. Đối với mô hình này, người học xác định tiến độ học tập rõ ràng, việc giảng dạy bài tập về nhà trong lớp học cho phép giáo viên là chuyên gia chuẩn đoán. Nội dung bài học cũng có thể tuỳ chỉnh phù hợp với người học. Thời gian trong lớp học hiệu quả và hấp dẫn hơn, phù hợp với xu hướng sư phạm hiện nay và công nghệ được xem như là sự phù hợp với xu hướng giảng dạy hiện đại.

“Một trong các điểm tích cực ưu việt nêu trên của mô hình lớp học đảo ngược là công nghệ được sử dụng, đặc biệt là video.

Không thể phủ nhận, đây là cách hướng dẫn của giảng viên về nội dung học tập mà sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu bởi vì video sẽ thu hút người học bằng hình ảnh và âm thanh. Đồng thời, sinh viên có thể xem video lặp đi lặp lại nếu họ gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm.

Mặt khác, ứng dụng công nghệ trong trường hợp này rất có lợi cho việc triển khai lớp học, giáo viên có thể quản lý video và giao tài liệu học tập cho sinh viên thuận tiện hơn thông qua các nền tảng giảng dạy hoặc các phương pháp giảng dạy khác. Các bài giảng lý thuyết được “số hoá” thành video, đề cương môn học, tài liệu tham khảo, các câu hỏi, hướng dẫn học tập... được gửi trước cho sinh viên qua hệ thống internet”, Thạc sỹ Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, Thạc sỹ Phạm Thị Phương Thảo lưu ý, để có thể triển khai lớp học đảo ngược một cách hiệu quả thì đỏi hỏi phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện.

“Mô hình lớp học đảo ngược khác với mô hình lớp học truyền thống, toàn bộ nội dung lý thuyết cơ bản được sinh viên học tập trước ở nhà. Vì vậy, việc xây dựng các video bài giảng phải thật sự tốt, đảm bảo tính dễ hiểu, dễ tiếp cận, được cập nhập thường xuyên các nội dung mới về mặt lý luận cũng như quy định pháp luật thực tiễn.

Xây dựng các câu hỏi định hướng, bài tập nghiên cứu cho sinh viên phải sát với từng bài học và thực tế để sinh viên có thể vận dụng kiến thức lý thuyết, giải đáp được các bài tập trong quá trình tự nghiên cứu trước bài giảng.

Đồng thời, cần sự nỗ lực rất lớn và thay đổi tư duy của giảng viên. Giáo viên cần phải chủ động, tích cực hơn so với mô hình giảng dạy truyền thống. Khi thực hiện mô hình này, giáo viên không chỉ chuẩn bị tài liệu với dung lượng lớn mà còn phải thường xuyên trao đổi thông tin với người học, người học, người dạy không còn bó hẹp trong phạm vi một lớp học nữa mà có thể học tập bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào với mô hình lớp học đảo ngược”, Thạc sỹ Thảo cho hay.

Cao Kim Anh