Muốn xây dựng được kế hoạch giáo dục tốt, hiệu trưởng phải dám nghĩ dám làm

13/11/2021 06:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quan trọng nhất ban giám hiệu phải là người đi trước, phải truyền tải được thông điệp, có kế hoạch rõ ràng, sắp xếp nguồn nhân lực phù hợp để cùng thực hiện.

“Trong một cơ sở giáo dục, thì Kế hoạch giáo dục nhà trường là một dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa các trường với nhau. Qua kế hoạch này, mọi người nhìn vào đó sẽ thấy được tổng thể cả một quá trình, một khóa học của học sinh từ đầu vào cho đến đầu ra, bên cạnh đó cũng biết được lộ trình học tập của các con, rồi chuẩn đầu ra mà nhà trường đã lên kế hoạch. Bên cạnh chuẩn đầu ra theo Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, có trường chú trọng đến việc xây dựng văn hóa nhà trường, trường học hạnh phúc, rồi nâng cao kĩ năng và giá trị sống cho học sinh.

Nhưng có trường lại muốn đẩy mạnh, cung cấp cho học sinh các công cụ cho tương lai, ví dụ như ngoại ngữ, tin học,…và tất cả những cái đó đều phải nằm trong Kế hoạch giáo dục nhà trường. Đây là một kế hoạch mang tính chất tổng thể, phải có mối quan hệ giữa các bộ môn này với bộ môn khác, để tích hợp các chủ đề liên môn, hoặc những chủ đề mà học sinh có thể trải nghiệm sáng tạo.

Và cũng căn cứ vào đó để nhà trường xây dựng các hoạt động giáo dục cho phù hợp với nội dung trong kế hoạch giáo dục mà nhà trường đưa ra”, nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Nhâm: “Việc xây dựng kế hoạch nhà trường là một nội dung mà tôi đánh giá là rất quan trọng, nhưng yếu tố cốt lõi là phải gắn liền với đặc thù của mỗi nhà trường. Theo tôi có mấy điểm cần quan tâm, thứ nhất: Xây dựng kế hoạch thế nào đi nữa thì cũng phải lấy nền là Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, và tất cả kế hoạch giáo dục phải đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung theo quy định.

Sau đó theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh, căn cứ vào tiềm năng, nguồn lực sẵn có của nhà trường, từ đó phát triển thành kế hoạch giáo dục để đáp ứng được sự phát triển theo định hướng của nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cho phép các nhà trường được chủ động sắp xếp lại chương trình của Bộ, bỏ đi những kiến thức cũ, cập nhật những kiến thức mới, và đương nhiên là các nhà trường có quyền tự chủ trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục đa dạng, phù hợp và tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tất cả những việc đó đều liên quan đến Kế hoạch giáo dục nhà trường.

Tuy nhiên, để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, tăng cường các trải nghiệm thì phải căn cứ vào nguồn lực sẵn có của từng nhà trường, căn cứ vào cơ sở vật chất, cũng như những điều kiện đảm bảo khác, tránh trường hợp khi xây dựng kế hoạch thì rất hay, nhưng lại không khả thi, khó khi thực hiện, như vậy sẽ vô nghĩa. Nếu nhà trường không có đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chất lượng, không có cơ sở vật chất đủ đáp ứng thì kế hoạch có hay đến đâu cũng rất khó để thực hiện.

Vậy khi xây dựng kế hoạch, phải căn cứ vào tiềm năng, những nguồn lực mà nhà trường có, nếu như trong trường hợp thiếu thì phải có kế hoạch bổ sung trước khi thực hiện”.

Hiện nay có rất nhiều cơ sở giáo dục hoạt động bằng nguồn ngân sách, như vậy khó có thể nói là đủ để thực hiện các kế hoạch được đề ra trong kế hoạch giáo dục nhà trường? Về vấn đề này, thầy Nhâm nêu quan điểm: “Không phải có tiền mới làm được, bởi quyền tự chủ là của mỗi nhà trường, và cần nhất là phải căn cứ vào tiềm lực mà mỗi cơ sở giáo dục đang có như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực,…để xây dựng kế hoạch cho phù hợp.

Tuy nhiên, khi triển khai bất cứ một vấn đề gì đó, như các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đi trải nghiệm ngoài trường học thì vẫn phải cần đến kinh tế. Nhưng nếu chưa có, các nhà trường có quyền chủ động dựa trên nguồn lực của mình để sắp xếp cho phù hợp.

Nếu trường có nhiều kinh phí thì có thể tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ở xa, tuy nhiên nếu nhà trường không đủ kinh phí thì có thể thiết kế các hoạt động cho học sinh học tập tại trường, tại sân vườn, hoặc tại các phòng thí nghiệm, phòng thực hành,…thì cũng có thể thay thế được. Tất nhiên là có sự khác nhau, nếu các con được đi thực tế ở nơi có nhiều hoạt động, được nhìn thấy, cầm nắm, cảm nhận được thì hiệu quả sẽ tăng lên. Nhưng vẫn có thể khắc phục được và tính hiệu quả sẽ không bằng.

Ngay như trường chúng tôi cũng có rất nhiều hoạt động cho học sinh trải nghiệm ngay tại trường, đó là những thí nghiệm thực hành, cho học sinh chuẩn bị những công cụ đơn giản tự làm, có thể đo đạc, vẽ, tính diện tích, hoặc tổ chức những ngày hội công nghệ, hay như thực hành làm doanh nghiệp,…những cái đó hoàn toàn thể tổ chức tại nhà trường, mấu chốt là người hiệu trưởng phải nghĩ ra và dám thực hiện, không nhất thiết là mỗi lần trải nghiệm phải đi đến một vùng rất xa, tốn kém mà cũng chưa chắc đã hiệu quả”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học trải nghiệm. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học trải nghiệm. Ảnh: NVCC.

Ban giám hiệu phải đi tiên phong

Theo thầy Nhâm: “Ở bất cứ một nhà trường nào, muốn phát triển kế hoạch giáo dục của nhà trường một cách hiệu quả, trước tiên là ban lãnh đạo nhà trường phải là người tiên phong dẫn dắt đội ngũ, phải đào tạo bồi dưỡng các thầy cô để có đủ năng lực để cùng với lãnh đạo nhà trường xây dựng cũng như triển khai kế hoạch giáo dục đó.

Quan trọng nhất là ban giám hiệu phải là người đi trước, cũng như phải truyền tải được thông điệp, có những kế hoạch rõ ràng, sắp xếp nguồn nhân lực phù hợp để cùng với hiệu trưởng thực hiện. Đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường rất quan trọng, nếu các thầy cô không chịu đổi mới thì cũng rất khó để thực hiện, chính vì thế xây dựng kế hoạch cần phải đồng bộ từ trên xuống dưới”.

Thực tế có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay “sức ỳ” của đội ngũ giáo viên ở nhiều trường rất lớn, “ngại” đổi mới, và để thay đổi được điều này không hề đơn giản? Thầy Nhâm nhận định: “Chúng tôi đã rất nhiều lần tham gia chia sẻ với rất nhiều cơ sở giáo dục khác, bản thân tôi nhận thấy một điều rằng không phải các thầy cô có sức ỳ lớn, theo tôi tất cả đều có mong muốn, khát khao được đổi mới sáng tạo.

Cũng vì rất nhiều lý do, ví dụ: Không phải nhà trường nào cũng có đủ nguồn lực, dẫn đến giáo viên không tiếp cận được một số khóa học đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Một điều nữa có thể trước đây họ đã bị “ám ảnh” bởi đã phải tham gia một số khóa học tập, bồi dưỡng,…mà không đem lại hiệu quả thiết thực như mong muốn, chính vì vậy nghe học tập, bồi dưỡng là các thầy cô không chú tâm lắm".

Theo thầy Nhâm: “Việc xây dựng kế hoạch nhà trường là một nội dung mà tôi đánh giá là rất quan trọng, nhưng yếu tố cốt lõi là phải gắn liền với đặc thù của mỗi nhà trường". Ảnh: NVCC.

Theo thầy Nhâm: “Việc xây dựng kế hoạch nhà trường là một nội dung mà tôi đánh giá là rất quan trọng, nhưng yếu tố cốt lõi là phải gắn liền với đặc thù của mỗi nhà trường". Ảnh: NVCC.

Thầy Nhâm chia sẻ: "Ngay như ở nhà trường chúng tôi, có rất nhiều cách để ban giám hiệu tiến hành việc nâng cao, bồi dưỡng này. Tôi quan sát và nhận thấy những việc gì gắn liền với công việc hàng ngày của giáo viên, thực sự là cần thiết, và tôi thực hiện từng vấn đề nhỏ rồi phát triển dần lên, tránh việc mình thiết kế một khóa học tập bồi dưỡng, nghe có vẻ hay nhưng lại không ứng dụng được vào công việc, dẫn tới các thầy cô học xong lại quên ngay, như vậy sẽ không hiệu quả.

Ví dụ: Chiến lược của tôi là đưa công nghệ thông tin vào trong nhà trường, tôi làm kiên trì, liên tục, thường xuyên trong nhiều năm. Ban đầu tôi đưa ra yêu cầu rất nhẹ là các thầy cô biết soạn giảng trên PowerPoint để trình chiếu, thời gian sau đó nâng dần mức yêu cầu lên, đưa thêm các công cụ để giáo viên làm việc có hiệu quả hơn, cứ từng bước từng bước nâng cao, nếu đòi hỏi ngay và luôn thì các thầy cô sẽ nản. Cứ dần dần nhiều cái nhỏ sẽ góp lại thành một cái to.

Một điều nữa, theo tôi người hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính và luôn đồng hành cùng tập thể giáo viên trong nhà trường, quán xuyến thật sát sao, thường xuyên đánh giá, thay đổi nếu có khâu nào đó chưa hợp lý. Một điều hiển nhiên là hiệu trưởng và ban giám hiệu phải nắm rất kĩ, rất vững chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, từ đó xem xét tất cả các nguồn lực để cung cấp cho đội ngũ xây dựng giáo dục biết được có những nguồn lực này, và có thể đáp ứng được những nguồn lực này trong tương lai. Có như vậy thì kế hoạc giáo dục nhà trường mới khả thi.

Trường nào rồi cuối cùng có xây dựng được kế hoạch giáo dục, nhưng nếu xây dựng được một kế hoạch tốt, thì nó sẽ liên quan nhiều đến sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đến kế hoạch đó, nếu quan tâm không nhiều thì đương nhiên hiệu quả sẽ không cao. Nhưng hiện nay các nhà trường cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch này, nhưng độ quan tâm đến nó thì mỗi trường mỗi khác”.

Tùng Dương