Cấp dưới vào "lò", cấp trên của Giám đốc CDC Hải Dương trách nhiệm ra sao?

21/12/2021 06:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố, liệu rằng lãnh đạo của Sở Y tế Hải Dương và các ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương có trách nhiệm ra sao?

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Theo thông tin được phát đi, ông Phạm Duy Tuyến - người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (gọi tắt là CDC) Hải Dương, một trong những đơn vị chủ công của lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống Covid-19 là một trong những mắt xích của đường dây vi phạm pháp luật đã nêu.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công an, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Đối tượng Phan Quốc Việt (áo đen) và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương. Ảnh: Công thông tin Bộ Công an

Đối tượng Phan Quốc Việt (áo đen) và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương. Ảnh: Công thông tin Bộ Công an

Sự việc được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên, thông tin một trong những đơn vị chủ công chống dịch COVID - 19 vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh, các cá nhân, tổ chức đã thu lợi cả trăm, cả chục tỉ đồng đã gây bất bình trong dư luận.[1]

Cũng cần nhấn mạnh rằng, hành vi trục lợi trong dịch bệnh không phải lần đầu tiên xuất hiện ở một Trung tâm CDC.

Ông Nguyễn Nhật Cảm – cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) - có thể được xem là điển hình của "trục lợi từ dịch bệnh", khi cùng 6 thuộc cấp và đồng phạm nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Theo thông tin từ tài liệu của cơ quan điều tra, giá trị của thiết bị y tế phòng dịch bị ông Cảm và đồng phạm nâng khống từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng, nghĩa là gấp 3 lần giá nhập. [2]

Hành vi của ông Cảm khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc và thực tế bản án 10 năm tù cho ông Cảm là một hình phạt đích đáng.[3]

Với cương vị Giám đốc Trung tâm CDC, ông Tuyến, ông Cảm biết rõ vai trò của cá nhân và đơn vị là tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm bệnh.

Với trách nhiệm như thế, vậy mà lòng tham, lóa mắt vì đồng tiền những người giữ trọng trách lớn lao đã vô cảm trước sức khỏe và tính mạng của nhân dân để trục lợi, vun vén cho cá nhân mình.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là hành vi không thể chấp nhận được, pháp luật luôn dành cho những kẻ trục lợi, chiếm đoạt tài sản những hình phạt thích đáng cho tội danh này.

Nhưng trục lợi trong điều kiện dịch bệnh thì càng phải xem như một tình tiết tăng nặng và cần xử lý thật nghiêm để làm gương.

Còn bao nhiêu cán bộ bị thoái hóa biến chất như ông Phạm Duy Tuyến, ông Nguyễn Nhật Cảm? Còn bao nhiêu những kẻ vì những đồng tiền “bẩn” mà chấp nhận bán mình cho “quỷ dữ”? Cơ quan chức năng sẽ làm rõ và nhân dân sẽ giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương vi phạm pháp luật và bị khởi tố, câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan cấp trên của những trung tâm CDC cũng cần phải được làm rõ. Liệu rằng lãnh đạo của Sở Y tế Hải Dương và các ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương có vô can?

Trong sự việc của Trung tâm CDC Hải Dương,ngày 19/12, tờ Lao động đã dẫn lời ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở y tế Hải Dương về trách nhiệm của Sở Y tế. Theo đó, vị Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã cho biết, Trung tâm CDC Hải Dương lập kế hoạch mời thầu trình Sở Y tế tỉnh, sau đó Sở Y tế có tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo thường vụ Tỉnh ủy và được tỉnh đồng ý với chủ trương này.

“Thực hiện cụ thể gói thầu như nào là do CDC Hải Dương triển khai” – ông Cường khẳng định.

Cũng theo bài báo ngày 19/12, về dư luận cho rằng sở Y tế Hải Dương có bật đèn xanh cho CDC tỉnh thông đồng với lãnh đạo công ty Việt Á thực hiện việc nâng khống giá vật tư, kit test, ông Cường cho rằng không có chuyện đó: “Chúng tôi quản lý nhà nước, chúng tôi có làm việc mua bán cụ thể đâu mà biết được” – Báo Lao động dẫn lời ông Cường.

Theo ông Cường, tỉnh đã giao cho CDC Hải Dương thực hiện việc mời thầu, mua bán vật tư thiết bị thì CDC tự chịu trách nhiệm trong việc mua bán cụ thể như thế nào. Mà việc chỉ định thầu còn có rất nhiều hạng mục khác, với nhiều đơn vị khác, chứ không phải chỉ kit test của công ty Việt Á.

Việt Á là chỉ là một trong các đơn vị cung cấp vật tư thiết bị cho Hải Dương. “Việc CDC Hải Dương thực hiện chỉ định thầu đối với công ty Việt Á là theo chỉ định của tỉnh. Việc thực hiện cũng theo các quy định cụ thể của luật” – ông Cường nói.

Với câu trả lời của ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế Hải Dương trên báo Lao động có thể thấy, Sở này dường như chẳng phải chịu trách nhiệm gì!

Từ khi dịch bệnh COVID -19 xuất hiện tại Việt Nam và nhiều tháng gần đây dịch bệnh ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân, khó khăn chồng chất khó khăn.

Mọi hành vi móc ngoặc trục lợi trong dịch COVID - 19 đều đáng lên án. Tranh minh họa: Báo Nhân dân

Mọi hành vi móc ngoặc trục lợi trong dịch COVID - 19 đều đáng lên án. Tranh minh họa: Báo Nhân dân

Trong khó khăn, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là những lực lượng nơi tuyến đầu của ngành y tế đã phát huy vai trò quan trọng trong đấu tranh, phòng chống dịch bệnh, đem lại sức khỏe, an toàn cho nhân dân.

Trong dịch bệnh, đã có nhiều cá nhân tổ chức thực hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp.

Nhiều bạn trẻ đã xếp bút nghiên tham gia chống dịch, đã có không ít người gác lại nỗi đau mất người thân, giữ vững vị trí chiến đấu.

Nhân dân đoàn kết bằng việc góp tiền, góp sức, góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát cơm miễn phí…để cùng chung tay chống dịch.

Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy.

Giữa tin thần đoàn kết, vượt khó khăn của dân tộc như vậy lại xuất hiện những kẻ trục lợi từ dịch bệnh thật khó chấp nhận.

Đáng buồn hơn, chuyện tiêu cực lại xuất hiện đúng trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh ở một cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Những đối tượng trong đường dây vừa bị khởi tố đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước và sự tiếp tay của những cán bộ thoái hóa, biến chất để thực hiện hành vi phạm tội.

Những năm qua, mặt trái của kinh tế thị trường như một “cơn lốc dữ” đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên bị chao đảo, thậm chí bị “nhấn chìm” trong “dòng xoáy” của quyền lực.

Từ người nắm giữ, thực thi quyền lực, không ít cán bộ, đảng viên đã bị quyền lực quyến rũ, mê hoặc đến mức u mê để rồi trượt dài vào “vũng lầy” tha hóa quyền lực.

Hậu quả của những cán bộ sa vào “vũng lầy” quyền lực này không chỉ là những bản án pháp luật đích đáng mà nó còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và gây ra sự bất bình trong dư luận.

Kiên quyết chống và bài trừ những kẻ thoái hóa biến chất, đây là việc làm lớn nhất của Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: Lò đã nóng thì không kẻ nào có thể cưỡng lại với quy luật phát triển.

Việc làm đó đem lại niềm tin lớn nhất, chẳng những trong nước mà trên trường quốc tế. [4]

Bên cạnh đó, dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan cấp trên, vai trò của người đứng đầu Sở Y tế Hải Dương, các cơ quan liên quan của tỉnh Hải Dương cũng cần phải làm rõ.

Liệu rằng có câu chuyện buông lỏng quản lý ở Sở Y tế Hải Dương?

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe một cụm từ đã trở nên rất quen thuộc: "buông lỏng quản lý".

Bốn tiếng trên chỉ sự tắc trách, không làm trọn chức năng, phận sự được giao của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào đó dẫn tới những hậu quả không mong muốn, nhẹ thì khiến công việc ngưng trệ, đình đốn, nặng có thể gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, thậm chí nguy hại đến tính mạng con người v.v..

“Buông lỏng” - rất dễ hiểu là buông lơi, dẫn đến lỏng lẻo, tức là người nắm quyền quản lý không lưu tâm, ngó ngàng tới, để cho mọi việc trong phạm vi quản lý của mình muốn diễn ra thế nào cũng được, có khi lọt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Và trong vụ việc của Trung tâm CDC Hải Dương, nếu Sở Y tế Hải Dương có sự kiểm tra, giám sát kịp thời với trách nhiệm của cơ quan chủ quản, các sở ban ngành liên quan của tỉnh Hải Dương làm hết phận sự của mình với trách nhiệm cao nhất liệu rằng Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt có thể hình thành một "liên minh ma quỷ", ký sinh trên nỗi đau của đồng bào như vậy hay không?

Dư luận rất cần câu có câu trả lời của các đơn vị cấp trên của ông Phạm Duy Tuyến ở tỉnh Hải Dương.

* Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.mps.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-to-07-doi-tuong-trong-vu-an-hinh-su-vi-pham-quy-dinh-ve-dau-thau-gay-hau-qua-nghiem-trong-xay-ra-tai-cong-ty-viet-a-cdc-hai-duong-t30706.html

[2] http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thu-truong-Cong-an-thong-tin-vu-an-CDC-Ha-Noi/394784.vgp

[3] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/De-nghi-y-an-cuu-Giam-doc-CDC-Ha-Noi-va-dong-pham-i617920/

[4] https://vov.vn/chinh-tri/dang/kien-quyet-bai-tru-nhung-ke-thoai-hoa-bien-chat-1015938.vov

Trần Phương