Cục Nhà giáo, xin hãy bảo vệ, đừng vô cảm với giáo viên hợp đồng

19/10/2021 06:38
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một nghịch lí là những giáo viên trên không được làm viên chức vì thiếu chứng chỉ những vẫn được làm giáo viên hợp đồng để dạy học sinh.

Bài viết “Sở đòi chứng chỉ sư phạm mới, giáo viên hợp đồng Hưng Yên kêu cứu Cục Nhà giáo” của tác giả Linh Trang đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 09/10 nhận được rất nhiều sự quan tâm, băn khoăn, bức xúc của nhà giáo không chỉ ở Hưng Yên mà của cả nước.

Trong bài viết nêu nội dung đơn thư phản ánh của các giáo viên hợp đồng lao động lâu năm tại thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về những bất cập trong tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước.

Đại diện cho nhiều giáo viên không được tiếp nhận do thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo Thông tư mới trong bài viết trên 1 giáo viên bức xúc chia sẻ:

“Chúng tôi đều là những giáo viên hợp đồng lâu năm từ trước 31/12/2015. Thời điểm hợp đồng lần đầu với Ủy ban Nhân dân huyện/thành phố, chúng tôi đều có đủ các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định kể cả chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Vậy mà giờ đây, Sở Nội vụ Hưng Yên lại thông báo không công nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp trước 2021 đối với giáo viên hợp đồng, có người đã hơn 10 năm công tác trong diện đặc cách như chúng tôi.

Việc áp dụng Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT đối với chúng tôi - những người đã có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định từ trước 31/12/2015 liệu có thể hiện tinh thần nhân văn đối với những giáo viên hợp đồng lâu năm không?

Trong khi xét tuyển đặc cách lần này là cơ hội để chúng tôi vào biên chế tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục của tỉnh nhà”.

(Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

(Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

Theo đó, các giáo viên này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tiếp nhận đặc cách vào làm viên chức năm 2021.

Tuy nhiên, sau đó, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên đã thông báo không tiếp nhận vào làm viên chức năm 2021 với lý do “các trường hợp này có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với đối tượng và cấp học giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chưa đáp ứng về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức” kèm theo Công văn 762 của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này khiến giáo viên vô cùng bức xúc vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định mới.

Yêu cầu giáo viên hợp đồng phải chứng chỉ sư phạm theo Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT là quá cứng nhắc, vô lý

Những giáo viên đã dạy hợp đồng trước đây đã giảng dạy nhiều năm, đóng bảo hiểm xã hội từ trước năm 2015 (thuộc đối tượng đặc cách theo quy định của Bộ Nội vụ đã được Chính phủ đồng ý) đã có thời gian dài công tác, nhiều người là tổ trưởng, tổ phó, nhiều người có nhiều thành tích công tác được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh ghi nhận, họ cũng có thời gian dài cống hiến.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bằng cấp,… đã được thừa nhận thì việc yêu cầu phải có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp từ sau 22/5/2021 theo đúng Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT là quy định vô lý, cứng nhắc, cho thấy quan niệm việc coi trọng hồ sơ, chứng chỉ mà bỏ qua quá trình công tác, cống hiến.

Việc giáo viên bỏ thời gian, tiền bạc ra học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới với kinh phí vài triệu đồng không có tác dụng gì đối với những giáo viên đã công tác nhiều năm, có nhiều thành tích cống hiến mà chỉ để làm giàu cho các cơ sở cấp chứng chỉ trên.

Chính quan niệm không xem trọng quá trình công tác, năng lực mà coi trọng chứng chỉ, giấy phép con vô lý khiến giáo viên vô cùng bức xúc, bất mãn.

Người viết cho rằng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trả lời văn bản yêu cầu giáo viên hợp đồng đã công tác nhiều năm, đã đóng bảo hiểm xã hội trước 2015 phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới sau 22/5/2021 là cứng nhắc cần phải được xem xét lại cho hợp tình, hợp lý.

Một bạn đọc là giáo viên có tên H. T ở địa chỉ mail hoa…88@gmail.com ngày 15/10 thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ ý kiến của mình như sau: “Một nghịch lí là những giáo viên trên không được làm viên chức vì thiếu chứng chỉ những vẫn được làm giáo viên hợp đồng để dạy học sinh. Xin hỏi vậy sản phẩm thầy cô đó tạo ra so với trước và sau khi vào viên chức, trước và sau khi có chứng chỉ mới khác nhau như thế nào? Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến chứng chỉ hay quan tâm đến sản phẩm người giáo viên làm ra?”

Đây là một ý kiến rất hay, rất xác đáng việc yêu cầu họ có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo Thông tư 12/2021 mới trong khi họ đã là giáo viên được xã hội thừa nhận và đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trước đây là việc làm vô lý gia tăng gánh nặng, gây bức xúc lên giáo viên.

Sau khi họ có thêm chứng chỉ theo Thông tư mới thì chất lượng có nâng lên hay không? Tại sao đều vô lý này không được giải quyết mà để giáo viên hợp đồng thiệt thòi, bức xúc?

Trong phần bình luận cuối bài viết bạn đọc đề tên Mr.Khanh có đề xuất rất hợp lý: “Theo tôi các thầy, cô đã có chứng chỉ sư phạm được cấp trước ngày 22/5/2021 thì nên xét tuyển cho họ, vì thông tư này mới ra đời ngày 05/4/2021 mà có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2021 là gấp rút quá, chưa giáo viên nào cập nhật và kịp thời đi học. Mà mỗi thông ra đời mới là giáo viên lại phải đi học chứng chỉ gây tốn kém cho giáo viên, nên những chứng chỉ nhà nước nào cấp trước ngày 22/05/2021 vẫn có hiệu lực để tránh lãng phí tiền học chạy theo chứng chỉ.

Đồng quan điểm bạn Minh Khuê đề xuất với Cục Nhà giáo: “Theo tôi các thầy, cô đã có chứng chỉ sư phạm được cấp trước ngày 22/5/2021 và đã và đang giảng dạy hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/5/2015 đến nay thì nên xét tuyển cho họ, đồng thời yêu cầu họ bồi dưỡng chứng chỉ theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Như vậy, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên vừa thấu tình đạt lý với các nhà giáo. Đề nghị Cục Nhà giáo và Quản lý Giáo dục cần có chính kiến ủng hộ các nhà giáo cho phù hợp thực tiễn.”

Trên đây là đề xuất hết sức hợp lý, hợp tình của những giáo viên đã và đang công tác rất mong Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét để có văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho các nhà giáo, tránh thêm phiền toái, phức tạp gây bức xúc lên giáo viên.

Đã gọi là xét tuyển đặc cách thì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng đặc cách, đừng ban hành thêm quy định khiến những giáo viên phải có thêm giấy phép con, chứng chỉ không đáng có, gây thêm bức xúc. Họ đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trước đây thì nên được xem xét, xem như tương đương.

Mong Cục Nhà giáo có những tham mưu, đề xuất về việc xóa các chứng chỉ “hành” giáo viên

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo Thông tư 12/2021 mới này yêu cầu đối với giáo viên đã từng công tác, từng có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trước đây là một sự vô lý rõ ràng nhất mà nó vẫn nghiễm nhiên tồn tại gây bức xúc lên giáo viên là đúng.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những chứng chỉ xem như là những giấy phép con “hành” giáo viên đó là những chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhà giáo cũng cần được xem xét bãi bỏ; việc các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã không còn yêu cầu có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học nhưng vẫn yêu cầu các "minh chứng", các thầy cô giáo và cơ quan quản lý giáo dục địa phương vẫn phải dùng đến "chứng chỉ".

Bên cạnh đó, các yêu cầu về việc nhà giáo phải tìm kiếm minh chứng đạo đức theo các hạng giáo viên để tải lên hệ thống TEMIS cũng là điều hết sức vô lý, vô bổ, gây bức xúc cần được loại bỏ.

Gánh nặng chứng chỉ không chỉ là những việc vô bổ, hình thức mà nó còn là nguyên nhân gây bức xúc lớn, gây quá tải cho sức chịu đựng có giới hạn của giáo viên hiện nay, nó làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên.

Giáo viên đã tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc cho các chứng chỉ, giấy phép con vô bổ trong một thời gian quá dài, vì vậy người viết cho rằng đã đến lúc Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cần có những động thái, những tham mưu cụ thể để chấm dứt “vấn nạn” trên.

Nhà giáo ở Hưng Yên và cả nước rất mong Cục Nhà giáo có tham mưu, đề xuất và giải tỏa các chứng chỉ “vô lý” cho giáo viên, đừng để mất những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, xin đừng vô cảm đối với giáo viên hợp đồng và tiến đến chấm dứt những cái chứng chỉ, giấy phép con vô bổ để giáo viên chuyên tâm công tác, cống hiến là hết sức cần thiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM