Ai ở Bộ KH&CN biến KIT Việt Á từ "không được chấp thuận" thành "được chấp thuận"

21/12/2021 06:44
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ đã gỡ bỏ thông tin liên quan đến bộ KIT xét nghiệm của công ty Việt Á.

Ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận".

Trong đó nêu rõ: "Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00".

Đến ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

Không tim thấy thông tin trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh chup màn hình

Không tim thấy thông tin trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh chup màn hình

Ngày 20/12/2021, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã bị gỡ bỏ.

Liên quan đến việc bộ kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng từ tháng 3/2020 đến nay, phát biểu trên tờ VTC News (của Đài tiếng nói Việt Nam) ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận: "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ".[1]

Việc gỡ bỏ thông tin trên website chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ về thông tin bộ xét nghiệm của công ty Việt Á khiến dư luận bất ngờ.

Bởi thông tin về bộ xét nghiệm trên cũng như thông tin được WHO “công nhận” mà Bộ Khoa học và Công nghệ cho đăng tải đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí có uy tín ở trung ương và địa phương đăng tải lại.

Có thể thấy, sau ngày công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin về bộ xét nghiệm của Việt Á đã lan tỏa khắp cả nước.

Thông tin này đã tồn tại hơn 1 năm nay, khi thông tin được phát đi dư luận đã có những tín hiệu vui mừng phấn khởi khởi. Nhiều địa phương đã tham khảo thông tin này trước khi đặt mua bộ xét nghiệm này cho địa phương mình phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Ngay cả khi WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận ngày 20/10/2020, tức là cách thời điểm hiện tại đã hơn 1 năm, nhưng bản tin sai sự thật trên website Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn tồn tại. Dư luận không thể không đặt câu hỏi về năng lực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ việc nghiêm trọng này.

Chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui, ông Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á - bị khởi tố để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19, thì bản tin trên trang của Bộ Khoa học và Công nghệ bị gỡ xuống.

Các thông tin trên website của trung ương và địa phương vẫn còn đang lưu lại thông tin mà Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi.

Và cũng hơn sau một năm, thông tin sai này được cho là “sơ suất”.

Với sự “sơ suất” rất nguy hiểm này dư luận cần câu trả lời cụ thể từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bởi “sơ suất” theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “Không cẩn thận, không chú ý đúng mức để có sai sót”.

Liệu rằng thông tin từ một bộ quản lý nhà nước chuyên ngành về khoa học và công nghệ mà lại có thể “không cẩn thận, không chú ý”…

Lâu nay, nhiều sai sót vẫn được đổ lỗi là do “đánh máy”, và những câu trả lời lỗi “đánh máy” đã trở thành một trong những cách đổ lỗi rất “hợp thời” của số ít cơ quan chức năng khi có sai phạm.

Lỗi của người đánh máy (Ảnh minh họa của DAD17).

Lỗi của người đánh máy (Ảnh minh họa của DAD17).

Với những câu “đổ lỗi” như vậy rất khó thuyết phục, bởi trong vụ án của Trung tâm CDC Hải Dương cơ quan điều tra đã xác định có sự móc ngoặc giữa đối tượng Phan Quốc Việt – Giám đốc công ty Việt Á và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương để trục lợi cả trăm tỉ đồng.

Riêng Phạm Duy Tuyến đã được “lại quả” đến 30 tỷ đồng.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị đã cảnh báo tình trạng doanh nhân, doanh nhân móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Đây là dạng tham nhũng đặc biệt và ngày càng gia tăng, trở thành một trong những nguy cơ đối với Đảng, Nhà nước, phải sớm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Do vậy, việc “sơ suất” ở Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải được làm rõ và ai ở Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm cho việc cung cấp thông tin sai lệch này?

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/bo-kh-cn-thua-nhan-sai-sot-dua-tin-who-chap-thuan-kit-test-cua-cong-ty-viet-a-ar652927.html

[2] http://congan.nghean.gov.vn/kinh-te-xa-hoi/khoa-hoc-cong-nghe/202004/bo-san-pham-xet-nghiem-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-897953/

[3] https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202004/bo-kit-xet-nghiem-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-co-hoi-xuat-khau-2176947/

[4] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-san-pham-xet-nghiem-covid-19-cua-viet-nam-duoc-who-chap-thuan-67434.html

Hoàng Quỳnh