Chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị

11/02/2022 08:54
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 10/02, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt; đại diện các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các địa phương tham dự tại 63 điểm cầu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa xã hội thiết thực, nhân văn sâu sắc, cao cả, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những tình cảm tốt đẹp nhất có thể cho thế hệ tương lai - thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới, những thập kỷ tới.

Đối với mỗi người trong chúng ta và cả xã hội, sức khỏe luôn là vốn quý nhất. Đặc biệt, đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu lại càng quan trọng, bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước chúng ta. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình, mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Tuy nhiên theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: "So với yêu cầu thì hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em vẫn chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, có một số vụ nghiêm trọng, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý. Vẫn còn không ít học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần vì nhiều lý do khác nhau.

Và rất đau lòng, đã có không ít em tìm đến những giải pháp tiêu cực. Tất cả chúng ta đều phải trăn trở, suy ngẫm sâu xa hơn về vấn đề này".

Tỉ lệ suy dinh dưỡng của học sinh năm 2019 ở mức khá cao, khoảng 13,9%, trong khi đó tỷ lệ thừa cân-béo phì cũng tăng nhanh, khoảng 20%. Cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học, thậm chí các điểm trường quy hoạch chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe cho các cháu khi đi học.

Một trong những hạn chế chúng ta nhìn thấy rõ là điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở những thành phố lớn.

Điều kiện rèn luyện thể chất hạn chế, ảnh hưởng đến việc rèn luyện sức khỏe của các cháu, nhất là các môn liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ như bơi lội, phòng tránh thiên tai… Hằng năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em bị đuối nước. Đây là vấn đề mà chính quyền các cấp cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả. Chương trình học cho trẻ còn nặng về kiến thức và thiếu các kỹ năng sống. Điều đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và gây áp lực cho trẻ.

Theo Thủ tướng, những hạn chế nêu trên có một số nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, về chăm sóc sức khỏe cho học sinh vẫn chưa thực sự toàn diện, tổng thể, liên thông, nhất là về sức khỏe tinh thần, có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ; chưa có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho công tác này. Việc bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong trường học còn khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhiều giáo viên, nhà trường, phụ huynh và gia đình chưa coi trọng việc liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan tới học sinh. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đủ tới lúc con ở trường và nhiều giáo viên chưa quan tâm đủ tới lúc học sinh ở nhà, chưa thực sự lắng nghe các em.

Kiến thức chung về dinh dưỡng, sức khỏe học đường và phòng, chống dịch, bệnh tật thông thường còn hạn chế. Giáo dục về thể chất và hoạt động thể thao trường học vẫn còn bất cập, chưa thật sự hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe học đường chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác truyền thông giáo dục về sức khỏe học đường còn hạn chế, cần quan tâm thêm.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, trẻ em. Trên thế giới, dữ liệu gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.

Tại Việt Nam, những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và việc hạn chế di chuyển khi chưa có đủ vaccine, thuốc, chưa hiểu hết về biến chủng Delta, năng lực y tế còn hạn chế… đã khiến nhiều trẻ em, học sinh phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô, rời xa những không gian, những trò vui đùa của tuổi thơ. Các cháu ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.

Đặc biệt, nhiều cháu phải trải qua những mất mát quá lớn, hàng nghìn cháu nhỏ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba, và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.

Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt

Trên cơ sở nhận thức và xác định rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức và nguyên nhân nêu trên, ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tấm lòng của mỗi người thẩm quyền.

Theo đó, cần quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn. Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chúng ta còn phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải quyết tâm hơn nữa, hành động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.

Có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm tinh thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp cho các cháu - thế hệ tương lai của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ những việc cụ thể chúng ta cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt. Cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, bếp ăn trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước.

Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Phòng chống dịch COVID-19 khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, có phương án cụ thể trước khi mở cửa trường học.

Để thực hiện được những việc đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt vai trò đầu mối, chủ trì; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; rà soát để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện và công tác phối hợp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ về nhận thức thức, tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường.

Chú trọng, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường. Lưu ý việc đề xuất cơ chế, chính sách, bố trí nguồn nhân lực về giáo dục thể chất và chăm sóc tâm lý cho học sinh trong nhà trường.

Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề trước mắt thời sự hiện nay là mở cửa lại trường học trực tiếp sau 2 năm gián đoạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả, khoa học, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi các cháu trở lại trường học. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát trong công tác này.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp, ví dụ đối với trẻ thành phố tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì tăng cao thì chế độ dinh dưỡng cần khác với vùng nông thôn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Bộ Xây dựng đảm bảo quy hoạch, tỉ lệ xây dựng trường học, nhà trẻ, nhất là tại khu đô thị và khu công nghiệp, chú ý các công trình cần thiết trong trường học, nhà trẻ, đảm bảo các cháu có cơ sở vật chất tốt để học tập và phát triển thể chất. Tính toán xây dựng phương án phòng, chống dịch khi cần thiết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra tiêu chí, xây dựng cơ sở vật chất rèn luyện thể dục thể thao cho các cháu, đặc biệt liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ và phát triển phong trào thể thao đại chúng để nhiều trẻ em tham gia rèn luyện sức khỏe.

Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Chú trọng phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Có hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn về dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn học đường bảo đảm phù hợp về dinh dưỡng, phù hợp đặc điểm vùng miền, địa phương. Ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện mục tiêu của Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho sức khỏe học đường trên tinh thần đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình. Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khoẻ học đường, cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nói chung.

Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công tác chăm sóc sức khỏe học đường nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung cho nhân dân Việt Nam.

"Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định "tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước'; 'gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam". Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước, mà còn hơn thế nữa. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Ấm no, hạnh phúc của mỗi trẻ em, của mỗi người dân là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của chúng ta", Thủ tướng nói

Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, quyết tâm, ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, bạn bè quốc tế, sự tham gia hưởng ứng, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô, Chương trình Sức khỏe học đường sẽ được triển khai thành công, phát huy mạnh mẽ hiệu quả, tạo ra những bước đột phá trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.

Thùy Linh