Nếu không chấn chỉnh khu vực ngoài nhà nước thì cũng làm hỏng bên trong nhà nước

17/04/2022 07:00
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cơ quan quản lí rất giỏi, không việc gì có thể qua mắt được họ tuy nhiên để sai phạm Trịnh Văn Quyết diễn ra như vậy thì không loại trừ lợi ích nhóm với nhau.

Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt chiều 10/3/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu sớm xét xử các vụ án trọng điểm, đồng thời điều tra sai phạm về đấu giá đất, chứng khoán...

Cuối tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC) về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", tiếp đó là bắt giữ những người có liên quan trong vụ án này.

Đầu tháng 4, cơ quan điều tra cũng khởi tố, tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp lớn ngoài nhà nước đã bị xử lý.

Xử lí sai phạm giúp tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu quốc hội khóa XIII-XIV) cho hay, cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ cách xử lý của cơ quan nhà nước, bởi vì việc xử lí này tiến tới sự lành mạnh của thị trường, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu chứng khoán.

Tuy nhiên hiện nay dư luận vẫn đặt ra dấu hỏi về việc có hay không nhóm lợi ích câu kết với nhau để tạo những ra “cú lừa”.

“Đối với cơ quan nhà nước thì có lẽ con ruồi không bay qua mắt họ được, đây là những việc tày trời mà họ làm được thì dư luận đặt dấu hỏi nghi ngờ về sự câu kết hoàn toàn có thể tin tưởng và có lí”, ông Phương cho hay.

Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu phát triển thị trường chứng khoán một cách lành mạnh để giúp cho nền kinh tế phát triển lớn mạnh hơn, thay vì lệ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng.

Ông Bùi Văn Phương khi còn làm Đại biểu quốc hội. (Ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội)

Ông Bùi Văn Phương khi còn làm Đại biểu quốc hội. (Ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội)

Nếu không xử lí nghiêm sai phạm thì các nhà đầu tư không còn tin vào thị trường chứng khoán và không dám bỏ tiền đầu tư, từ đây doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn.

Hai là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư vào cùng một doanh nghiệp, cái đó là hoàn toàn đúng, nếu người ta có mục đích để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người đầu tư thì rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên hiện nay người ta phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất mập mờ, thông tin không được công khai đầy đủ, không có gì đảm bảo, từ đó dẫn đến việc người đầu tư vào đó có thể gặp rủi ro nếu doanh nghiệp đó phá sản.

Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo công an vào cuộc làm quyết liệt những vụ việc liên quan đến hành vi "thao túng chứng khoán" của Trịnh Văn Quyết, điều này sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh và tác động tốt đến nền kinh tế. Bên cạnh đó là cảnh báo cho những người làm ăn gian dối sẽ không có đất để tồn tại.

“Tôi rất ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và cần phải làm nghiêm hơn nữa, để cho những người có ý định sẽ được cảnh tỉnh”, ông Phương chia sẻ.

Sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết có sự câu kết lợi ích nhóm?

Liên quan đến vụ án của Trịnh Văn Quyết, mới đây Bộ Công an đã đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản bất động sản, cổ phần, cổ phiếu góp vốn đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và những người có liên quan.

Đồng thời, Bộ đề nghị các địa phương tạm dừng cho giao dịch chuyển nhượng, mua, bán... với khối tài sản như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu của các cá nhân trên.

Truyền thông từng phản ánh nhiều dự án bất động sản của ông Trịnh Văn Quyết bị “treo” tại nhiều tỉnh thành, hoặc các dự án được xây dựng ở những vị trí đắc địa, khiến nhiều người đặt câu hỏi xoay quanh về đơn vị này.

Ông Bùi Văn Phương cho hay, đối với các dự án FLC của ông Trịnh Văn Quyết, truyền thông báo chí trước đó cũng từng nói về những dự án “treo” của đơn vị này nhưng không mạnh bằng thời gian vừa qua.

"Các cơ quan quản lí rất giỏi, không việc gì có thể qua mắt được họ tuy nhiên để sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết diễn ra như vậy thì không loại trừ lợi ích nhóm với nhau.

Vì vậy nếu không chấn chỉnh doanh nghiệp ngoài nhà nước thì cũng làm hỏng bên trong nhà nước, và làm giảm lòng tin của nhân dân.

Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn làm sai trái thì không thể một mình họ có thể làm được, mà đều có sự câu kết, làm ngơ, điều này sẽ dẫn đến nền kinh tế đi về đâu?", ông Phương đặt ra câu hỏi.

Cách các doanh nghiệp làm giàu với dự án bất động sản như nào?

Chia sẻ về câu chuyện thực tế liên quan đến các dự án bất động sản, ông Bùi Văn Phương nói, trong những lần ông đi giám sát các cuộc họp thì ông thấy một số doanh nghiệp làm tràn lan dự án ở khắp nơi, khi trao đổi với người dân ở đó thì họ nói tỷ lệ khai thác chỉ hơn 20% số phòng. Họ cũng thừa nhận với tỉ lệ đó cũng chỉ đủ chi trả chi phí bảo vệ, điện….

"Tôi đặt câu hỏi rằng, đầu tư không hiệu quả như vậy tại sao người ta vẫn cứ xây dự án?", ông Phương từng băn khoăn.

Về sau ông mới hiểu rằng đây là một cách để tạo kẽ hở cho người ta lợi dụng.

Đó là họ lập dự án, xây dựng thì đều vay tiền ngân hàng để làm và cũng dùng tài sản hình thành từ dự án là để bảo đảm cho khoản vay vốn.

Ông Phương cũng đưa ra một ví dụ cụ thể, nếu doanh nghiệp xây dự án thật sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng (nếu hạch toán hoàn thiện tất cả xong mất khoảng 200 tỷ đồng), ngân hàng cho vay khoảng 60% giá trị khoản đó (khoảng 120 tỷ đồng).

Như vậy là doanh nghiệp chỉ cần xây dựng dự án vẫn còn "lời" 20 tỷ đồng/dự án.

Đây là câu trả lời cho vì sao họ cứ cho ra đời và triển khai dự án.

Bởi vì sau này doanh nghiệp làm ăn được thì họ thu hồi lại và trả ngân hàng, trong trường hợp ngược lại thì dự án đó là của ngân hàng, nợ xấu từ đó mà ra.

"Bản chất của vấn đề trên là doanh nghiệp cứ vay vốn, cứ lập dự án và xây đầu tư thì đã có lãi như trên, chứ chưa cần kinh doanh", ông Bùi Văn Phương nhận định.

Chính bởi lẽ trên, ông Phương cho rằng, nếu chúng ta không lập lại trật tự thì thị trường chứng khoán sẽ "vỡ", kéo lùi nền kinh tế lại.

Ông Phương cũng từng cảnh bảo đến nợ xấu và đặc biệt việc câu kết của doanh nghiệp, đồng thời là cách doanh nghiệp đánh bóng “tên tuổi”.

Bình luận về vấn đề trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho hay, đối với các dự án có dấu hiệu sai phạm liên quan đến bất động sản của FLC thì cơ quan chức năng cần rà soát lại ngay. Theo Luật đất đai, nếu đất "treo" chỉ được để trong vòng 24 tháng, nếu không sẽ bị thu hồi.

"Nếu dự án bị treo lâu như vậy thì đề nghị các địa phương rà soát và tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao để xử lý theo quy định của pháp luật", bà An cho hay.

Chủ tịch Hội nữ trí thức thành phố Hà Nội rất ủng hộ việc Bộ Công an đề nghị các địa phương rà soát, tạm dừng giao dịch mua, bán dự án bất động sản của ông Trịnh Văn Quyết để phục vụ cho quá trình điều tra, xử lí là rất kịp thời.

Mạnh Đoàn