Vừa qua, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã công bố những số liệu về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021.
Số liệu dù mới được tổng hợp nhưng bước đầu cho thấy các bộ, ngành, địa phương phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng.
Trong 6 năm, có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020). (1)
Lãng phí chính là cơ sở, động cơ của tham nhũng
Bàn luận xoay quanh những con số "biết nói" này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Những số liệu Quốc hội công bố đã nêu lên thực trạng đáng báo động về tình trạng buông lỏng quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian qua.
Theo tôi, lãng phí còn tệ hại hơn cả tham ô, tham nhũng. Lãng phí chính là cơ sở, động cơ của tham nhũng. Do đó, muốn "lò" bớt nóng thì phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống lãng phí.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được quản lý rất chặt chẽ bởi đó cũng là một phần tiền thuế người dân đóng góp.
Việc tập trung ngân sách nhà nước vào những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Ngược lại, ngân sách sử dụng lãng phí không những gây bức xúc trong xã hội mà nó còn làm chậm tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế".
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: Doanhnghiepcuocsong.vn) |
Theo ông Thịnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể để phòng, chống lãng phí, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn bởi việc thực thi trong thực tế còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức đối với công tác phòng, chống lãng phí chưa được phát huy tối đa.
Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện lãng phí tại các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, xử lý lãng phí ở nhiều nơi còn chậm và chưa nghiêm. Việc động viên, khen thưởng người thực hiện tiết kiệm hoặc phát hiện lãng phí còn hạn chế.
Tiết kiệm phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho hay:
"Chúng ta đã bàn quá nhiều về câu chuyện lãng phí ngân sách nhà nước từ mua sắm tài sản đến xây những công trình chưa cấp thiết như cổng chào của tỉnh, cổng chào huyện, tổ chức rầm rộ các buổi khai trương, động thổ, cắt băng khánh thành... Trong khi tiêu chuẩn, định mức chi cho những hoạt động liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ lại rất eo hẹp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Một bên lãng phí cứ lãng phí, còn một bên để thực hiện tốt nhiệm vụ, bằng cách nào đó phải làm sai tiêu chuẩn, định mức. Thực tế này đã được nhiều cử tri phản ánh với Quốc hội.
Tôi thấy trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các các cơ quan, đơn vị hạn chế đi lại, tránh tập trung đông người nên cũng cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Các sự kiện, lễ hội cũng được tổ chức ít hơn... Những sự cắt giảm này đều không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc chung. Vậy, tại sao chúng ta cứ phải rình rang khi có thể tiết kiệm chi ngân sách nhà nước?".
Bà Nga cho rằng, sử dụng ngân sách một cách tràn lan và lãng phí không những thể hiện sự yếu kém trong quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà còn cho thấy lối sống hoang phí của một bộ phận cán bộ công chức.
"Công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa được sát sao. Một số cán bộ, đảng viên do thiếu tự giác rèn luyện, tu dưỡng, đã sa vào tệ nạn quan liêu, lãng phí.
Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường làm việc, khiến môi trường cơ quan thiếu chuyên nghiệp", bà Nga nêu quan điểm.
Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, phòng chống lãng phí, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng đưa ra một số giải pháp.
Thứ nhất, cần rà soát lại chế tài, luật. Trong quá trình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có khó khăn vướng mắc, có những nội dung xa rời thực tiễn thì cần sớm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chống lãng phí, giáo dục về quan điểm, lối sống, tư tưởng cho cán bộ, đặc biệt là các cán bộ làm lãnh đạo, quản lý.
"Tiết kiệm chống lãng phí không đơn thuần là việc có thực thi pháp luật đúng hay không mà nó còn liên quan đến văn hóa, lối sống, nếp sống của con người.
Theo tôi, song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn chỉnh các thể chế, chúng ta phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, thậm chí là các thế hệ nối tiếp như thanh thiếu niên, học sinh... Khi mà tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân thì không cần phải hô hào nhiều", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://vov.vn/chinh-tri/con-so-biet-noi-ve-lang-phi-qua-giam-sat-toi-cao-cua-quoc-hoi-post932754.vov