Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngành Kỹ thuật ô tô, Trường mở mới ngành Kỹ thuật ô tô (mã ngành: 7520130) và bắt đầu tuyển sinh năm 2021.
Tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm khu thực hành, thí nghiệm động cơ và ô tô Khoa Cơ khí Giao thông (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Ảnh tư liệu. |
Theo đó, ngành này tuyển sinh 60 chỉ tiêu, xét tuyển theo phương thức điểm thi trung học phổ thông. Thí sinh có thể lựa chọn tổ hợp xét tuyển Toán – Vật lý- Hóa học hoặc Toán- Vật lý- Tiếng Anh để xét tuyển.
Ngành Kỹ thuật ô tô được mở theo chương trình đào tạo đại học hệ chính quy (bằng cử nhân) với thời lượng đào tạo 4 năm, khối lượng 130 tín chỉ.
Và chương trình đào tạo tích hợp chuyên sâu đặc thù hệ chính quy (bằng cử nhân và bằng kỹ sư) với thời lượng đào tạo từ 5-5,5 năm, khối lượng 180 tín chỉ.
Ngành Kỹ thuật ô tô thuộc Khoa Cơ khí Giao thông, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đây là Khoa có truyền thống hơn 45 năm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao với thế mạnh đào tạo chuyên sâu về các loại động cơ máy móc, cơ khí động lực.
Theo lãnh đạo nhà trường, ngành Kỹ thuật ô tô ra đời để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về tuyển dụng nhân lực ở các lĩnh vực như thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sữa chữa…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đông - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật ô tô cho biết: chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật ô tô có 6 khối kiến thức theo quy định chung. Trong đó, lấy khối kiến thức toán và khoa học tự nhiên làm nền tảng, kiến thức cơ sở ngành cốt lõi vững chắc, kiến thức ngành hiện đại và tiên tiến.
Bên cạnh đó các em còn được trang bị kiến thức thực tiễn từ thí nghiệm/thực hành/đồ án theo hướng ô tô hiện đại.
Đặc biệt là những dự án của doanh nghiệp đặt hàng cho sinh viên trong quá trình đào tạo giúp các em có những kỹ năng/kiến thức thực tế để thích ứng nhanh với công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp.
Ngành Kỹ thuật ô tô đang được nhiều doanh nghiệp sẵn sàng săn đón, "chiêu mộ". Ảnh: AN |
“Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật ô tô của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có nhiều ưu thế nổi bật.
Đó là khi xây dựng chương trình đào tạo thì nhà trường tổ chức Khảo sát nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng.
Từ đó, định hướng xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo sao cho đáp ứng nhu cầu nhân sự của nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đang đầu tư phát triển các thế hệ ô tô tương lai.
Nhất là xu hướng phát triển ô tô điện, ô tô hybrid hay ô tô dùng pin nhiên liệu (fuel cell) và ô tô thông minh.
Người học có khả năng sáng tạo công nghệ để thiết kế, chế tạo, sản xuất ô tô thế hệ mới; có khả năng vận hành dây chuyền sản xuất ô tô hiện đại, có năng lực khai thác, sử dụng ô tô thế hệ mới có hàm lượng cao về công nghệ điều khiển và tự động hóa”.
Ngoài ra, theo thầy Đông thì nhà trường còn xây dựng hệ thống cơ sở vật chất các phòng thí nghiệp/thực hành đầy đủ, giúp cho sinh viên học tập/thực tập một cách sáng tạo.
Đánh giá về nhu cầu nhân lực ngành ô tô trong thời gian đến, nhiều doanh nghiệp cho biết đang “khát” đội ngũ kỹ sư chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc nghiên cứu, chế tạo.
“Ngành kỹ thuật ô tô ở Việt Nam hiện nay chỉ đang mới bắt đầu và đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở phương diện thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất …
Để có một chiếc xe lăn bánh phải cần rất nhiều các hoạt động diễn ra theo trình tự như: cung cấp nguyên vật liệu, nghiên cứu công nghệ, thiết kế, chế tạo, sản xuất các linh phụ kiện phụ tùng, vận chuyển, lắp ráp, nhập khẩu, phân phối, truyền thông bán hàng, dịch vụ sau bán hàng… vì vậy có thể nói ngành ô tô đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn của xã hội.
Đối với doanh nghiệp ô tô Vinfast, chúng tôi luôn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và đổi mới công nghệ như ô tô điện, ô tô thông minh để cạnh tranh trong thị trường ô tô.
Nhất là khi các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn cho thiết kế, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ô tô nội địa”, ông Huỳnh Văn Đài - Tổng Giám đốc Vinfast Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết.