Kì lạ cứ 7 tiết học môn Mĩ thuật có 1 cuốn sách giáo khoa

03/05/2022 06:49
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Mĩ thuật lớp 10 trong năm học tới đây có tới 11 đầu sách giáo khoa - đây là một điều chưa từng thấy trong nhà trường phổ thông ở nước ta từ trước đến nay.

Điểm mới nhất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông là có các môn học, hoạt động bắt buộc và những môn học lựa chọn, cùng với đó là các chuyên đề học tập đối với các môn học.

Trong số các môn học lựa chọn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến môn Mĩ thuật vì môn học này cùng với môn Âm nhạc lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau này.

Song, điều đáng quan tâm là sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố các đầu sách giáo khoa và niêm yết giá thì chúng ta thấy môn Mĩ thuật lớp 10 có tới 11 đầu sách giáo khoa - đây là một điều chưa từng thấy trong nhà trường phổ thông từ trước đến nay.

Trong khi, môn Mĩ thuật lớp 10 chỉ có 70 tiết học và 3 chuyên đề học tập với thời lượng 35 tiết nữa. Như vậy, trừ đi sách giáo khoa Chuyên đề học Mĩ thuật 10 thì cứ 7 tiết học có 1 cuốn sách giáo khoa Mĩ thuật.

Môn Mĩ thuật 10 có tới 11 cuốn sách giáo khoa (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Môn Mĩ thuật 10 có tới 11 cuốn sách giáo khoa (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Chương trình, sách giáo khoa môn Mĩ thuật cấp trung học phổ thông được thiết kế ra sao?

Theo Chương trình môn học Mĩ thuật đã được ban hành vào năm 2018, môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông có các nội dung giáo dục lựa chọn gồm: Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội họa, Đồ họa (tranh in), Điêu khắc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, Kiến trúc.

Ngoài ra, môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông đối còn có các chuyên đề học tập - đây là những nội dung giáo dục lựa chọn, dành cho những học sinh yêu thích và có thiên hướng mĩ thuật. Mỗi năm học, sẽ có 3 chuyên đề với tổng thời lượng 35 tiết, bao gồm:

Lớp 10: Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 1 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 2 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ tranh cơ bản 1 (15 tiết)

Lớp 11: Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 3 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 4 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ tranh cơ bản 2 (15 tiết)

Lớp 12: Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 5 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ nghiên cứu với mẫu 6 (10 tiết); Chuyên đề Thực hành vẽ tranh cơ bản 3 (15 tiết).

Từ Chương trình tổng thể, Chương trình môn học, các tác giả sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho ra đời 10 cuốn sách giáo khoa và 01 cuốn sách giáo khoa cho chuyên đề học Mĩ thuật ở lớp 10.

Thực tế, cả 2 bộ sách: Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trình làng 11 cuốn sách giáo khoa cho môn Mĩ thuật, bao gồm: sách giáo khoa Hội họa; Kiến trúc; Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Lí luận và lịch sử mĩ thuật; Đồ họa tranh in; Điêu khắc; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp; Thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh; Chuyên đề học mĩ thuật 10.

Tổng 11 cuốn sách giáo khoa này được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam niêm yết với giá là 73.000 đồng.

Nhìn vào các đầu sách giáo khoa, trừ đi sách giáo khoa cho chuyên đề học Mĩ thuật ở lớp 10 dành cho những học sinh yêu thích môn Mĩ thuật thì còn lại 10 cuốn và chương trình môn Mĩ thuật lớp 10 có tổng số 70 tiết học. Như vậy, bình quân cứ 7 tiết học Mĩ thuật ở lớp 10 sẽ có 01 cuốn sách giáo khoa.

Nhưng, thực tế còn không được 7 tiết/ 1 đầu sách giáo khoa vì trong số 70 tiết/ 1 năm học phải trừ đi 4 tiết cho kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ của 2 học kỳ), đó là chưa kể giáo viên phải bố trí thời gian cho học sinh làm bài kiểm tra thường xuyên theo quy định.

Thôi thì, cứ tạm tính 7 tiết học sẽ có 1 cuốn sách giáo khoa thì chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy sự bất cập và có phần lãng phí. Tất nhiên “cái lợi” không thuộc về phụ huynh, học sinh và các nhà trường.

11 cuốn sách giáo khoa môn Mĩ thuật 10 là điều đáng băn khoăn

Ngày 28/4 vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: Bi hài 1 môn học 11 đầu sách giáo khoa, 3 môn học cũ "chui" vào 1 đầu sách của tác giả Nguyễn Nguyên - bài viết này đã nhận được đông đảo bạn đọc trên cả nước quan tâm và chia sẻ.

Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Nguyên đã liệt kê ra giá thành của 11 đầu sách giáo khoa môn Mĩ thuật 10 và cả những bất cập trong việc 1 môn học mà có đến 11 cuốn sách giáo khoa.

Phải nói rằng ngoài sự bất cập khi 1 môn học có quá nhiều sách giáo khoa và dẫn đến sự tốn kém tiền bạc cho phụ huynh học sinh thì chúng ta cũng thấy rằng những yêu cầu của chương trình môn học và thực tế thực hiện môn học này ở các nhà trường trong năm học tới đây cũng còn nhiều chuyện đáng bàn.

Bởi lẽ, theo Ban soạn thảo chương trình môn học, môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông cần phải đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đó là:

Phòng học: Nên có phòng dành riêng cho hoạt động mỹ thuật; Đồ dùng, thiết bị dạy học tối thiểu trong phòng học: Bảng từ để trưng bày kết quả học tập;

Giá vẽ; bảng vẽ cá nhân; thiết bị lưu giữ kết quả/sản phẩm học tập, sáng tạo, dụng cụ học tập của từng cá nhân học sinh (giá, tủ…); Bục đặt mẫu vẽ có thể điều chỉnh được kích thước chiều cao, chiều rộng khi cần thiết;

Bàn ghế học sinh dễ dàng cho việc di chuyển ở các vị trí khác nhau trong không gian lớp học; Máy chiếu Projecter, máy chiếu vật thể, âm ly, máy tính kết nối internet…; Mẫu vẽ: Khối cơ bản, tượng đầu người, tượng chân dung, tượng người bán thân, tượng người toàn thân.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh các trường được khoán kinh phí, muốn mua bán cái gì cũng phải làm kế hoạch đề nghị với cấp trên phê duyệt hoặc cấp trên mua và cấp cho các nhà trường thì với yêu cầu này phải nhiều năm nữa mới có thể đáp ứng được.

Ngay cả chuyện quan trọng nhất là nhân sự dạy môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông cho năm học tới đây cũng đang là bài toán nan giải cho các nhà trường. Bởi, cho dù các địa phương có chủ trương tuyển dụng giáo viên môn Mĩ thuật thì nguồn tuyển hiện nay cũng rất khan hiếm.

5 năm qua, kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đến nay nguồn tuyển giáo viên môn Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông vẫn đang rất khan hiếm.

Nhiều câu hỏi, nhiều bất cập đang xảy ra đối với môn học này và câu chuyện 1 môn học có tới 11 cuốn sách giáo khoa có lẽ cũng là một điều hiếm gặp trong lịch sử giáo dục nước nhà từ xưa đến nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN