Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học tích hợp đang được triển khai ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 và nó đang khiến cho giáo viên dạy các môn học này bị rối. Sự việc này không chỉ giáo viên mà ngay cả lãnh đạo nhà trường cũng rối theo.
Phần lớn các trường vẫn đang xếp thời khóa biểu độc lập giữa các phân môn với nhau và phân môn của ai thì người đó dạy. Bởi, khi tập huấn chương trình mới thì giáo viên vẫn được tập huấn các phân môn riêng lẻ…
Sách giáo khoa các môn học tích hợp về cơ bản vẫn trình bày theo từng phân môn riêng biệt, thậm chí là 2 quyển sách giáo khoa khác nhau nhưng điểm đến của các môn học này là các bài kiểm tra định kỳ, điểm trung bình môn, nhận xét về phẩm chất, năng lực giữa các phân môn sẽ chung với nhau.
Sách giáo khoa mới bộ Cánh Diều vẫn có 2 cuốn độc lập Âm nhạc, Mĩ thuật trong 1 môn "tích hợp" Nghệ thuật, ảnh chụp màn hình. |
Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn đề cập đến môn Nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở khi nó được “tích” từ 2 môn học độc lập là Âm nhạc và Mĩ Thuật. Song, liệu Bộ chủ trương “tích” 2 môn học này thành 1 môn thì nó có “hợp” hay không?
Tất cả đều riêng, chỉ có tên môn học là chung
Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải khá nhiều những bài viết về chủ đề các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở như môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý và những bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả trên cả nước.
Tuy nhiên, những môn học này đang có một điểm chung là chương trình môn học, sách giáo khoa chung với nhau, một số trường đã bố trí 1 giáo viên giảng dạy luôn cả 2-3 phân môn.
Điều chúng tôi thấy khá bất ngờ là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật ở cấp tiểu học và trung học cơ sở trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được gọi bằng một cái tên rất mới, đó là môn Nghệ thuật.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành sách giáo khoa Nghệ thuật 6 với hai phần nội dung tách biệt, Âm nhạc và Mĩ thuật, ảnh chụp màn hình. |
Thế nhưng, cách triển khai môn Nghệ thuật ở 2 cấp học này lại hoàn toàn khác nhau.
Ở tiểu học thì nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật của môn Nghệ thuật (đã áp dụng ở lớp 1 và lớp 2) đang được thực hiện riêng lẻ. Sách giáo khoa riêng, giáo viên riêng và đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ cũng được thực hiện độc lập hoàn toàn với nhau.
Trong khi, môn Nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở thì có những điểm khác cơ bản, đó là dù sách giáo khoa riêng, giáo viên dạy riêng nhưng bài kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ) thì lại chung với nhau 1 kết quả.
Điều này đã được thể hiện rõ tại Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua.
Trong đó nêu rõ: “Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt”.
Với cách hướng dẫn như thế này, rõ ràng Bộ đang làm khó giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật khi kiểm tra định kỳ, thống nhất kết quả và nhận xét cho học trò.
Môn Âm nhạc và Mĩ thuật cùng chung cột điểm định kỳ thì được gọi là môn…Nghệ thuật!
Đọc hướng dẫn về môn Nghệ thuật ở Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH, chúng tôi thấy…băn khoăn vô cùng.
Thứ nhất: theo quan điểm cá nhân, chúng tôi nhận thấy bản chất của môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật chẳng có gì liên quan với nhau. Dù 2 môn học này đều là những môn học đòi hỏi năng khiếu của học trò và nó đều hướng tới cái đẹp nhưng điểm chung về kiến thức môn học thì gần như không có.
Thứ hai: khi đọc lại Chương trình môn học, chúng tôi vẫn thấy Bộ viết riêng lẻ, độc lập với nhau, không có gì chung cả. Sách giáo khoa lớp 6 hiện nay có 3 bộ, chúng tôi tham khảo và thấy cũng viết riêng 2 nội dung này thành 2 cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Các trường học cũng bố trí phân công, xếp thời khóa biểu 2 giáo viên dạy độc lập. Kiểm tra thường xuyên cũng được thực hiện riêng. Thế nhưng, không hiểu tại sao Bộ “ép duyên” thành môn Nghệ thuật?
Trong khi, mọi thứ đều riêng mà đến kiểm tra định kỳ thì Bộ lại hướng dẫn: “kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt”?
Như vậy, Bộ có làm khó giáo viên dạy 2 phân môn này không?
Dù vẫn biết rằng những môn học này thì ít khi giáo viên xếp loại học sinh ở mức Chưa đạt nhưng nếu có trường hợp một học sinh đạt kết quả bài kiểm tra định kỳ là Đạt ở nội dung Âm nhạc nhưng lại Chưa đạt ở nội dung Mĩ thuật thì giáo viên sẽ giải quyết ra sao?
Bởi, tại khoản 1, Điều 9, Thông tư 22/2021/TT- BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đối với những môn học đánh giá bằng nhận xét như sau:
“- Trong một học kì, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
+ Mức Đạt: Có đủ số lần kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư này và tất cả các lần được đánh giá mức Đạt.
+ Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
- Cả năm học, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
+ Mức Đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Đạt.
+ Mức Chưa đạt: Kết quả học tập học kì II được đánh giá mức Chưa đạt”.
Rõ ràng, việc Bộ “gán ghép” nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật để thành môn Nghệ thuật là một điều khiên cưỡng, không khoa học và gần như nó chẳng có ý nghĩa gì khi ghép môn với nhau.
Chỉ có một điều duy nhất là làm phức tạp vấn đề cho giáo viên dạy môn học này bởi sách giáo khoa riêng, kiểm tra riêng nhưng kết quả kiểm tra định kỳ lại ép cộng dồn lại với nhau để ra chung một kết quả.
Từ đó, 2 giáo viên phải vào kết quả học tập của học trò chung 1 cột, nhận xét năng lực, phẩm chất chung cho 1 môn học. Trong khi, bản chất của Âm nhạc và Mĩ thuật hoàn toàn khác nhau, chương trình và sách giáo khoa cũng khác nhau, nó chỉ có 1 tên gọi dung là môn….Nghệ thuật mà thôi?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.