Cấp ngân sách cho cán bộ đi học tiến sĩ khó mang lại hiệu quả như mong muốn

25/05/2022 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Đỗ Minh Cương cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước không cần đào tạo tiến sĩ mà cần học những gì hệ thống đang thiếu và yếu.

Ngày 19/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, việc đào tạo trình độ tiến sĩ đối với công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước có thực sự cần thiết?

Liệu có đảm bảo tính hiệu quả, công khai, minh bạch?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phải thực sự cân nhắc về tính hiệu quả cũng như tính công bằng của đề án này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Qdnd.vn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Qdnd.vn)

Bởi lẽ trước đây cũng đã có một số địa phương thực hiện các đề án tương tự, cấp ngân sách để đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức học tiến sĩ ở nước ngoài. Tuy nhiên, có những trường hợp trong quá trình học thì bỏ ngang, có người không trở về cơ quan cũ mà chuyển sang làm tại các doanh nghiệp, một số người ở lại nước ngoài làm việc,… Đó là những vấn đề bất cập đã xảy ra.

Chính vì vậy, trước khi tiến hành đề án này, cần phải có tổng kết, đánh giá về những đề án tương tự đã thực hiện trước đây, xem xét tính hiệu quả xã hội của những đề án đó.

“Chúng ta có ngân sách để đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức hằng năm nhưng đó chỉ là một phần nhỏ để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.

Còn nếu đi đào tạo dài hạn thì phải đặt vấn đề về tính công bằng, minh bạch, tính hiệu quả của đề án. Dư luận sẽ đặt câu hỏi ai là người được lựa chọn đi học?

Bỏ ra hàng tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, chúng ta phải đặt mục tiêu đào tạo một cách rõ ràng, việc thực hiện như thế nào, có tuyển chọn được người tài không, sau khi học người ta có trở về làm việc không? Hơn nữa, phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, nếu không sẽ mất lòng tin của người dân”, Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương nêu quan điểm.

Thầy Cương cũng cho biết thêm, nếu đào tạo trong nước thì không cần phải có những đề án đào tạo dài hạn, thay vào đó, có thể mở các khóa đào tạo ngắn hạn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho những người có nhu cầu thực học để họ nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực mình quản lý.

Không nhất thiết đào tạo trình độ tiến sĩ với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Phó Giáo sư Đỗ Minh Cương, yêu cầu về kiến thức kỹ năng của người thực thi công vụ khác hẳn với người làm công tác nghiên cứu khoa học. Đào tạo tiến sĩ chủ yếu phục vụ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Còn riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước cần học những gì mà hệ thống đang thiếu và đang yếu. Thay vì đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt, có thể mở các khóa đào tạo ngắn hạn để giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực, nhiệm vụ quản lý, quản trị ở lĩnh vực mà họ được phân công.

Bên cạnh vấn đề đào tạo, chúng ta phải biết cách tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài vào những vị trí việc làm phù hợp trong bộ máy hành chính.

Nếu có cơ chế mở, áp dụng chế độ làm việc linh hoạt đối với công chức như chế độ hợp đồng, chế độ làm việc theo dự án, chế độ làm việc theo chương trình,… thì sẽ dễ dàng thu hút người giỏi về làm việc.

“Hơn nữa, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều vị trí có thể làm việc từ xa, chúng ta sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nhân tài và không cần tốn kém ngân sách cho đào tạo tiến sĩ với đối tượng công chức, viên chức.

Đối với khu vực công, điều quan trọng là biết cách khai thác, sử dụng nguồn nhân lực một cách có hiệu quả.

Tầm nhìn dài hạn, chúng ta cần đặt ra tiêu chuẩn để tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức có đủ năng lực làm việc, đặc biệt là năng lực tự học và học tập suốt đời. Như vậy trong quá trình làm việc, trước những đòi hỏi, yêu cầu mới đặt ra, bản thân họ sẽ có tinh thần học hỏi, tự tìm tòi để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thầy Cương cho biết.

Phó Giáo sư Ngô Thành Can cho rằng, đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với những người đang làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Ngô Thành Can cho rằng, đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với những người đang làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, cần phân định rõ nhiệm vụ của những người là cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và những người thực hiện chuyên môn nghiệp vụ trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với những người đang làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Còn ở lĩnh vực quản lý Nhà nước, công chức, viên chức thực hiện những công việc được giao, ví dụ như soạn thảo văn bản, định hướng công việc chung, điều hành quản lý để đảm bảo sự phát triển chung của xã hội, để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Do đó, họ cần kiến thức, kỹ năng để quản lý, điều hành, triển khai công việc trong lĩnh vực được phân công, họ cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ tương ứng với mảng mình phụ trách để làm sao quản lý thật tốt, đảm bảo sự phát triển chung.

“Có thể mở những khóa đào tạo ngắn hạn về chính sách công, hành chính công…. bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí việc làm trong bộ máy quản lý.

Còn việc cấp ngân sách để đào tạo trình độ tiến sĩ cho cán bộ, công chức, viên chức ở lĩnh vực quản lý Nhà nước có thể sẽ không tạo ra hiệu quả như mong muốn” Phó Giáo sư Ngô Thành Can khẳng định.

Phạm Minh