Công tác đào tạo tiến sĩ luôn là một vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ở nước ta đã có sự tăng lên đáng kể. Song, chất lượng tiến sĩ như thế nào vẫn còn nhiều băn khoăn.
Đặc biệt, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số đề tài, luận án tiến sĩ được đánh giá là thiếu hàm lượng khoa học và không có ý nghĩa thực tiễn. Gần đây là đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao gây ra nhiều tranh cãi.
Vậy làm sao để công tác đào tạo tiến sĩ đi vào chất lượng, làm sao để đánh giá được một đề tài nghiên cứu “xứng tầm” luận án tiến sĩ?
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, yêu cầu đầu tiên của một luận án tiến sĩ là phải có cơ sở lý luận của chuyên ngành khoa học (trong trường hợp này là khoa học giáo dục), còn đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chỉ là một bản báo cáo mang tính tổng kết mà không biết thuộc chuyên ngành khoa học nào.
Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
“Không chỉ trong đào tạo tiến sĩ mà cả đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận lại và cần thay đổi. Chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng học hộ, sao chép luận văn thạc sĩ, rất nhiều học viên không đọc nổi một cuốn sách để làm luận văn thạc sĩ.
Trong khi nền giáo dục đang hướng đến ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ mà nhiều biểu hiện không trung thực trong học tập, thi cử, nghiên cứu khoa học vẫn xuất hiện và tiếp diễn là vấn đề rất đáng lo ngại.
Để lọt đề tài ‘tiến sĩ cầu lông’ và những đề tài tương tự, lỗi đầu tiên thuộc về người hướng dẫn, thứ hai là trách nhiệm của hội đồng bảo vệ các cấp.
Trong đào tạo tiến sĩ, vai trò của người hướng dẫn là rất quan trọng. Người hướng dẫn phải định hướng được một đề tài phù hợp với năng lực của nghiên cứu sinh, xứng tầm luận án tiến sĩ, có tính thời sự, có cơ sở lý luận của ngành khoa học và phải có tính mới.
Hội đồng các cấp duyệt đề tài, duyệt đề cương, nghiên cứu sinh tham gia học các chuyên đề, trong đó phải bảo vệ 3 chuyên đề: Chuyên đề tổng quan, chuyên đề cơ sở lí luận của vấn đề nghiên cứu, chuyên đề cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trước khi đi đến bảo vệ luận án. Bảo vệ luận án phải qua 3 cấp: bộ môn, cơ sở, hai phản biện độc lập rồi mới được bảo vệ chính thức.
Vậy nhưng có rất nhiều những đề tài thiếu cơ sở lý luận, thiếu tính mới mà vẫn được bảo vệ thành công, vậy trách nhiệm của hội đồng các cấp như thế nào”, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đặt vấn đề.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, đối với những trường hợp này, cần có chế tài với người hướng dẫn, chủ tịch và các thành viên trong hội đồng bảo vệ các cấp, nhất là cấp cơ sở và cấp trường/học viện.
Bên cạnh đó, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành bộ tiêu chí luận án tiến sĩ rõ ràng, chi tiết để nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và hội đồng thực hiện.
Ba tiêu chí quan trọng nhất đối với một luận án tiến sĩ là phải có cơ sở lí luận đúng chuyên ngành đào tạo, phải có tính mới và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Nhìn một đề tài luận án tiến sĩ, phải nhận diện được khung lí luận của đề tài, và biết đề tài đó thuộc ngành/chuyên ngành khoa học nào, có tính mới hay không.
Tính mới của luận án thể hiện trong phần tổng quan của luận án, trong đó nghiên cứu sinh phải tổng thuật có phê phán hết những công trình nghiên cứu gần với đề tài của mình trong và ngoài nước và tìm ra được hướng nghiên cứu mới. Tính mới thể hiện trong cách tiếp cận mới, trong giải quyết vấn đề và những kết quả mới vượt trội so với cách tiếp cận đã có.
Yêu cầu thứ ba đối với một đề tài luận án tiến sĩ là có khả năng vận dụng trong thực tiễn để giải quyết thành công một vấn đề có tính thời sự sâu sắc.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, cần phải xem xét lại việc giao cho các trường đại học, các viện khoa học chấm luận án tiến sĩ. Bởi lẽ, không phải cơ sở, đơn vị nào cũng có đủ người có chuyên môn, năng lực để thành lập được hội đồng bảo vệ và chấm luận án tiến sĩ.
“Theo tôi, cần phải xây dựng tiêu chí mới để thành lập Hội đồng trong các cơ sở giáo dục. Sau khi có quy định rồi thì chỉ giao cho những trường đại học, đơn vị chấm luận án tiến sĩ khi đáp ứng được các tiêu chí theo quy định .
Nếu không quản lý đủ tốt chúng ta để lọt những tiến sĩ “dỏm”, để rồi sau này, những tiến sĩ này lại ngồi “ghế hội đồng” để chấm các luận án tiến sĩ khác thì hậu quả sẽ khó lường”, Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề đào tạo tiến sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, điều quan trọng là phải xác định đề tài phù hợp với một luận án tiến sĩ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, chất lượng tiến sĩ không được như kỳ vọng của công luận là một vấn đề cần phải được xem xét lại. (Ảnh: PM) |
Thực tế hiện nay, vẫn còn những đề tài với mô típ giống nhau, đang trở thành vấn đề gây xôn xao dư luận.
“Chất lượng tiến sĩ không được như kỳ vọng của công luận là một vấn đề cần phải được xem xét lại. Tuy nhiên, muốn đánh giá được chất lượng như thế nào thì cần phải có tiêu chí đánh giá cụ thể.
Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng đối một luận án tiến sĩ. Đối với một đề tài, cũng cần xem xét công trình đó có ý nghĩa lí luận và khả năng ứng dụng trong cuộc sống.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải quản lý được các đề tài luận án tiến sĩ, phải có sự sàng lọc để tránh những đề tài sáo mòn, thiếu tính khoa học và thiếu ý nghĩa thực tiễn”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo khẳng định.