GS Lê Ngọc Thạch góp ý về danh pháp, thuật ngữ Hóa học giáo dục phổ thông và ĐH

03/08/2022 06:34
GS.TS Lê Ngọc Thạch - Nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là một giảng viên dạy đại học nhiều năm, tôi thấy bất ngờ về danh pháp và thuật ngữ mà các sinh viên mới vào học trong lớp của mình sử dụng.

Ngày 28/7/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết "GV băn khoăn về tên gọi của hóa chất trong sách KHTN và Hóa học mỗi nơi một kiểu" phản ánh ý kiến của giáo viên bậc phổ thông về việc sử dụng tên gọi của hóa chất trong sách không thống nhất.

Ngay sau đó, Tạp chí cũng nhận được bài viết góp ý về danh pháp, thuật ngữ Hóa học giữa bậc phổ thông và đại học cũng có tình trạng tương tự.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết góp ý của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi có tìm hiểu qua một số giáo viên dạy bậc trung học. Tôi nhận thấy danh pháp và thuật ngữ Hoá học giữa giáo dục phổ thông và đại học không thống nhất. Vì vậy, tôi mạo muội xin góp một số ý kiến:

Thứ nhất: Thứ tự các chữ trong một danh pháp (từ hai chữ trở lên) là phải nhất quán. Không nên viện bất cứ lý do nào để phá bỏ sự nhất quán này, nhất là những lý do “thói quen”, rằng chữ này được Việt hóa, chữ khác không được Việt hóa...

Thứ tự các chữ trong danh pháp, tuyệt đối là phải viết theo văn phạm Việt Nam, đương nhiên trong các văn bản được chọn viết bằng tiếng Việt, nhất là trong sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Ví dụ viết ion natrium (viết ion sodium là sai), ion nhôm, ion halogenur, ion kalium (viết ion potassium là sai),... thì phải viết theo thứ tự đó với các danh pháp còn lại khác như: acid acetic, alcol etyl, anhydrid benzoic, oxid kẽm,... Không thể riêng ion- … viết thuận theo tiếng Việt là chủ ngữ trước, tính từ sau, còn các danh pháp khác thì viết ngược lại!

Tôi thấy ngành y dược, trên báo chí, truyền hình… vẫn đang viết acid- … thuận theo tiếng Việt, ví dụ như viết là ADN (acid dexoxyribonucleic), không viết là DNA.

Thứ hai: Lập luận cho rằng viết danh pháp phải theo kiểu bê nguyên xi cách viết bằng tiếng Anh mới là danh pháp IUPAC (Danh pháp IUPAC - International Union of Pure and Applied Chemistry Nomenclature là danh pháp Hóa học theo Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần túy và Hóa học ứng dụng - PV)

Theo tôi, đó là ngụy biện, nhất là đối với một quốc gia đang sử dụng mẫu tự Latin như nước ta.

Có lập luận cho rằng danh pháp phải viết theo kiểu bê nguyên xi cách viết danh pháp bằng tiếng Anh mới là danh pháp IUPAC.

Có lập luận cho rằng danh pháp phải viết theo kiểu bê nguyên xi cách viết danh pháp bằng tiếng Anh mới là danh pháp IUPAC.

Hiện nay (có lẽ cũng hơn 10 năm rồi) có cả một phần mềm chuyên dụng để chuyển đổi qua lại cách viết danh pháp của 18 quốc gia. Đến hôm nay không biết đã tăng lên được bao nhiêu nước - đồng ý viết danh pháp theo tiếng nước mình dựa trên đề nghị của IUPAC?

Thứ ba: Danh pháp phiên chuyển và danh pháp phiên âm đều không quan trọng về cách đọc. Ai cũng có thể đọc được ngay lập tức, giống y như tiếng Việt, không cần có phiên âm quốc tế đi kèm. Tôi biết có nhiều người còn in ra cả quyển sách danh pháp tiếng Anh, có kèm theo phiên âm quốc tế, rút từ trong các từ điển Anh văn ra, quảng cáo để thầy trò trung học mua.

Việc đó giúp ích gì cho học sinh sinh, bởi một số thầy, cô nhiều khi đọc không đúng giọng bằng các em học trò giỏi tiếng Anh, không lẽ bắt các em đọc sai theo mình. Thi hóa học không có phần thi vấn đáp.

Còn muốn cập nhật tiếng Anh về danh pháp cho học sinh, thì rất dễ! Dành một số trang sau cùng của mỗi quyển sách về hóa học, một bảng song ngữ Việt-Anh về những danh pháp hiện diện trong sách tương ứng, thế là xong.

Tôi đã từng làm cho quyển sách điện tử (ebook) về Bài tập Hóa học Hữu cơ (trên 1.200 trang) trên mạng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, những 5.000 từ về danh pháp-thuật ngữ hóa học Anh-Pháp-Việt trong 80 trang ở sau cùng của quyển sách. Hầu hết các danh pháp viết bằng tiếng Anh/Pháp đều có mặt. Quý thân hữu có thể tham khảo và sử dụng bảng đối chiếu này, miễn phí hoàn toàn.

Cuốn Bài tập Hóa học Hữu cơ có khoảng 5.000 từ về danh pháp-thuật ngữ hóa học Anh-Pháp-Việt trong 80 trang ở sau cùng của quyển sách.

Cuốn Bài tập Hóa học Hữu cơ có khoảng 5.000 từ về danh pháp-thuật ngữ hóa học Anh-Pháp-Việt trong 80 trang ở sau cùng của quyển sách.

Ví dụ, chữ “ion” đọc theo tiếng Việt hay đọc theo tiếng Anh? Trong khi viết, ngay trong sách giáo khoa được sử dụng đại trà, thì viết theo thứ tự của tiếng Việt. Trong đó viết là “ion sodium”, mà sodium là chữ viết tiếng Anh, thì phải đọc theo tiếng Anh chứ.

Ngay như bản thân tôi, lúc đã có học hàm, học vị rồi, đã học tiếng Pháp ngay từ lớp năm (lớp 1 bây giờ), đã học tiếng Anh từ đệ tam (lớp 10 bây giờ). Được đi Pháp nhiều lần, được nghe người Pháp đọc danh pháp viết bằng tiếng Anh, được đi Đan Mạch để nghe người Đan Mạch đọc danh pháp tiếng Anh nữa, … chưa kể đi dự hội nghị ở các nước châu Á như Philippines, Trung quốc, …. Nhưng khi đến Úc, nói danh pháp ra mọi người trong phòng thí nghiệm đều ngạc nhiên. Thế là phải sửa theo, mất cả năm trời mới tạm coi được - theo các đồng nghiệp nước bạn nói. Còn nếu đến Anh, Mỹ, Canada nữa thì sao? Đọc như một thành viên trong ban soạn sách, trên YouTube, hay đọc theo phiên âm quốc tế trong quyển sách mà thầy cô và học sinh trung học phải mua, giỏi lắm chỉ là phát âm danh pháp viết bằng tiếng Anh, theo kiểu tiếng Việt.

Thứ tư: Có người cho rằng cứ lai căng như vậy, cứ vài năm nó sẽ thành nền nếp. Nhưng câu chuyện về chữ nitơ là một ví dụ. Bao năm học sinh đọc là nitơ nhưng cách đọc này chỉ dùng cho học sinh, vì trên đại học, chúng tôi vẫn dùng nitrogen từ năm 1957, liên tục cho đến hôm nay.

Chừng nào chúng ta mới thống nhất cách gọi hoàn toàn với mọi ngành nghề, mọi bậc học một danh pháp duy nhất? Nói là để trả lời, cách gọi danh pháp phải: Việt Nam, khoa học và nhất quán.

Nếu viết nitrogen là đúng thì chắc chắn có ngày chữ nitơ phải chấm dứt nhiệm vụ của nó. Cũng như bây giờ, cố bắt viết acetic acid cho kỳ được, thì trước sau gì cách viết này cũng phải thay.

Viết là natrium (Na), kalium (K) là đúng hay viết sodium, potassium là đúng. Người đi học, đi dạy về hóa học có được tự do chọn lựa không? Viết chữ nào sát với ký hiệu của nguyên tố tương ứng hơn? Tại sao người Đức không sửa như ta, mà từ xưa cho đến nay họ vẫn dùng danh pháp natrium, kalium.

Danh pháp Hóa học theo cách viết trên hệ thống sách của Đức

Danh pháp Hóa học theo cách viết trên hệ thống sách của Đức

Thứ năm: Nếu danh pháp phiên âm, danh pháp phiên chuyển còn khuyết điểm, thì chúng ta (nhà giáo dạy về hóa học) cần cập nhật và hoàn thiện, rồi đăng ký IUPAC để tham gia vào chương trình chuyển đổi quốc tế. Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm như vậy. Đó là danh dự cho toàn ngành Hóa học Việt Nam hơn là cách bê nguyên xi lai căng này!

Lẽ dĩ nhiên, cái gì cũng vậy, nhất là khoa học, đều phải cập nhật nhưng nên đảm bảo cách gọi danh pháp phải: Việt Nam, khoa học và nhất quán.

GS.TS Lê Ngọc Thạch - Nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh