Ngày 29/7/2022, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho các tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. [1]
Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng nhà trường, mặc áo choàng nhung đỏ, đội mũ đỏ, đeo găng tay đồng màu, cầm quyền trượng màu vàng và mang vòng cổ lớn màu trắng. Các thành viên trong ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, đội mũ màu đen.
Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng trong buổi Lễ tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp chính quy của Trường đại học Kinh tế ngày 29/7 gây tranh cãi trái chiều. (Ảnh: Fanpage Trường Đại học Kinh tế) |
Còn đội nghi lễ, sinh viên nam mặc áo thiết kế kiểu vest, quần âu đồng bộ màu đỏ, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay trắng. Trang phục của sinh viên nữ có màu sắc tương tự, áo dạng vest và mặc cùng váy ngang đầu gối. Các thành viên đội nghi lễ đeo ruy băng lụa hai màu xanh đỏ, in logo của Trường Đại học Kinh tế.
Sau đó, những hình ảnh này được đăng tải trên mạng xã hội và nhận về nhiều ý kiến khen chê trái chiều, thậm chí gây ra những tranh cãi chưa có hồi kết. Một luồng ý đánh giá lễ phục của trường mang tính "mới lạ", "độc đáo" nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng trang phục này "phản cảm", "lai căng", "cầu kỳ", "diêm dúa".
Đội nghi lễ với lễ phục được thiết kế kiểu vest, đeo găng tay và sử dụng mũ beret. Cthành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ - đen, mũ màu đen sử dụng găng tay trắng. (Ảnh: Fanpage Trường Đại học Kinh tế Hà Nội) |
Riêng cá nhân người viết nhận thấy, chuyện lễ phục tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Hà Nội không có gì đáng ầm ĩ vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, lễ phục tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Hà Nội không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục hay các quy định pháp luật.
Hiện nay, Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT là văn bản đang có hiệu lực quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. [1]
Theo đó, mặc lễ phục cần đáp ứng một số nguyên tắc như sau (trích): Bảo đảm tính thống nhất trong từng trường hoặc từng ngành đào tạo; Đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp; Đảm bảo phân biệt người tốt nghiệp các trình độ được đào tạo: trung cấp, đại học; Đảm bảo tính khoa học, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thông tư này nêu rõ, khi nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng: bộ comple màu sẫm, áo sơ mi, cravat đối với nam; bộ comple hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.
Còn quy định lễ phục riêng phải tuân theo tiêu chuẩn lễ phục như sau (trích): Áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, chất liệu vải thoáng, mát, trang trí lịch sự, trang trọng thích hợp cho dùng cả mùa hè và mùa đông, thể hiện tính hiện đại và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam;
Mũ: màu của mũ phù hợp với màu của áo, đảm bảo tính thẩm mỹ, trang trọng; Logo của trường được gắn ở ngực áo bên trái.
Thứ hai, theo tìm hiểu của tôi, lễ phục tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại số trường đại học tại Việt Nam đều có màu đen chủ đạo và phối thêm các màu khác như đỏ, xanh lam... rất quen thuộc.
Chẳng hạn, trang phục tốt nghiệp cử nhân gồm áo choàng và mũ mortarboard (mũ tốt nghiệp). Trang phục được thiết kế với gam màu tối và mũ tốt nghiệp hình tứ giác, biểu trưng cho thành quả kiến thức mà sinh viên đạt được. Áo có kiểu dáng áo thụng, lấy cảm hứng từ trang phục của giới thầy tu đạo công giáo La Mã từ thế kỷ XII.
Tại Việt Nam, lễ phục tốt nghiệp thường có màu tối kết hợp cùng các màu sắc khác như xanh, đỏ.
Nhìn chung, lễ phục của các trường đại học đều theo một kiểu rất cũ, kể cả cách thức tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp ở các trường cũng na ná nhau, không mang lại nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia trên thế giới, màu sắc của trang phục lễ phục tốt nghiệp được quy định nghiêm ngặt, dựa theo đúng ngành học của sinh viên và tầm quan trọng của những buổi lễ quy định mặc trang phục này.
Ví dụ, những chiếc áo choàng thụng may bằng vải dày trước đây chủ yếu có chức năng thiết thực vì chúng giữ ấm cho sinh viên bên trong các tòa nhà đại học lạnh giá ở châu Âu.
Còn sinh viên Đại học Charleston (Mỹ) không mặc áo choàng hoặc đội mũ khi tham gia lễ tốt nghiệp vào mùa xuân tổ chức ngoài trời. Thay vào đó, sinh viên mặc váy trắng hoặc áo jacket trắng. Còn lễ tốt nghiệp mùa đông được tổ chức ở trong nhà, với quy định về trang phục là tuxedo đen cho nam và váy đen cho nữ.
Vậy nên, lễ phục tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Hà Nội ít nhất cũng tạo nên một sự khác biệt dù có thể nó chưa hoàn hảo nhưng lãnh đạo dám mạnh dạn thay đổi cũng là điều rất đáng trân trọng, ghi nhận.
Thứ ba, tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng, việc hiệu trường cầm quyền trượng (còn gọi là cây chùy) nhằm khẳng định trí thức vốn dĩ là một quyền năng. Vậy nên, các buổi lễ tốt nghiệp của các trường đại học trên thế giới thường được thực hiện theo các nghi thức truyền thống - không thể thiếu sự hiện diện của cây quyền trượng.
Theo trang web của Đại học Washington (Mỹ), Cây quyền trượng chỉ được nhìn thấy tại các buổi lễ chào tân sinh viên, lễ tốt nghiệp, các buổi trao bằng danh dự cho sinh viên.
Bởi, sự hiện diện của quyền trượng chính là biểu tượng của sự uy quyền, nhằm nhắc nhở tới các thế hệ sinh viên rằng các trường đại học là những người bảo vệ truyền thống học tập bền bỉ, lâu dài, vừa là người ban tặng sức mạnh tới người học.
Cùng với đó, quyền trượng cũng như một lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng.
Ngoài ra, quyền trượng của các trường đại học còn là một cây trượng được trang trí đẹp mắt, tượng trưng cho thẩm quyền quản lý và sự lãnh đạo hòa bình của các trường.
Thứ tư, tôi không đồng tình việc Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trúc Lê, Trường Đại học Kinh tế phải yêu cầu báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức buổi lễ, đồng thời phải rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.
Bởi, theo nhà trường, bộ lễ phục mang ý nghĩa khẳng định và thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của nhà trường trong mắt người học, đối tác, tăng tính đoàn kết nội bộ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, người học.
Bên cạnh đó giúp lưu giữ hình ảnh và kỷ niệm của người học gắn với trường, giúp tôn vinh người học sau thời gian học tập, rèn luyện tại trường, là niềm vinh dự, tự hào của bản thân người học và gia đình.
Với mỗi sự khác biệt, thay đổi, nếu bị chi phối bởi những suy nghĩ hay áp đặt chủ quan sẽ khiến việc sáng tạo bị thui chột. Hiệu trưởng cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp, cần tôn trọng sự khác biệt hơn là chỉ trích.
Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 4/2017, hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.
Được biết, vào cuối tháng 5/2022, buổi chia tay của học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh - cũng xuất hiện "quyền trượng hi vọng" khiến nhiều người quan tâm, thích thú.
Thiết nghĩ, buổi lễ tốt nghiệp là khoảnh khắc quan trọng mang theo cả đời người. Vậy nên Trường Đại học kinh tế Hà Nội chọn lễ phục khác biệt, bắt mắt, có tính thẩm mỹ cũng là một sự cố gắng rất lớn, rất đáng ghi nhận.
Và một điều quan trọng là lễ tốt nghiệp dành cho cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, miễn sao họ cảm thấy hài lòng, yêu thích là được. Dư luận hãy ngưng công kích những vấn đề ngoài lề để dành thời gian để làm việc khác có ích hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/vi-sao-le-phuc-tot-nghiep-cua-dai-hoc-kinh-te-bi-phan-doi-4494548.html
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-26-2009-TT-BGDDT-quy-dinh-mac-dong-phuc-va-le-phuc-tot-nghiep-cua-hoc-sinh-sinh-vien-95612.aspx
[3] https://thanhnien.vn/buoi-chia-tay-hy-vong-cua-hoc-sinh-truong-thpt-chuyen-le-hong-phong-post1462941.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.