Trường đại học sẽ rõ nhất chuyện điểm học bạ có trung thực hay không

01/08/2022 07:03
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Cao Quảng Tư khẳng định điểm ở trung học phổ thông chưa phải là yếu tố quyết định chất lượng sinh viên trên giảng đường đại học.

Thực hiện đổi mới giáo dục, việc xét tuyển vào đại học cũng được đa dạng hơn các hình thức xét tuyển. Trong đó, điểm học bạ cũng được nhiều trường đại học, cao đẳng sử dụng làm phương thức xét tuyển thẳng. Điều này giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội hơn đến với giảng đường đại học.

Tuy nhiên, điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ của các trường nối đuôi nhau tăng mạnh, có trường tăng tới 4-5 điểm so với năm 2021 đã đặt ra nhiều lo ngại về "lạm phát" điểm cùng với chất lượng giáo dục.

“Canh cánh” về một nền giáo dục trung thực: học thật, thi thật, nhân tài thật

Trước năm 2014, điểm tốt nghiệp trung học phổ thông được tính = {Tổng điểm các bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)} / Tổng số môn thi.

Từ năm 2014, điểm tốt nghiệp được sử dụng thêm điểm trung bình cả năm học bạ lớp 12 với cơ cấu tỷ lệ chiếm 50%. Hiện nay, điểm học bạ được giảm tỷ lệ trong cơ cấu xét điểm tốt nghiệp xuống còn 30%.

Từ đây, vấn nạn làm đẹp học bạ đã “nở rộ” nhiều hơn. Thực tế chênh lệch điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp năm nào cũng được đưa ra bàn luận.

Cách tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Doãn Nhàn

Cách tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Doãn Nhàn

Xét trên tổng thể, chúng ta không thể đánh đồng điểm học bạ hiện tại tất cả đều là ảo, có rất nhiều em học sinh, các cơ sở giáo dục đang nỗ lực để xây dựng nền giáo dục trung thực. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vì chạy theo thành tích mà xảy ra hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, điểm học bạ nhiều nơi đã bị làm đẹp, dẫn đến phản ánh không trung thực kết quả học tập của học sinh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo là hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khẳng định việc nâng điểm cho học sinh là việc làm sai, thiếu trung thực và vi phạm quy chế.

“Đây là câu chuyện muôn thuở, năm học nào chúng tôi cũng quán triệt tới từng giáo viên, đề nghị chấn chỉnh, yêu cầu học thật, thi thật, đánh giá thật để đảm bảo công bằng giữa các học sinh.

Chúng ta phải thừa nhận một sự thật đáng buồn rằng trong ngành giáo dục, vẫn có một số nơi vì chạy theo thành tích, chỉ tiêu mà nâng điểm cho học sinh. Nhiều em thì không chịu học nên giáo viên phải nâng điểm. Phụ huynh thì luôn muốn các con mình được điểm cao,... Và đặc biệt, điểm học bạ còn liên quan đến việc xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học,...”, thầy giáo này nêu quan điểm.

Thầy giáo này thừa nhận rằng mặc dù đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng vấn đề thiếu trung thực trong việc cho điểm học bạ vẫn là bài toán khó giải quyết.

Vấn đề thiếu trung thực trong điểm học bạ đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Vấn đề thiếu trung thực trong điểm học bạ đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Trao đổi với thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bình Khiêm (tỉnh Quảng Bình), thầy cho rằng điểm học bạ có trung thực hay không thì các trường đại học sử dụng học bạ làm phương thức tuyển sinh sẽ nắm rõ nhất.

“Nếu có vấn đề không trung thực trong điểm học bạ thì các trường đại học sẽ phải là trường lên tiếng đầu tiên, vì nó liên quan tới chất lượng sinh viên của trường. Đồng thời, các trường sẽ phải xem lại phương thức tuyển sinh của trường nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào bằng học bạ”, thầy Chương khẳng định.

Điểm học bạ liệu có ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu vào của các trường Đại học?

Tình trạng lạm phát điểm học bạ đã làm dấy lên rất nhiều lo ngại về chất lượng những sinh viên xét tuyển bằng học bạ, vì vậy hiện nay rất nhiều trường đại học đã khắt khe hơn với hình thức xét tuyển này.

Trên thực tế cũng đã có trường đại học bỏ phương thức xét tuyển học bạ trong cơ chế tuyển sinh của trường. Ngoài ra, hiện nay cũng có nhiều trường đại học không xét thuần học bạ, thay vào đó các trường sử dụng thêm tiêu chí phụ để xét tuyển như: yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học sinh đạt giải quốc gia,... nhằm hạn chế tiêu cực.

Nhiều trường đại học đã sử dụng thêm tiêu chí phụ để xét tuyển thay vì xét thuần điểm học bạ. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhiều trường đại học đã sử dụng thêm tiêu chí phụ để xét tuyển thay vì xét thuần điểm học bạ. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Chẳng hạn, Trường Đại học Nha Trang, sau khi đưa hình thức xét tuyển bằng học bạ để xét tuyển vào trường lần đầu vào năm 2018, tuy nhiên sau đó trường này đã bỏ hình thức xét tuyển bằng học bạ.

Một số trường đại học tốp đầu cũng sử dụng thêm tiêu chí phụ bên cạnh học bạ để xét tuyển như: Trường Đại học Luật Hà Nội - dành 35% chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành 10-20% chỉ tiêu xét tuyển tài năng, trong đó có sử dụng kết quả điểm học bạ kết hợp với các giải thưởng quốc gia hay cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia do Bộ tổ chức, tham gia Olympic... và phỏng vấn để xét tuyển,...

Bàn luận về vấn đề lo ngại chất lượng thí sinh tuyển sinh bằng học bạ, Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn khẳng định điểm ở trung học phổ thông (điểm học bạ) chưa phải là yếu tố quyết định chất lượng sinh viên trên giảng đường đại học.

Theo vị chuyên gia này, trong những năm qua, việc xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông được nhiều thí sinh lựa chọn do tính chủ động cao, giúp các em giảm đi một phần áp lực trước kỳ thi trung học phổ thông.

“Thực tế nhiều năm theo dõi chất lượng sinh viên đại học của trường, tôi nhận thấy việc học ở trung học phổ thông và lên đại học hoàn toàn khác nhau. Khi lên đại học, các bạn sẽ đi theo hướng kiến thức chuyên sâu về ngành nghề mình chọn, việc học tốt ở bậc trung học phổ thông chỉ là một phần;

Phần quan trọng quyết định sự thành công của sinh viên ở giảng đường chính là việc sinh viên có thực sự đam mê ngành học mình chọn chưa. Sinh viên chọn đúng ngành cộng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân người học đó mới là yếu tố quan trọng giúp các bạn hoàn thành chương trình đại học hiện nay.

Do đó, điểm số trung học phổ thông chưa phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng sinh viên trên giảng đường đại học”, Thạc sĩ Cao Quảng Tư khẳng định.

Từ đây đặt ra bài toán, làm sao để các trường tăng chất lượng tuyển sinh khi có nhiều lo ngại về chất lượng học ở trường trung học phổ thông không được đánh giá trung thực ở một số nơi, Thạc sĩ Cao Quảng Tư chia sẻ một số kiến nghị các trường đại học cần nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu, từ đó thu hút sinh viên theo học:

"Theo cá nhân tôi, việc trao quyền chủ động cho các trường là một giải pháp phù hợp, việc còn lại là các trường đại học, cao đẳng sẽ phải làm sao để khẳng định thương hiệu, giá trị học thuật đối với các ngành mình đào tạo, chất lượng sinh viên ra trường đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Suy cho cùng, sinh viên ra trường được doanh nghiệp chào đón, có việc làm tốt, góp phần phát triển xã hội thì danh tiếng và chất lượng của trường sẽ được biết đến và thương hiệu ngày càng cao.

Khi thương hiệu đào tạo tốt, mang đến lòng tin cho xã hội thì chắc chắn các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng cả về chất lẫn về lượng trong tuyển sinh đó là quy luật tất nhiên. Thế nên các trường đầu tư nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đạo tạo theo xu thế thì sẽ thu hút được sinh viên".

Đầu tư nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đạo tạo là chìa khóa giúp các trường đại học nâng cao chất lượng tuyển sinh. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đầu tư nâng cao chất lượng, cập nhật chương trình đạo tạo là chìa khóa giúp các trường đại học nâng cao chất lượng tuyển sinh. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Cũng theo Thạc sĩ Cao Quảng Tư, từ năm 2022, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn - SIU chính thức áp dụng chương trình hướng nghiệp sớm. Mục tiêu của chương trình này là trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành ngay từ năm nhất thông qua việc “đảo ngược” chương trình đào tạo, đưa các học phần kỹ năng, ứng dụng nghề nghiệp lên trước. Từ đó giúp các bạn sinh viên định vị được năng lực cá nhân và sẵn sàng cho các cơ hội nghề nghiệp phía trước.

Ngoài ra, nhà trường còn chủ động tích hợp các khóa học chuyên ngành ngắn hạn, được thiết kế bởi các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, MIT…, vào lộ trình hướng nghiệp sớm, giúp các bạn tiếp cận nhiều hơn tri thức tiến tiến để làm hành trang cho sự nghiệp trong tương lai".

Doãn Nhàn