Thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM: Tuyệt đối đừng suy nghĩ học để qua môn

11/08/2022 06:58
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phạm Lê Tuyết Nhi chia sẻ, theo đuổi nghề dạy học, em luôn nhớ lời dạy của thầy giáo, rằng dạy học sinh phương pháp học quan trọng hơn là dạy kiến thức.

Với điểm GPA 3.91/4, Phạm Lê Tuyết Nhi đã trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Toán học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2021 - 2022.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tuyết Nhi cho biết: “Em rất xúc động và tự hào với thành tích mình đã đạt được. Châm ngôn sống của em là: “Nếu mình đã cố gắng mà chưa thành công thì mình cần phải cố gắng, cố gắng nhiều nhiều hơn nữa. Nếu đủ cố gắng thì mọi việc sẽ thành công”. Có lẽ vì vậy mà trong suốt những năm tháng đi học, em chưa bao giờ ngừng cố gắng. Và em thật sự vui mừng vì danh hiệu thủ khoa như trái ngọt đầu tiên mà em gặt hái được từ sự nỗ lực của bản thân”.

Phạm Lê Tuyết Nhi trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Toán học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Phạm Lê Tuyết Nhi trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Toán học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Nói về bí quyết học tập, nữ thủ khoa cho biết em tuyệt đối không được có suy nghĩ học chỉ để qua môn.

Bất kì môn nào cũng vậy, kể cả môn đại cương lẫn môn chuyên ngành, em đều dành toàn bộ sự tâm huyết của mình vào từng bài tập, cố gắng để sản phẩm của mình chỉn chu nhất có thể. Trong các giờ lý thuyết, em đều chăm chú nghe giảng và ghi chú kỹ càng những điều giảng viên chia sẻ.

Trước giờ bài tập, Tuyết Nhi luôn cố gắng hoàn thành toàn bộ bài tập được giảng viên giao và xem kĩ lại phần lý thuyết đã học. Nếu có phần nào khó quá, em sẽ tìm đọc thêm trong sách, tìm trên mạng hoặc hỏi bạn bè, nếu vẫn không làm được thì hôm sau em sẽ hỏi lại giảng viên.

“Cách duy nhất để học Toán là làm Toán”, Tuyết Nhi đã luôn áp dụng phương pháp học tập như thế trong suốt 4 năm qua.

Nhi sẽ dành buổi sáng để học ở trường, buổi trưa em sẽ tranh thủ ra quán cà phê để học nhóm cùng bạn, cùng thảo luận về đề tài nghiên cứu, buổi tối thì em đi dạy thêm, tối về em sẽ làm bài tập hoặc giải quyết các vấn đề còn dang dở. Việc chia nhỏ thời gian trong ngày và có kế hoạch chi tiết rõ ràng cho mỗi khung giờ giúp Nhi rất nhiều trong việc cân đối thời gian học tập.

Kỷ niệm khó quên về những người thầy “truyền lửa” nghề

Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học và làm quen với môn Toán cao cấp, Tuyết Nhi đã từng băn khoăn vì sao phải học những kiến thức quá “cao cấp” này, trong khi em chỉ cần đi dạy phổ thông, vốn dĩ chỉ cần phần Toán sơ cấp là được.

“Lúc ấy, thầy giáo em - Tiến sĩ Trần Trí Dũng đã nói một câu khiến em khắc ghi đến tận bây giờ: “Đồng ý nếu em không học những kiến thức này thì em vẫn có thể đi dạy, nhưng lúc ấy em chỉ là “người đi dạy” thôi.

Còn em muốn làm thầy, thì em phải hiểu sâu hơn tại sao có những kiến thức như vậy, em có thể không giảng giải những phần này với học sinh, nhưng bản thân em phải hiểu.”

Đó cũng là động lực khiến em muốn học thật kỹ, thật tốt các môn chuyên ngành, để có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về kiến thức mình sẽ dạy cho các em học sinh sau này.

Vào học kì 2 năm nhất, em còn được học với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân – cũng là người thầy hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của em sau này.

Thầy đã dạy cho em rất nhiều kiến thức bổ ích, dạy cho em biết rằng, dạy học sinh phương pháp học quan trọng hơn là dạy kiến thức. Muốn truyền được lửa cho học trò thì bản thân mình phải tràn đầy nhiệt huyết. Dạy học thì dễ, nhưng dạy sao để truyền được lửa đam mê cho học trò mới là điều khó.

Bất kì tiết học nào em cũng đều thấy lưng thầy ướt đẫm mồ hôi. Thầy dạy sinh viên bằng tất cả sự tâm huyết của mình, thầy tỉ mỉ chỉnh từng lỗi nhỏ và đưa ra lời khuyên cho từng sinh viên, thầy khuyến khích các bạn sinh viên dám hỏi, dám sai để rút kinh nghiệm.

Có lẽ nhờ sự nhiệt huyết, tận tâm nơi thầy nên em hiểu rất sâu các kiến thức thầy dạy và bài tập cũng làm được dễ dàng. Vì vậy mà 3 môn thầy dạy em đều được điểm tuyệt đối.

Thầy cũng chính là người truyền lửa cho em trên con đường nghiên cứu và giảng dạy, giúp em có quyết tâm hơn trên con đường trau dồi học vấn sau này”, Nữ thủ khoa tâm sự.

Phạm Lê Tuyết Nhi cùng thầy giáo của mình - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân. (Ảnh: NVCC)

Phạm Lê Tuyết Nhi cùng thầy giáo của mình - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân. (Ảnh: NVCC)

Tuyết Nhi cho biết thêm, ban đầu em lựa chọn nghề giáo chỉ đơn giản vì thích việc giảng giải cho người khác.

Để theo đuổi được nghề giáo, người giáo viên phải thực sự rất đam mê và nhiệt huyết với nghề, vì những khó khăn và áp lực của nghề giáo thật sự rất lớn. Cũng có nhiều lúc em tự hỏi bản thân rằng, liệu mình đã chọn lựa đúng chưa, đây có phải thật sự là đam mê của mình không?

Tuy nhiên, trong quá trình thực tập ở trường phổ thông, em đã nhận ra lựa chọn của mình là hoàn toàn sáng suốt.

Nữ thủ khoa chia sẻ: “Được đi dạy và được gần gũi các em học sinh mang đến cho em nhiều cảm xúc hạnh phúc. Các em học sinh rất giàu tình cảm và ngoan ngoãn. Được trở thành người khuyên bảo và giảng dạy kiến thức cho các em học sinh thật sự giúp em học được thêm rất nhiều điều, đặc biệt là sự nhẫn nại.

Ngoài ra, em còn nhận được tình cảm và các lời khuyên chân thành mang mục đích xây dựng từ các thầy cô đồng nghiệp, em cảm thấy rất vinh dự. Nghề giáo em chọn có thể còn “nghèo” vật chất, nhưng lại rất “giàu” tình cảm. Và em tin chắc rằng, lựa chọn theo nghề giáo là quyết định đúng đắn nhất của đời mình”.

Sau khi tốt nghiệp, một số cơ sở giáo dục ngỏ ý mời Tuyết Nhi về dạy. Tuy nhiên, em đang có kế hoạch tiếp tục học lên cao hơn để trải nghiệm, học hỏi được nhiều hơn.

Nữ thủ khoa ngành Sư phạm Toán học trong ngày lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Nữ thủ khoa ngành Sư phạm Toán học trong ngày lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Nhi cho biết, hiện tại bản thân đang theo học chương trình Thạc sĩ Pháp – Việt tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và nếu có cơ hội, Nhi sẽ tiếp tục xin học bổng PhD ở nước ngoài để trau dồi bản thân nhiều hơn nữa.

Nữ thủ khoa sư phạm Toán học cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên, nên dành toàn bộ sự cố gắng cho việc học ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học, đừng mang suy nghĩ “học qua môn”. Song song đó, các bạn cũng nên trau dồi thêm các kỹ năng mềm, kinh nghiệm sống thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc công việc làm thêm phù hợp.

Trong quá trình học tập, các bạn có thể cân nhắc những công việc phù hợp như làm gia sư hoặc trợ giảng cho các trung tâm giáo dục, vừa giúp bản thân trau dồi thêm kĩ năng mềm, vừa cho bản thân một nguồn thu nhập ổn định hằng tháng.

“4 năm vừa qua, em rất tự hào khi tên mình luôn đứng đầu trong danh sách nhận học bổng mỗi học kì với số điểm học tập cao nhất khoa. Ngoài ra, vào năm 2 em còn được nhận học bổng từ Viện Toán.

Năm học vừa qua, nhóm em đã đạt giải Nhất hội thi Thiết kế đồ dùng dạy học và học liệu số cấp khoa năm 2021-2022, đạt giải Nhì hội thi Nghiên cứu khoa học cấp khoa năm 2021-2022.

Song song đó, nhóm em cũng có viết báo khoa học và đang gửi đến các tạp chí khoa học trong và ngoài nước”, Tuyết Nhi chia sẻ thêm.

Phạm Minh