Vượt qua cú sốc “mất dần ánh sáng đôi mắt” bằng ý chí tự học
Nữ sinh Ma Thị Phương sinh năm 2001, dân tộc Tày ở tỉnh Thái Nguyên không may bị mất thị lực ở tuổi 15. Em được bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh khó chữa - viêm dây thần kinh thị giác, khiến cho bản thân dần không thể nhìn thấy ánh sáng dù đã được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi
Lúc nghe tin mình sẽ mất thị giác, Phương rất sốc: “Em loay hoay, vô định, bởi bản thân không phải người khiếm thị bẩm sinh, cú sốc ập tới, cả gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, thậm chí còn ra nước ngoài, thế nhưng mắt em ngày càng mờ dần và tắt hẳn ánh sáng".
Bản thân Phương không biết sẽ phải tiếp tục sống và học tập như nào khi đôi mắt không còn được nhìn thấy ánh sáng. "Khoảng thời gian đó, một loạt câu hỏi hiện ra trong đầu rằng: “Tại sao chuyện này lại xảy ra? Mình phải tiếp tục cuộc sống thế nào khi mắt không còn nhìn thấy?”, em thấy rất khổ tâm vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình", Phương nhớ lại.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phương cho biết, khi mới mắc bệnh, em đã bảo lưu kết quả học cấp 3 trong một năm để điều trị, thế nhưng đôi mắt của em không thể lấy lại ánh sáng.
Phương chia sẻ thêm: “Cũng trong thời gian bảo lưu đó, em đã tự mình tìm cách tiếp cận thiết bị điện tử, thông qua phần mềm đọc màn hình trên điện thoại, từ đó em lên mạng tìm kiếm thông tin, học cách cài đặt phần mềm đọc màn hình máy tính, cách tạo văn bản, tạo thư mục, đặc biệt là kỹ năng gõ bàn phím bằng 10 ngón tay, để có thể đến lớp cùng học với các bạn”.
Dù hoàn toàn không nhìn thấy gì, nhưng em Ma Thị Phương vẫn nỗ lực đến lớp học cùng các bạn khác, mang theo máy tính trong mỗi giờ học. Ảnh: NVCC |
Tháng 8/2017, Phương quay trở lại trường cấp 3 để tiếp tục việc học của mình, cùng chiếc laptop là hành trang không thể thiếu trong những buổi học. Nhờ chăm chú nghe giảng và kỹ năng đánh máy tốt, Phương đã sớm đuổi kịp các bạn trong lớp, nhanh chóng đạt được kết quả học tập rất tốt, cả 3 năm học, tổng điểm các môn đều trên 8,5.
Tuy nhiên Phương chia sẻ: “Điều khó khăn nhất mà em gặp phải chính là việc tiếp cận tài liệu bằng powerpoint, hay sách giáo khoa bởi em không thể nhìn thấy. Trong lúc học cũng không thể hỏi các bạn quá nhiều được, vì sẽ rất phiền và làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các bạn, nên em luôn cố gắng tập trung nghe giảng.
Có những buổi học môn Tin học, em không thể sử dụng được máy tính của trường vì thiếu phần mềm hỗ trợ đọc màn hình”.
Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phương làm hồ sơ xin xét học bổng toàn phần “Chắp cánh ước mơ” của Trường Đại học RMIT (cơ sở tại Hà Nội). Thế nhưng ôn luyện một thời gian, tự nhận thấy bản thân mình còn thiếu nhiều kỹ năng, cũng ít được tham gia các hoạt động ngoại khóa nên em đã quyết định không xin học bổng này nữa, để có thời gian rèn luyện, nâng cao, trau dồi cho bản thân nhiều kỹ năng tiếng Anh hơn.
Tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, Phương hiện tại là sinh viên lớp Công tác xã hội K18, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, là một trong 10 sinh viên được nhận học bổng toàn khóa của trường.
Phương hiện tại là sinh viên lớp Công tác xã hội K18, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC |
Tự nhận ra những giá trị đích thực của bản thân
Chia sẻ với phóng viên, Phương cho biết thêm: “Sở dĩ em chọn theo học ngành Công tác xã hội vì đây là ngành nghề có ý nghĩa trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc những người kém may mắn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn giống như em.
Thông qua đó em có thể giúp họ hòa nhập và có cuộc sống tốt hơn. Em nghĩ rằng bản thân đã chọn đúng ngành học, bởi không chỉ có cơ hội thay đổi số phận của chính mình mà còn có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ”, Phương chia sẻ.
Phương cho biết thêm: “Em cảm thấy vui nhất chính là bản thân mình được góp phần xây dựng cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội.
Ví dụ như trở thành cộng tác viên của dự án Cỏ ba lá, là điều khiến em cảm thấy tự hào, em luôn gắn bó với dự án trong suốt quá trình hoạt động xã hội của mình. Ở dự án này, em thường hỗ trợ phụ nữ khuyết tật sử dụng zoom (phần mềm gọi video dành cho các hoạt động học tập, hội họp trực tuyến), hay điều phối tổ chức các buổi tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân định kỳ hàng tuần, thi thoảng em cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn kinh doanh online cho phụ nữ khuyết tật”.
Cô gái giàu nghị lực chia sẻ thêm: “Em tự nhận ra rằng bản thân mình còn có rất nhiều giá trị trong cuộc sống. Ở thời điểm mới mắc bệnh, sau khi hết hi vọng về việc tìm lại ánh sáng đôi mắt, em đã chuyên tâm vào việc nghe sách về những nội dung liên quan đến vấn đề công tác xã hội; hay những câu chuyện về người khiếm thị thành công được phát trên các kênh phát thanh, kênh youtube, để bản thân có nhiều nguồn năng lượng tích cực hơn”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada - bà Mélanie Joly (bên trái) trò chuyện cùng sinh viên Ma Thị Phương trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên vào tháng 4/2022. Ảnh: NVCC |
Phương còn có sở thích đặc biệt là nghe sách văn học cổ điển, tâm lý học, cuốn sách đặc biệt truyền cảm hứng cho em nhiều nhất là sách của Tom Sullivan.
“Tom Sullivan truyền cho em rất nhiều động lực, bởi ông từng là một trong những sinh viên khiếm thị hiếm hoi tốt nghiệp trường đại học danh giá Harvard (Mỹ), ông trở thành đại sứ giúp người khiếm thị kết nối với thế giới bên ngoài để hòa nhập với cộng đồng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Phương nói.
Đối với Phương, hiện tại tiếng Anh chính là chìa khóa giúp bản thân có thể tiến đến cánh cửa du học.
“Em nhận thấy rất nhiều người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung thành công, trở thành tấm gương truyền cảm hứng. Nhiều người trong số họ nói tiếng Anh rất giỏi, dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ để truyền cảm hứng với cộng đồng quốc tế, trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới", Phương chia sẻ.
Cánh cửa du học chính là niềm ao ước của Phương: “Cá nhân em tự nhận thấy rằng nên đầu tư vào việc học nhiều hơn, về sau sẽ có cơ hội việc làm tốt. Việc này cũng sẽ giúp em có thể trở thành cán bộ chương trình, điều phối viên dự án của các tổ chức phi chính phủ - nơi em có thể truyền tải những năng lượng tích cực đến với mọi người nhiều hơn, để không chỉ hỗ trợ cho người khiếm thị nước mình mà còn cả trên thế giới”.
Nữ sinh Ma Thị Phương cho biết đang có dự định xét học bổng vào tháng 4/2023 của một trường đại học tại Tây Ban Nha.
Tháng 6/2021, Phương vinh dự được trở thành thành viên chính thức của ban chủ nhiệm dự án DEVI (tiếng Anh cho người khiếm thị, thuộc dự án giáo dục Hoa thủy tiên), dự án này đã tổ chức được 6 khóa học tiếng Anh trực tuyến trên khắp các tỉnh thành.
Không chỉ vậy, Phương còn tham gia vào nhiều khóa tập huấn truyền cảm hứng như: Khóa học Hate stop – Trạm ngưng biểu đạt thù ghét và một số khóa học khác...