Hải Phòng: Giáo viên ứng dụng thiết bị dạy học số với môn Công nghệ lớp 3

17/09/2022 06:35
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên tăng cường hoạt động thực hành và ứng dụng thiết bị dạy học số nhằm hình thành, phát triển năng lực và kĩ năng sử dụng công nghệ cho học sinh.

Ngày 16/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề dạy học môn Công nghệ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tới dự chuyên đề có ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ lớp 3, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề dạy học môn Công nghệ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề dạy học môn Công nghệ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu tại chuyên đề, bà Hoàng Thị Mai Hương – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết: “Năm học 2022-2023, là năm học thứ ba thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Với mục đích định hướng, thống nhất nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học các nội dung mới và khó trong chương trình các môn học.

Kịp thời tháo gỡ những khó khăn về chuyên môn và có giải pháp phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.

Ngay từ đầu năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng đã chỉ đạo các trường tổ chức nhiều các chuyên đề chuyên môn ở nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác nhau như: Toán, Tiếng Việt, Tin học, Tiếng Anh. Qua chuyên đề đã tổ chức thảo luận, rút kinh nghiệm để triển khai thực tế tại cơ sở.

Ngày hôm nay, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện chuyên đề: “Dạy học môn Công nghệ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Chương trình môn Công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ và những phẩm chất đặc thù trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường, xã hội và lựa chọn ngành nghề thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.

Đồng thời, cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung”.

Sách giáo khoa Công nghệ 3 được biên soạn trên cơ sở tiếp cận xu hướng quốc tế và được biên soạn dựa trên các quan điểm: bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phát triển năng lực, phẩm chất; kết nối thực tiễn; nhẹ nhàng, hấp dẫn, thiết thực.

Nội dung các bài học trong sách giáo khoa Công nghệ 3 được chia thành hai phần rõ ràng hướng tới việc hình thành và phát triển nhận thức và năng lực công nghệ, kĩ năng sử dụng công nghệ và thực hành mô phỏng một số đồ dùng thủ công.

Các hoạt động học tập được thiết kế giúp học sinh hứng thú với một môn học tuy mới lạ nhưng rất gần gũi với đời sống hàng ngày.

Và một trong những điểm mới của sách giáo khoa Công nghệ là kết nối giáo dục tài chính gắn liền với thực tiễn.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng nhấn mạnh: “Xác định tầm quan trọng của môn Công nghệ 3, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chuyên đề chuyên môn Dạy công nghệ lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để giúp giáo viên có những trải nghiệm trên thực tế.

Chúng tôi hy vọng qua tiết dạy minh hoạ của cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tác giả biên soạn sách và các chuyên gia tiếp tục chia sẻ, hướng dẫn cách triển khai, định hướng phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh trong môn học mới này”.

Cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng thực hiện tiết dạy minh hoạ môn Công nghệ 3 (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng thực hiện tiết dạy minh hoạ môn Công nghệ 3 (Ảnh: Phạm Linh)

Tại chuyên đề, cô giáo Lê Thị Thanh Mai cùng học sinh lớp 3A5 – Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) thực hiện tiết dạy minh hoạ Bài 3: Sử dụng quạt điện (tiết 2).

Tiết dạy minh họa “Sử dụng quạt điện” đặt ra mục tiêu giúp học sinh biết sử dụng quạt điện đúng cách và sử dụng an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, giáo viên đã lựa chọn nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau để thiết kế hoạt động học tập cho học sinh.

Mở đầu tiết học, giáo viên tổ chức trò chơi “Vệ sinh lớp học”, trong đó, học sinh sẽ trả lời câu hỏi liên quan đến kiến thức về các bộ phận của quạt điện để dọn phần rác tương ứng trên phần mềm mô hình rác trong lớp.

Thông qua trò chơi "Vệ sinh lớp học", học sinh được ôn tập lại kiến thức đã học về bộ phận quạt điện trong tiết học trước (Ảnh: Phạm Linh)

Thông qua trò chơi "Vệ sinh lớp học", học sinh được ôn tập lại kiến thức đã học về bộ phận quạt điện trong tiết học trước (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Lê Thị Thanh Mai điểm lại kiến thức trong tiết học trước (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Lê Thị Thanh Mai điểm lại kiến thức trong tiết học trước (Ảnh: Phạm Linh)

Tiếp đó, trong hoạt động khám phá, học sinh biết được cách sử dụng quạt điện đúng cách, nhận biết và phòng tránh những tình huống mất an toàn khi sử dụng quạt điện.

Đặc biệt, khi thể hiện những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng quạt điện không đúng cách, giáo viên đã sử dụng thiết bị dạy học số nhằm giúp học sinh có trải nghiệm thực tế (đảm bảo an toàn cho học sinh nên không thể tổ chức cho các em thực hành).

Học sinh thực hành sử dụng quạt điện đúng cách (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh thực hành sử dụng quạt điện đúng cách (Ảnh: Phạm Linh)

Thông qua những clip tình huống, học sinh biết được hậu quả khi sử dụng quạt điện không đúng cách như việc ngồi gần sát vào quạt điện có thể khiến tóc, quần áo bị quấn vào gây nguy hiểm hoặc khiến học sinh bị ho; khi thò tay vào quạt khi đang hoạt động sẽ khiến tay bị thương;…Từ đó, giáo viên hướng dẫn học sinh cách xử lý khi chẳng may xảy ra sự cố khi sử dụng quạt điện.

Xuyên suốt các hoạt động của tiết học, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn còn học sinh của lớp chủ động thực hiện các hoạt động.

PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ lớp 3, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Phạm Linh)

PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ lớp 3, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Phạm Linh)

PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ lớp 3, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống dành nhiều lời khen cho tiết dạy minh hoạ của cô giáo Mai và học sinh: "Nội dung tiết học của giáo Mai rất gần gũi mà đáp ứng câu mà chúng tôi đang kỳ vọng đó là làm sao để mỗi giờ dạy môn Công nghệ trở thành một giờ dạy nhẹ nhàng, hấp dẫn và thiết thực.

Giờ dạy hôm nay chỉ là một bối cảnh để chúng ta cùng nhau sinh hoạt một chuyên đề nhưng lại có rất nhiều ưu điểm.

Từ phần khởi động đầu tiên với một ý tưởng rất sáng tạo, lồng ghép tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường.

Đơn giản chỉ là việc dọn rác rồi ra các câu hỏi rồi tư tưởng sử dụng câu hỏi nhưng lại gắn kết được với bài học trước đó.

Tôi rất ấn tượng trong quá trình học sinh thực hành thì cô đi tới từng nhóm để đặt câu hỏi, quan tâm tới từng học sinh và phát hiện điều học sinh làm chưa đúng và có định hướng cho học sinh. Cô còn cố tình nói to để mọi người đều biết điểm nhấn trong quá trình các em thực hành.

Cô giáo Mai cũng bổ sung rất nhiều nội dung bên ngoài sách giáo khoa nhưng lại gắn với thực tiễn cuộc sống của các em học sinh, khai thác những trải nghiệm liên quan đến sử dụng các thiết bị công nghệ trong gia đình.

Cô còn sử dụng ứng dụng Tiktok để tìm những video nói về những nguy cơ, tai nạn khi sử dụng quạt điện gắn với thực tiễn, tạo ấn tượng mạnh với học sinh.

Đặc biệt, học sinh trong tiết học còn được đóng vai phóng viên để thực hiện giai đoạn củng cố của giờ lên lớp. Việc phỏng vấn giúp học sinh nhớ nội dung bài học và kết nối với trải nghiệm của các em trong gia đình.

Từ đó, tạo ra hiệu ứng rất tốt, rất nhẹ nhàng, phát triển nhiều năng lực của học sinh và hướng tới đạt được mục tiêu của giờ dạy này".

Phạm Linh