Lớp học sẻ chia nơi miền đất chè Suối Giàng giúp trẻ em tìm về văn hóa dân tộc

21/11/2022 06:43
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Hãy cho đi một phần mà bạn đang có” - Đó là thông điệp mà anh Đào Đức Hiếu gửi gắm qua lớp học sẻ chia nơi miền đất chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Hành trình xây dựng lớp học sẻ chia

Nuôi ước mơ mang trà đạo Việt Nam vươn ra thế giới, trên hành trình thực hiện ước mơ của mình, anh Đào Đức Hiếu (Giám đốc Không gian văn hóa Suối Giàng) đã đến hơn 30 quốc gia.

Tại những nơi đã đi qua, có cơ hội chứng kiến các em nhỏ ở nhiều đất nước được tạo điều kiện học tập, thậm chí các em còn được coi là một "chuyên gia du lịch nhí" của địa phương, anh Hiếu có thêm những ngẫm ngợi để từ đó nung nấu mong muốn giúp người dân Suối Giàng (Yên Bái) thoát nghèo bền vững thông qua con đường giáo dục.

Một buổi học đầy niềm vui của lớp học sẻ chia (Ảnh: Hoài Linh)

Một buổi học đầy niềm vui của lớp học sẻ chia (Ảnh: Hoài Linh)

Khi được hỏi về những khó khăn lúc mới xây dựng lớp học, anh Hiếu tâm sự: “Vạn sự khởi đầu nan, điều khó khăn nhất có lẽ là ngày đầu vận động các con đi học. Người dân Suối Giàng chủ yếu là dân tộc Mông, thuyết phục họ làm du lịch bền vững là rất khó, thuyết phục họ cho con đi học một lớp ngoại khóa còn khó hơn.

Nhưng tôi cứ kiên nhẫn vận động các em đến lớp. Lúc đầu chỉ có 3, 4 em đi học, rồi sau đó bọn trẻ tự bảo nhau, đã có lúc sĩ số của lớp học sẻ chia lên đến 108 em. Tôi vui mừng khi thấy các em từ bỡ ngỡ, ngại ngùng nay đã có thể tự tin giao tiếp, giới thiệu về vùng đất của mình cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Khó khăn thứ hai là về con người. Lần đầu lên Suối Giàng, tôi đã rất ngạc nhiên vì một miền đất chè nổi tiếng lại nghèo khó đến thế. Người dân chưa được tiếp cận với xu hướng làm du lịch mới, trẻ em ít được tiếp cận với giáo dục, có em còn không đến trường mà theo bố mẹ lên đồi làm chè.

Vì vậy, khi chia sẻ về giấc mơ phát triển Suối Giàng thông qua giáo dục, bạn bè tôi ai cũng nghĩ đó là chuyện không thể. Nhưng giữa lúc khó khăn ấy, may mắn có một người bạn tin tưởng, cô ấy dồn hết số tiền đang có để góp cùng tôi mở lớp học sẻ chia.

Có lớp rồi, chúng tôi lại thiếu giáo viên, ban đầu tôi mời các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái lên dạy cho các con, dần dần số lượng giáo viên cũng đông lên. Có giáo viên, chúng tôi lại trăn trở làm cách nào để vận động các con đi học đều hơn. Cũng may mắn là tôi được chính quyền xã ủng hộ, thầy cô các trường học ở đây giúp đỡ, khuyên bảo các con nên tham gia lớp, đến lớp thường xuyên hơn, vì thế sĩ số ngày càng tăng và luôn duy trì ổn định”.

Lớp học đậm màu sắc văn hóa dân tộc

Thành lập tháng 8/2020, lớp học sẻ chia được biết đến như một điểm giao lưu văn hóa giữa người dân bản địa và du khách thập phương. Những đứa trẻ sau phút đầu ngập ngừng giờ đây đã háo hức đến lớp, tiếng nói, tiếng cười vang vọng khắp không gian ấm cúng và đượm hương chè. Đó là cách một buổi học sẻ chia bắt đầu.

Ở đây, các em được học tiếng Anh, học kỹ năng sống, học về nghệ thuật sản xuất trà của địa phương như hái trà, sao, ướp trà; nghệ thuật thưởng trà như cách pha, cách mời trà.

Tất nhiên, các buổi học không thiếu nội dung về văn hóa dân tộc, đó là những câu hát, câu ca, là cách dệt vải thổ cẩm, hay đơn giản chỉ là một buổi truyền cảm hứng để các em tự hào về dân tộc mình.

“Dù là vùng đất nổi tiếng về chè nhưng người dân Suối Giàng hiếm ai biết đến nghệ thuật pha trà, thưởng trà. Các bé thường hỏi tôi tại sao đã có trà xanh rồi mà còn có cả trà vàng, trà trắng, hồng trà. Rồi cách mời trà của các em lúc đầu cũng hoàn toàn theo bản năng tự nhiên, có em để tay chân lấm lem mà pha trà mời khách”, anh Hiếu cười khi kể lại.

Tiết học Tiếng Anh của lớp học sẻ chia (Ảnh: Hoài Linh)

Tiết học Tiếng Anh của lớp học sẻ chia (Ảnh: Hoài Linh)

Em Vàng Thị Trang chia sẻ: “Em rất thích đến lớp học này bởi các thầy, cô của lớp dạy chúng em nhiều điều hay. Em được gặp bạn bè, được học về cách bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và giới thiệu những nét đặc sắc đó cho mọi người. Sau mỗi buổi học, em càng cảm thấy tự hào về dân tộc Mông cũng như quê hương mình hơn”.

Trò học, thầy cũng học

Nhận thấy trẻ em ở vùng đất Suối Giàng không có điều kiện được tiếp xúc với tiếng Anh và những kiến thức mới, anh Đào Đức Hiếu mời thêm các tình nguyện viên, liên hệ với các trung tâm quốc tế để dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống,... cho các em.

“Thầy cô của lớp học được chọn lọc từ sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Có thầy cô tôi được bạn bè giới thiệu, kết nối, nhưng cũng có thầy cô tình cờ biết thông tin về lớp học ở Không gian văn hóa Suối Giàng, bày tỏ sự thích thú và tự nguyện mong muốn tham gia. Đôi lúc, khách du lịch có người là giáo sư, tiến sĩ lên đây nghỉ dưỡng cũng trở thành "giáo viên thỉnh giảng" của lớp học.

Cùng với đó, chúng tôi liên kết với một trung tâm Anh ngữ đưa giáo viên nước ngoài lên dạy cho các con. Đồng thời, chúng tôi cũng liên hệ với các trường quốc tế để tổ chức hoạt động ngoại khóa ở Suối Giàng, như thế các học sinh miền xuôi được trải nghiệm cuộc sống thôn bản, còn các bạn nhỏ ở Suối Giàng lại được giao lưu, kết nối với các bạn cùng trang lứa ở thành phố”, anh Hiếu nói.

Lớp học sẻ chia trở nên đặc biệt bởi sự tương tác hai chiều của cả thầy và trò. Thầy học về văn hóa bản địa, trò học cách gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, học cách làm du lịch. Sự sẻ chia đầy nhân văn ấy đã khiến lớp học trở nên vui vẻ, sôi nổi và ngập tràn những tiếng cười, nói.

Sau mỗi buổi học, các em không chỉ tích lũy thêm những kiến thức mới mà còn hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc mình, hiểu về tình yêu, sự chia sẻ, triết lý sống mà sách vở chưa đề cập đến. Lớp học không nặng nề, gò bó, không có điểm số nhưng lại là cầu nối cộng đồng, nối người miền ngược với người miền xuôi, nối thế hệ trước với thế hệ sau, nối bản sắc văn hóa với trách nhiệm của những người trẻ.

Buổi học vẽ ước mơ của các em bé Mông (Ảnh: Hoài Linh)

Buổi học vẽ ước mơ của các em bé Mông (Ảnh: Hoài Linh)

“Trách nhiệm gìn giữ văn hóa không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Yêu quý, trân trọng và khao khát bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc đã thôi thúc tôi tổ chức lớp học này. Không một nền văn hóa nào có thể tồn tại nếu không có thế hệ kế cận gìn giữ. Nhưng để gìn giữ được thì phải yêu, phải quý và phải có cả kiến thức.

Lớp học sẻ chia không đặt mục tiêu các em phải trở thành những học trò có thành tích xuất sắc mà chỉ mong các em hiểu về văn hóa dân tộc trong sự phát triển của đất nước, để từ đó các em tự ý thức bảo tồn những nét đẹp truyền thống của đồng bào mình và biết bảo vệ vùng chè, đặc biệt là bảo vệ môi trường trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch”, anh Đào Đức Hiếu tâm sự.

Những hướng đi mới trong tương lai

Không gian văn hóa Suối Giàng đang ấp ủ dự định xây dựng mỗi thôn, bản một lớp học sẻ chia để các phụ huynh không phải vất vả đón đưa và cũng là để các con không phải chịu mưa, chịu rét cả một quãng đường dài khi đến lớp khi thời tiết không thuận lợi.

Anh Đào Đức Hiếu cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xây dựng lớp học sẻ chia thứ 2 ở Páng Cang, bản cổ nhất ở Suối Giàng. Lớp học đã hoàn thiện thô, đã có đèn, bàn ghế, tủ sách cho các con. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm một số thiết bị khác như máy chiếu, quạt, kệ vẽ để các bé được học tập tốt nhất.

Tôi mong từ lớp học thứ nhất, lớp học thứ 2 rồi chúng tôi sẽ sớm xây dựng được lớp học thứ 3, thứ 4... để tất cả em học sinh ở Suối Giàng ai cũng được đến lớp. Chúng tôi cũng muốn kết nối thêm với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tình nguyện đa quốc gia lên đây giao lưu, chia sẻ cùng các con những kiến thức mới, để các con biết đến những nền văn hóa khác”.

Khơi dậy yêu thương, lan tỏa tình nhân ái đã trở phương châm mà lớp học sẻ chia theo đuổi. Dẫu có những khó khăn bước đầu nhưng với sự ủng hộ của chính quyền huyện Văn Chấn cùng nỗ lực không ngừng của đội ngũ điều hành Không gian văn hóa Suối Giàng, lớp học sẻ chia sẽ còn tiếp tục duy trì và phát triển, để những thế hệ trẻ của đồng bào Mông được tiếp cận với những kiến thức mới, cũng là để ươm tình yêu, gieo mầm bản sắc dân tộc cho các em.

Hoài Linh