Hiệu trưởng mầm non đỗ qua thi tuyển: "Lúc đầu tôi tham gia với tâm thế e dè"

16/11/2022 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, Ba Đình) đã có những chia sẻ xoay quanh đề án phát triển nhà trường trong kỳ thi tuyển.

Tháng 5 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở. Theo đó, các thí sinh sẽ phải trải qua hai phần thi: lý thuyết và trình bày đề án.

Tại cấp mầm non, có bốn ứng viên dự tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình). Kết quả, cô Nguyễn Thị Thanh Hương (sinh năm 1985, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương) đã trúng tuyển Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, người có tuổi đời trẻ nhất trong số các ứng viên.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Hương có những chia sẻ về đề án phát triển nhà trường trong kỳ thi tuyển vừa qua.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương trong giờ đón học sinh đến lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương trong giờ đón học sinh đến lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phóng viên: Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, bản thân cô đã nghiên cứu, chuẩn bị nội dung đề án ra sao để phù hợp với sự phát triển của nhà trường?

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương: Trước đây việc bổ nhiệm chức vụ, vị trí hiệu trưởng là thông qua giới thiệu, quy hoạch từ chức danh phó hiệu trưởng. Vì vậy, thi tuyển chức danh hiệu trưởng là việc hoàn toàn mới mẻ, lúc đầu tôi tham gia với tâm thế khá e dè.

Bản thân tôi đã nghiên cứu rất kỹ các nội dung yêu cầu trong công văn, đề án thi tuyển hiệu trưởng của Ủy ban nhân quận Ba Đình cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Trong đó, những thông tin, tài liệu liên quan đến Trường Mầm non Sao Mai đã giúp thí sinh có cái nhìn tổng quát về nhà trường.

Sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu, tôi chủ động xây dựng đề án bám sát với thực tế của ngành giáo dục quận Ba Đình, và thực tế của Trường Mầm non Sao Mai để đề án mang tính khả thi nhất.

Theo quy trình thi tuyển, tôi và các ứng viên khác phải trải qua hai vòng. Vòng một thi lý thuyết về kiến thức chung và kiến thức riêng của giáo dục mầm non; Vòng hai ứng viên viết đề án và trả lời câu hỏi của Hội đồng giám khảo, thuyết trình, bảo vệ đề án độc lập.

Khi xây dựng đề án, tôi đã rất tâm huyết khi đặt mình vào vị trí, vai trò của giáo viên, học sinh và phụ huynh mong muốn điều gì ở trường học. Từ đó, tôi đưa ra 3 nhóm giải pháp phù hợp nhằm xây dựng nhà trường phát triển bền vững, xây dựng trường mầm non hạnh phúc.

Tất cả nhằm để giáo viên và trẻ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, với phụ huynh thì yên tâm gửi con tại trường.

Phóng viên: Trong đề án dự thi của mình, cô muốn hướng đến những vấn đề nào và nội dung trọng tâm là gì?

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương: Trong nội dung đề án, tôi hướng tới việc phát triển nhà trường theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu nhà trường với các giá trị như yêu thương, tôn trọng và hợp tác, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của nhà trường.

Tôi chú trọng về nội dung mối quan hệ giữa cán bộ quản lý với giáo viên - nhân viên, phải làm sao tạo môi trường làm việc thoải mái nhưng nghiêm túc. Lãnh đạo nhà trường phải cùng đồng hành để họ không thấy áp lực trong công việc, trong khi cơ chế đãi ngộ còn hạn hẹp.

Ngoài những quy định cứng phải thực hiện, tôi cũng chỉ ra việc cần làm ngay trong quyền hạn để làm cho đội ngũ được tốt hơn. Ví như, phải làm sao để cô giáo có được tâm lý thoải mái, hạnh phúc thì trẻ mới hạnh phúc.

Phóng viên: Cô đánh giá như thế nào về 3 ứng viên cùng tham dự với mình trong kỳ thi tuyển? Bản thân cô có tâm lý ra sao trong quá trình thi tuyển?

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương: Với các ứng viên tham dự, tôi đánh giá họ là những người rất giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm trên cương vị là người quản lý. Họ cũng rất tâm huyết với nghề, có sự tự tin, bản lĩnh.

Bản thân tôi là người trẻ nhất nhưng có thuận lợi khi đã làm việc tại Trường Mầm non Hoa Hướng Dương. Đây là một ngôi trường cũng có bề dày về thành tích trong giáo dục mầm non quận Ba Đình, điều này cũng phần nào giúp tôi tự tin hơn.

Trong quãng thời gian xây dựng đề án và chuẩn bị tâm thế cho đợt thi tuyển, tôi đã cố gắng, nỗ lực bằng chính khả năng của bản thân, đem hết tâm huyết để có một đề án mang tính khả thi và phù hợp nhất với Trường Mầm non Sao Mai.

Phóng viên: Trước đây, cô đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, vậy ở cương vị mới cô nhận thấy sự khác biệt như nào về công việc và trách nhiệm đang gánh vác?

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương: Tôi nhận thấy 2 vị trí vô cùng khác nhau, khi còn là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, tôi phụ trách chuyên môn giáo dục của nhà trường, đó là mảng gắn liền với công tác nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.

Ở cương vị mới, Cô Hương phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề để phát triển nhà trường. (Ảnh: NVCC)

Ở cương vị mới, Cô Hương phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề để phát triển nhà trường. (Ảnh: NVCC)

Khi đó, thực hiện công tác quản lý chuyên môn dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng nhà trường, tôi cũng tham mưu đề xuất với hiệu trưởng những nội dung công việc được phân công phụ trách.

Nhưng hiện nay với cương vị là người đứng đầu, tôi phải chịu trách nhiệm chung trong toàn bộ các hoạt động của nhà trường, đảm bảo nhà trường thực hiện theo đúng quy định của ngành. Đồng thời, đưa ra hướng phát triển cho nhà trường dựa trên điều kiện thực tế.

Ở cương vị lãnh đạo nhà trường, bản thân tôi đang gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề, áp lực của công việc nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi luôn và sẽ cố gắng vượt qua.

Phóng viên: Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, cô có ý kiến như thế nào về đề xuất trên. Cô có thể chia sẻ về công việc, cuộc sống của các giáo viên trong trường hiện nay?

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương: Tôi nhận thấy đây là đề xuất vô cùng chính đáng, kịp thời trước thực tế hiện nay. Bởi đã có hàng loạt giáo viên, nhân viên, thậm chí là cán bộ quản lý tại nhiều trường mầm non xin nghỉ việc, do đồng lương không đủ trang trải cuộc sống của họ.

Giáo viên mầm non chúng tôi là cấp học vô cùng vất vả và phải chịu rất nhiều áp lực, khi thời gian làm việc thực tế đến hơn 10 giờ/ngày.

Hiện nay, lương của giáo viên mới ra trường tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng. Mức lương này đang ngang với mức lương của cá nhân tôi trên cương vị hiệu trưởng trường mầm non công lập với 14 năm công tác.

Tại Trường Mầm non Sao Mai, mức lương của giáo viên mới đỗ viên chức trong khoảng 3,5 triệu đồng, và mức lương 8 triệu đồng với giáo viên từ 20 năm công tác trở lên. Thực tế, trong trường còn có rất nhiều giáo viên có cuộc sống khó khăn với mức thu nhập như hiện nay để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Bởi vậy, nếu giáo viên trong các trường mầm non công lập không sớm được tăng lương, không được tăng phụ cấp, tôi e nhiều trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi thiếu giáo viên đứng lớp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn cô!

Mạnh Đoàn