"Có con trong độ tuổi mầm non, tôi cảm nhận rõ nỗi vất vả của GVMN"

08/11/2022 10:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH Hà Ánh Phượng lo ngại, nếu không tăng lương và phụ cấp sớm, sẽ khó khăn trong tuyển dụng và đảm bảo chất lượng GDMN trước yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT.

Không tăng lương, phụ cấp có thể khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên mầm non

Bên cạnh đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên mầm non cần được đặc biệt quan tâm hơn, bởi quỹ thời gian và tâm sức bỏ ra để chăm sóc một đứa trẻ đã không mấy dễ dàng, lại càng vất vả hơn khi chăm cả một lớp.

Chính vì vậy, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị trước Quốc hội, nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt, đối với giáo viên mầm non, tăng từ 35% lên tối thiểu 70%.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ bày tỏ: “Tôi đồng ý và đánh giá cao kiến nghị của Bộ trưởng trước Quốc hội. Tôi mong kiến nghị này sớm trở thành hiện thực để các cô giáo mầm non yên tâm công tác”.

“Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, sẽ khó thu hút và tuyển dụng nhân sự mới vào đội ngũ lao động này và để các thầy cô đang công tác có thể chuyên tâm với nghề” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ ủng hộ kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70%. (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ ủng hộ kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70%. (Ảnh: NVCC).

Trong một bài dạy tiếng Anh có liên quan đến chủ đề công việc, tôi có cho học sinh điền bảng khảo sát về định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai, không em nào lựa chọn mục giáo viên mầm non. Khi tôi hỏi các em thì tôi nhận được các câu trả lời rất vô tư của nhiều em, điều này phản ánh nhận thức hiện tại của các em về giáo viên mầm non đó là “vất lắm”, “khổ lắm”, “thấp hơn lương công nhân” “đi làm cả ngày không được về buổi trưa”…

Phần lớn nhiều em bày tỏ là lương giáo viên mầm non thấp, mà phải trông trẻ cả ngày rất vất vả, bản thân bị bó hẹp, nên không mấy mặn mà, không nhiệt tình.

Với góc nhìn của một cô giáo đang trực tiếp dạy trung học phổ thông, tiếp xúc định hướng nghề nghiệp với nhiều học sinh, tôi nhận thấy, học sinh của mình lựa chọn ngành giáo viên mầm non đang dần ít đi so với những khóa học sinh trước.

Tôi e rằng, nếu thực sự không có chính sách đãi ngộ, sẽ khó tuyển dụng hoặc chiêu sinh ngành sư phạm mầm non ở các trường đại học, đặc biệt là các bạn “gen Z” hiện nay. Bởi lẽ, các bạn trẻ “gen Z” ngày nay rất năng động, có thể kiếm tiền ở nhiều công việc khác nhau, nên tôi e rằng, không nhiều em sẽ lựa chọn ngành nghề này - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ bày tỏ nỗi lo lắng.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng cũng chia sẻ thêm: “Dưới góc nhìn của một người mẹ đang có con trong độ tuổi mầm non, tôi cảm nhận rõ rệt nỗi vất vả của đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt những thầy cô giáo đang công tác ở khu vực miền núi, giáo viên mầm non, khi là mẹ của nhiều đứa trẻ trong lớp.

Với giáo viên hợp đồng, lương có thể chưa đến 3 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều cô vẫn gắn bó, tôi nghĩ nếu giáo viên không thực sự yêu nghề, chắc chắn sẽ khó gắn bó nhất là trong bối cảnh ngày nay nền kinh tế số đang phát triển rộng rãi từ thành phố tới nông thôn và khu vực miền núi tạo nhiều cơ hội việc làm cho nhiều người, trong đó có các thầy cô giáo”.

Giáo dục mầm non hiện tại cũng đã áp dụng nhiều phương pháp dạy mới, đòi hỏi giáo viên phải tự đổi mới. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

Giáo dục mầm non hiện tại cũng đã áp dụng nhiều phương pháp dạy mới, đòi hỏi giáo viên phải tự đổi mới. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

“Số liệu mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cung cấp về số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non. Đây là vấn đề rất đáng báo động!

Nếu với mức lương không đáp ứng được cuộc sống, các cô giáo mầm non khó có thể chuyên tâm công tác, sau giờ học, các cô còn phải tiếp tục làm thêm các công việc để mưu sinh.

Nhiều lúc như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe và thời gian để tự học và phát triển chuyên môn trong khi việc tự học và phát triển chuyên môn là hoạt động rất quan tại các trường nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang diễn ra ở các cấp” - nữ đại biểu chia sẻ.

“Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023. Báo cáo về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khái quát, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó, chỉ có tiêu chí duy nhất chưa đạt, chính là năng suất lao động.

Năng suất lao động có thể do nhiều yếu tố chi phối, tuy nhiên, dưới góc nhìn của một giáo viên tôi cho rằng khi phải phân tán sức lực, thời gian vào nhiều mảng, nhiều nhiệm vụ khác nhau, công việc trong và sau giờ lên lớp, nhất là nhiều thầy cô còn phải mưu sinh làm thêm nhiều việc khác nhau có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính" - Đại biểu Hà Ánh Phượng phân tích thêm.

Giáo viên cần môi trường không “bó buộc”

Để đáp ứng và thu hút thêm giáo viên trong giai đoạn này, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng cho rằng: “Bên cạnh chính sách tiền lương, thì môi trường làm việc, khối lượng công việc được giao đúng trọng trách, nhiệm vụ của họ, những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên có thể phát huy năng lực sáng tạo của mình cũng rất quan trọng”.

Giáo viên cần những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên có thể phát huy năng lực sáng tạo. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

Giáo viên cần những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội để giáo viên có thể phát huy năng lực sáng tạo. (Ảnh minh họa: Mộc Trà).

“Trước đây, có nhiều giáo viên chia sẻ, họ khó phát huy sự sáng tạo khi phải soạn giáo án theo một khuôn mẫu tốn nhiều thời gian, nhưng không thấy cải thiện chất lượng học tập của học sinh hoặc đôi lúc phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên nhiều lúc phải đem việc về nhà.

Tất cả những điều đó khiến giáo viên phải đứng trước muôn vàn áp lực.

Trên thực tế, có những giáo viên nghỉ việc không phải chỉ vì lương thấp, mà có thể còn do nhiều áp lực khác hoặc có nhiều điều hấp dẫn ngoài kia hơn là công việc họ đang làm. Nghe thì có vẻ không thực tế, nhưng điều đó lại đang xảy ra với nhiều thầy cô giáo giỏi muốn thay đổi định hướng của bản thân và những áp lực vô hình gần đây” - nữ đại biểu lý giải thêm.

Mộc Trà