Chiều ngày 18/11, tại Hà Nội, đại diện Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban đã đến chúc mừng Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đến thăm Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga gửi lời chúc sức khỏe đến Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đồng thời chia sẻ những cảm xúc trân quý, biết ơn vì thầy đã luôn đồng hành cùng Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Cũng trong buổi gặp gỡ, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đã chia sẻ những trăn trở về ngành giáo dục, kỳ vọng Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy vấn đề xây dựng phát triển nhà trường và đào tạo giáo viên.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, chúng ta đang phát triển kinh tế xã hội, khát vọng đưa đất nước phát triển lên tầm cao, có nhiều chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân nhưng vẫn còn thiếu yếu tố bền vững.
Thiếu bền vững vì giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu nhưng chúng ta làm chưa tới, chưa có sự đầu tư xứng tầm.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, muốn đất nước phát triển phải dựa vào giáo dục và khoa học công nghệ. Chúng ta không nên chạy đua theo các sản phẩm, mà phải tìm chiến lược thích ứng với đất nước mình để đất nước phát triển nhanh nhất, hiệu quả kinh tế cao.
Khoa học công nghệ muốn phát triển phải có con người, và tất cả mọi lĩnh vực đều cần đến yếu tố con người – điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo.
“Đất nước ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, điều này là rất cần thiết và vô cùng quan trọng, nhưng nếu việc “trồng người” làm chưa tốt thì chưa giải quyết được gốc vấn đề.
Thời gian tới, chúng ta cần chú trọng rèn luyện, đào tạo những người tử tế hướng đến khát vọng đất nước thay vì chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân.
Chiến lược phát triển giáo dục của chúng ta hiện nay chưa xuất phát từ người dân, vì người dân và những nhu cầu phát triển cấp bách của đất nước mà nhiều khi lại vì những điều quá lớn lao, không sát thực tế.
Chúng ta còn tư tưởng bao cấp, xin cho, chúng ta còn nặng vào bằng cấp, nặng về điểm số, hơn nhau ở thứ bậc chứ không phải hơn nhau ở sự cống hiến” thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ những trăn trở.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để tạo ra sự phát triển trong ngành giáo dục hiện nay thì vai trò của trường học phải được đặt lên đầu tiên, là số một.
Các doanh nghiệp hiện nay được tự chủ, nhà nước có nhiều chính sách, tạo điều kiện cho họ phát triển, trong khi đó, giáo dục của chúng ta, các nhà trường chưa có được quyền tự chủ thực sự.
Ngay cả trường đại học đáng lẽ phải được tự chủ từ lâu rồi nhưng đến nay, các trường đại học vẫn đang loay hoay.
Chúng ta nói đến xây dựng trường học hạnh phúc nhưng khái niệm hạnh phúc vẫn còn rất chung chung, trường học phải có được sự tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo – đây là 4 yếu tố tập trung để nhà trường phát triển.
Và thêm một điều quan trọng nữa là phải có chất lượng đội ngũ, từ hiệu trưởng đến giáo viên. Chúng ta phải quan niệm đào tạo nên những hiệu trưởng giỏi, chọn lọc và đãi ngộ họ như đãi ngộ với giám đốc doanh nghiệp.
Trao cho trường quyền tự chủ, từ xây dựng chương trình, tuyển chọn tuyển dụng giáo viên đến tài chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho. Khi đó, trường học sẽ phát triển, chất lượng giáo dục đi lên, đời sống giáo viên cũng được nâng cao.
Tăng quyền tự chủ phải đi cùng với trách nhiệm, nếu ai tham ô, lãng phí sẽ phải chịu trách nhiệm. Đó là con đường để giáo dục đi lên, phát triển.