Đổi mới kiểm tra Ngữ văn: Giáo viên cần tôn trọng các cách hiểu của học sinh

29/10/2022 06:49
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, cách dạy và học cũng phải đổi mới cho lính hoạt, kích thức sự sáng tạo của học trò. 

Theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học đối với môn Ngữ văn, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tại nhiều trường phổ thông, các thầy cô bộ môn Ngữ văn đã và đang đổi mới phương pháp dạy học trên lớp để hạn chế tối đa những khó khăn ban đầu cho các em học sinh khi thực hiện yêu cầu về cách kiểm tra, đánh giá mới.

Đề kiểm tra có sự phân loại học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cách ra đề kiểm tra Ngữ văn theo chương trình mới, cô Đặng Thị Thanh Ngân, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ:

“Căn cứ vào yêu cầu kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, căn cứ Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, căn cứ vào thực tế tình hình giảng dạy và đối tượng học sinh Trường Trung học phổ thông Kim Liên, tổ Ngữ văn nhà trường đã cùng nhau xây dựng ma trận câu hỏi và cấu trúc đề kiểm tra giữa học kì 1 kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận.

Theo đó, cấu trúc đề kiểm tra Ngữ văn cho học sinh Trường Trung học phổ thông Kim Liên theo yêu cầu, kiểm tra đánh giá mới có đầy đủ các mức độ đánh giá năng lực của học sinh học sinh từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Trong đó sự phân loại học sinh thể hiện ở những câu hỏi yêu cầu vận dụng cao chiếm tỉ lệ 10 - 20%”.

Tiết thao giảng môn Ngữ văn của giáo viên Trường Trung học phổ thông Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh:Trường Trung học phổ thông Kim Liên

Tiết thao giảng môn Ngữ văn của giáo viên Trường Trung học phổ thông Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh:Trường Trung học phổ thông Kim Liên

Bên cạnh đó, cô Ngân cũng cho biết thêm về những nguồn tài liệu quan trọng giúp tổ Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Kim Liên ra đề kiểm tra.

“Trong cuộc họp tổ chuyên môn, tổ Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Kim Liên đã cùng nhau trao đổi cũng như nghiên cứu về cách ra đề kiểm tra Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho các em học sinh.

Trong đó, chúng tôi đánh giá tài liệu quan trọng nhất chính là các hướng dẫn trong cuộc họp giáo vụ đầu năm học do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức vào tháng 8/2022 vừa qua.

Chúng tôi cũng nghiên cứu các tài liệu tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa Ngữ văn 10 bộ Cánh diều.

Các câu hỏi tự đánh giá sau mỗi bài học trong sách giáo khoa và hướng dẫn ôn tập cuối kì cũng là một nguồn tài liệu tham khảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng trao đổi và sưu tầm các đề minh hoạ từ các đồng nghiệp ở các trường khác để có đề kiểm tra phù hợp và tốt nhất cho các em”.

Cô Ngân cùng các thầy cô trong tổ Ngữ văn và lãnh đạo nhà trường tin rằng, các em học sinh của trường sẽ nhanh chóng hoà nhịp được với chương trình mới, phương pháp mới với những cách thức ra đề mới bởi đặc thù của học sinh Trường Trung học phổ thông Kim Liên đa số đều là những em khá, giỏi và rất năng động, sáng tạo.

Tôn trọng các cách hiểu của học sinh để kích thích sáng tạo

Cũng chia sẻ về cách giảng dạy theo chương trình mới, thầy giáo Phan Văn Huấn, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm, quận Long Biên, Hà Nội nêu quan điểm:

“Theo chương trình mới, với yêu cầu về cách dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn thì tôi nghĩ rằng giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi không phải giáo viên nào cũng có thể thích ứng với yêu cầu dạy học của chương trình mới ngay, do đã quá quen với cách dạy học theo chương trình trước đây. Tuy nhiên, chương trình mới sẽ giúp học sinh sáng tạo, bớt "máy móc" về tư duy bởi không còn cần phải học thuộc, học tủ hay học vẹt từng chữ, từng đoạn nữa”.

Thầy Huấn cho rằng, quan trọng nhất trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải rèn luyện cho các sinh kỹ năng tự học và tìm tòi nghiên cứu, từ kỹ năng này sẽ giúp các em hình thành được năng lực học và làm văn, các kỹ năng đó chính là "chìa khóa vạn năng" để mở mọi cánh cửa văn chương.

Bên cạnh đó, thầy Huấn cũng cho rằng, mỗi giáo viên cần xây dựng phiếu học tập cho học sinh theo 3 lớp câu hỏi: hiểu và biết; phân tích và lí giải; liên hệ và vận dụng. Hệ thống câu hỏi phải hay và nhất quán theo thể loại. Mỗi thể loại cần xây dựng một bộ kỹ năng riêng.

Khi xây dựng bộ kỹ năng phải đảm bảo hai yếu tố là đáp ứng được việc dạy tác phẩm theo thể loại và học sinh vẫn có khả năng cảm thụ, bình giảng chi tiết đặc sắc theo hướng chuyên sâu.

Ví dụ, khi dạy thể loại truyện, cần xây dựng các bộ kỹ năng sau cho học sinh: tóm tắt, phân tích cốt truyện; tình huống truyện; bình giảng các chi tiết tiêu biểu; phân tích, đánh giá nhân vật; phân tích các yếu tố nghệ thuật; rút ra bài học, thông điệp; tổng kết nội dung. Hay dạy thể loại thơ thì cần có bộ kỹ năng: thể thơ, tác dụng; phân tích ý thơ; bình giảng câu thơ đặc sắc; phân tích đặc sắc nghệ thuật; thông điệp; cách đọc thơ.

Cũng theo thầy Huấn, để mỗi tiết học Ngữ văn được thành công thì giáo viên nên cho học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, cảm nhận của mình sau khi đọc văn bản và giáo viên cần tôn trọng cách nghĩ, cách hiểu của học sinh.

Sau đó giáo viên mới chia sẻ cách hiểu của mình, của những hướng dẫn bài giảng thì học sinh sẽ có sự so sánh, có sự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Từ cách dạy này, các em cũng học được nhiều kỹ năng và thói quen: sáng tạo, bày tỏ quan điểm...

Sau mỗi buổi học, giáo viên nên kiểm tra đánh giá học sinh theo bộ kĩ năng đã xây dựng và cố gắng có những câu hỏi mở thật thú vị để kích thích các em học sinh sáng tạo.

Trà My