Những việc cần làm ngay để chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả

19/09/2021 06:58
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phát động tối 12/09/2021 đã mang lại hy vọng cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa.

Suốt gần 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, trong đó giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Rất may, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin, sau một vài lúng túng ở thời điểm ban đầu, ngành giáo dục đã kịp thời thích ứng và triển khai mô hình dạy và học trực tuyến khá bài bản, bước đầu có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh trên cả nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình giáo dục mới này do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có thiết bị cũng như đường truyền internet để kết nối.

Học sinh học trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: P.N

Học sinh học trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: P.N

Hiện có 1,5 triệu học sinh ở 26 tỉnh, thành đang phải học trực tuyến nhưng chưa có máy tính, theo thống kê đến ngày 12/9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước thực tiễn đó, lễ phát động trực tuyến chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tối 12/09/2021 kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Sự kiện này đã mang lại hy vọng cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa, nơi còn khó khăn cơ hội học tập tốt hơn khi được trao tặng các thiết bị để có thể tham gia học trực tuyến, để thực sự "không có ai bị bỏ lại phía sau".

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi lễ, chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, hạn chế khó khăn cho các em học sinh.

Dư luận hi vọng chương trình sẽ mở ra quyền tiếp cận giáo dục theo phương thức trực tuyến của các học trò nghèo sẽ được đảm bảo. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cũng đã và đang tiếp tục đóng góp vật lực, tài lực để cùng Chính phủ và ngành giáo dục hiện thực hoá lời kêu gọi đầy nhân văn của Thủ tướng qua chương trình đầy ý nghĩa này. Tuy nhiên, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả tối đa, tránh hình thức, thiết nghĩ các nhà tổ chức cần lưu ý tới một số vấn đề sau.

Thứ nhất, dù là chương trình từ thiện nhưng vì có liên quan trực tiếp đến trẻ em ở độ tuổi đến trường, là tương lai của đất nước, nên nhất thiết cần chú ý tới chất lượng của máy tính, máy tính bảng được trang bị cho các em. Không thể chỉ vì mục tiêu “giá rẻ” mà đánh đổi chất lượng sản phẩm, bởi lẽ thiết bị học trực tuyến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực, sức khoẻ cũng như trải nghiệm, chất lượng học tập của học sinh. Để hài hoà giữa chất lượng, số lượng và giá thành, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt, có trách nhiệm xây dựng phương án triển khai, công bố cấu hình chi tiết và tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu cần đạt được, sau đó kêu gọi các nhà cung cấp máy tính, máy tính bảng trong nước và quốc tế gửi hồ sơ báo giá kèm theo các thông số kỹ thuật, chế độ bảo hành, kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật... Căn cứ vào đó, tổ công tác sẽ khuyến nghị những sản phẩm phù hợp nhất để ngành giáo dục các địa phương tiến hành mua sắm tập trung, hoặc các mạnh thường quân tham khảo trong quá trình lựa chọn thiết bị học trực tuyến để tài trợ cho chương trình.

Ngoài ra, định hướng hiện nay của Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ trì chương trình “Sóng và máy tính cho em”, là tặng hẳn thiết bị cho học trò nghèo. Tuy nhiên, đây có phải là phương án tối ưu? Bởi, không ai dám đảm bảo khi được giao toàn quyền sở hữu và sử dụng một chiếc máy tính, các em học sinh và gia đình sẽ khai thác hiệu quả, đúng mục đích, chưa nói đến việc có thể vì hoàn cảnh khó khăn mà gia đình có thể sang nhượng lại chiếc máy tính đó để đổi lại một khoản tài chính giải quyết nhu cầu trước mắt…

Do đó, để thực sự căn cơ, tính kế sâu rễ bền gốc, nên phân quyền cho Sở Giáo dục và Phòng Giáo dục các địa phương tổ chức thống kê nhu cầu cần được hỗ trợ, làm đầu mối tiếp nhận tài trợ, sau đó tiếp tục phân bổ lượng máy tính này xuống các trường theo nhu cầu đã được đăng ký. Mỗi nhà trường sẽ chịu trách nhiệm cài đặt, quản lý, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn số máy tính này. Cán bộ kỹ thuật hoặc giáo viên tin học của nhà trường sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, khắc phục sự cố và cấp đổi thiết bị cho học sinh khi có phát sinh về chất lượng hay sự cố kỹ thuật, đảm bảo quá trình sử dụng được thông suốt và hiệu quả nhất.

Một vấn đề nữa cũng cần được hết sức chú trọng là hạ tầng truyền dẫn internet đến các hộ gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa để con em họ có điều kiện học tập trực tuyến.

Học trò không có máy tính, điện thoại, cô giáo Nguyễn Võ Hoài Linh, Giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Krong (Gia Lai) phải vào tận bản tìm học trò. Ảnh: Minh ThảoHọc trò không có máy tính, điện thoại, cô giáo Nguyễn Võ Hoài Linh, Giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Krong (Gia Lai) phải vào tận bản tìm học trò. Ảnh: Minh Thảo

Thời gian vừa qua, ngay ở các thành phố lớn, hiện tượng mang bị “đơ, lác”, giáo viên, học sinh liên tục bị out ra khỏi lớp đã liên tục được báo chí phản ánh. Đặc biệt, những câu chuyện học sinh ở miền núi phải dựng lều giữa rừng hay di chuyển xa nhà để “hứng sóng” học online khiến chúng ta phải suy nghĩ. Có thiết bị mà không có sóng thì học sinh cũng sẽ không thể học online được.

Vì thế, nên tính đến phương án kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông lắp đặt các điểm phát wifi công cộng đến từng thôn, xóm, khu phố, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn và cấp tài khoản truy cập wifi miễn phí cho học trò nghèo.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng nên có chính sách miễn phí cước truy cập dữ liệu 3G, 4G liên quan đến dạy và học trực tuyến cho học sinh nghèo để thực sự mang “sóng” đến với các em ngoài nỗ lực cung cấp thiết bị kết nối. Ngoài việc giải quyết bài toán học trực tuyến trước mắt trong dịch bệnh, cách làm này cũng sẽ tạo tiền đề rất tốt cho việc phát triển một xã hội số sau đại dịch theo đúng tinh thần của chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cuối cùng, “sóng và máy tính cho em” sẽ chỉ thực sự phát huy tác dụng nếu có chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp trên môi trường số. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành giáo dục và thông tin truyền thông, xây dựng một chiến lược giáo dục trực tuyến hợp lý, thống nhất với các nền tảng đồng bộ, các phần mềm, ứng dụng sẵn sàng để triển khai rộng khắp trên toàn quốc; chú trọng đến yếu tố con người, đào tạo, tập huấn bài bản để có một đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ kỹ thuật có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu trước tình hình mới của mô hình giáo dục 4.0.

Nếu thực hiện tốt chiến lược này, khi đất nước quay trở lại trạng thái bình thường mới, đây hoàn toàn có thể là chất xúc tác, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy học sinh chủ động, đa dạng phương thức học tập, có đủ kỹ năng học tập trong thời đại số. Từ đó, góp phần thúc đẩy giáo dục bứt phá.

Thanh Thủy