Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam có Kế hoạch số 14/KH-SGDĐT ngày 1/2/2023 về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, kế hoạch này nhấn mạnh, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 có nội dung, hình thức phù hợp, tạo cảm hứng học tập cho học sinh; đảm bảo tính chính xác, khoa học, chuẩn mực, logic, tính thực tiễn sinh động gắn kết với cuộc sống; phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường và năng lực của học sinh.
Đồng thời, nêu lên yêu cầu về việc cung cấp, giới thiệu đầy đủ thông tin về sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, giúp các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định, quy trình tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT và các tiêu chí tại Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.
Bộ sách giáo khoa lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam |
Ngoài ra, việc lựa chọn sách giáo khoa cũng cần bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, trung thực, đúng quy định. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở khối lớp 8, lớp 11 lựa chọn 1 hoặc một số sách giáo khoa chung cho toàn tỉnh.
Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh này để thành lập các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 trên địa bàn. Đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa những năm trước đó.
Tại kế hoạch này cũng cho biết, quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 của tỉnh này sẽ thông qua 6 bước, cụ thể:
Bước 1: Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa
Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục.
Tổ chuyên môn lập biên bản họp tổ chuyên môn thảo luận, đánh giá sách giáo khoa, biên bản kiểm phiếu; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn; tổng hợp đánh giá nhận xét ưu điểm, tồn tại hạn chế, kiến nghị đề xuất các sách giáo khoa.
Đồng thời, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục; báo cáo cơ quản lý cấp trên danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.
Thời gian hoàn thành bước 1 trước ngày 20/02/2023.
Bước 2: Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này về danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý/giáo viên đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông/giáo viên đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Thời gian hoàn thành bước này trước 25/02/2023.
Bước 3: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam sẽ tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Thời gian hoàn thành bước này là trước 05/3/2023.
Bước 4: Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 7 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng.
Các thành viên Hội đồng nghiên cứu tiêu chí lựa chọn, các sách giáo khoa và các tài liệu liên quan, có văn bản nhận xét, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa và hoàn thành phiếu lấy ý kiến cá nhân.
Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất. Thảo luận và đánh giá cụ thể từng tiêu chí đối với sách giáo khoa từng môn học, hoạt động giáo dục.
Bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học, hoạt động giáo dục không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Tổng hợp, sắp xếp các sách giáo khoa được lựa chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp và công khai kết quả bỏ phiếu trước Hội đồng. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Uỷ viên, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian hoàn thành bước 4 trước ngày 31/3/2023.
Bước 5: Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Bước 6: Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
Về kinh phí thực hiện các hoạt động lựa chọn sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, kế hoạch này cho biết, được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và các nguồn hợp pháp khác.