Các số liệu thống kê trong sách giáo khoa đã quá lạc hậu so với thực tế

01/02/2023 06:36
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, số liệu thống kê ở môn Lịch sử và Địa lí lớp 5; Địa lí lớp 9 (tập II) vẫn đang học số liệu thống kê từ năm 2002, 2004 dù qua 20 lần tái bản.

Chương trình 2006 đối với cấp phổ thông ở năm học 2022-2023 này chỉ còn lại các lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 và theo lộ trình, sứ mệnh của chương trình 2006 sẽ kết thúc vào năm 2024 tới đây.

Đối với chương trình 2006, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy in ấn, phát hành sách giáo khoa suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên, sách giáo khoa chương trình 2006 đối với những lớp còn lại khiến người đọc không khỏi giật mình về những kiến thức cũ kĩ, lạc hậu và thậm chí có cả những sai sót được dư luận chỉ ra nhưng vẫn không được chỉnh sửa- dù hàng năm luôn tái bản.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được đề cập đến một số bất cập đối với số liệu thống kê ở môn Lịch sử và Địa lí lớp 5; Địa lí lớp 9 (tập II) bởi năm 2023 mà học sinh vẫn đang học số liệu thống kê từ năm 2002, 2004. Gần 20 lần tái bản sách giáo khoa, số liệu gần như vẫn được giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu.

Sách đã tái bản đến lần thứ 17 nhưng số liệu thống kê vẫn không được điều chỉnh (Ảnh: Hương Mai)

Sách đã tái bản đến lần thứ 17 nhưng số liệu thống kê vẫn không được điều chỉnh

(Ảnh: Hương Mai)

Môn Lịch sử và Địa lý lớp 5 đang học số liệu năm…2004

Cách đây mấy ngày, chúng tôi có đến nhà một đồng nghiệp chơi. Tình cờ thấy cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 5 của con đồng nghiệp đang để trên bàn, chúng tôi cầm lên và không tin vào mắt mình khi đọc những số liệu cũ mèm từ gần 20 năm về trước.

Nhìn vào bìa sách, chúng tôi thấy dòng chữ “in xong và nộp lưu chiểu tháng 03/2022”- thời điểm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị cho năm học mới, năm học 2022-2023 này.

Thế nhưng, điều chúng tôi cảm thấy bất ngờ là phần kiến thức Địa lí của cuốn sách chủ yếu đều lấy số liệu thống kê từ năm 2004- số liệu cách đây 19 năm về trước. Chính vì thế, khi thống kê số liệu dân số nước ta, sách giáo khoa để dân số 82 triệu người và mật độ dân số là 249 người/km2.

Trong khi ở thời điểm hiện nay, dân số Việt Nam đã là 99.344.283 người, mật độ dân số đã lên 320 người/km2. [1]

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý đang dùng số liệu năm 2004 (Ảnh: H.M)

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý đang dùng số liệu năm 2004 (Ảnh: H.M)

Không chỉ số dân, mật độ dân số Việt Nam mà có lẽ các số liệu khác trong phần Địa lí của môn Lịch sử và Địa lí đa phần đều lấy năm 2004 và từ đó đến nay gần 20 lần tái bản sách giáo khoa nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và những tác giả biên soạn không hề thay đổi, bổ sung cho phù hợp.

Có lẽ, giáo viên, học sinh, phụ huynh không dám đòi hỏi nhà xuất bản thay đổi từng năm nhưng ít nhất cũng phải được điều chỉnh vài năm một lần cho phù hợp với thực tế. Đằng này, 19 năm phát hành, tái bản mà vẫn giữ nguyên số liệu ban đầu quả là đáng băn khoăn lắm.

Nếu giáo viên dạy lớp không cập nhật số liệu mới, năm 2023 này vẫn dạy cho học trò dân số nước ta hiện nay là 82 triệu dân của năm 2004 thì học sinh sẽ có nhiều em nghi hoặc bởi tìm các thông tin, số liệu bây giờ đâu có gì là khó khăn với học trò.

Vẫn biết, 82 triệu dân là của năm 2004 nhưng bây giờ đã là năm 2023 rồi, chẳng lẽ giáo viên vẫn dạy cho học trò dân số Việt Nam là 82 triệu hay sao? Dù dạy như vậy vẫn đúng vì số năm cụ thể nhưng số liệu như thế sao thuyết phục được học trò?

Bước sang năm 2023, học sinh lớp 9 đang học số liệu thống kê từ năm 2002 ở môn Địa lí

Cứ ngỡ sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 5 dùng số liệu thống kê năm 2004 là cũ lắm rồi, nhưng bất ngờ hơn là khi chúng tôi đọc sách giáo khoa môn Địa lí lớp 9 (tập II) cũng “in xong và nộp lưu chiểu tháng 03/2022” nhưng số liệu thống kê còn đáng băn khoăn nhiều hơn.

Bởi lẽ, gần như tất cả các số liệu trong sách giáo khoa môn Địa lí lớp 9 (tập II) chủ yếu dừng lại ở mốc năm 2002, nhiều bảng thống kê còn lấy số liệu cũ hơn. Chỉ thỉnh thoảng mới có số liệu năm 2003.

Sách Địa lí 9 dùng số liệu năm 2002 (Ảnh: H.M)

Sách Địa lí 9 dùng số liệu năm 2002 (Ảnh: H.M)

Cũng chính vì thế mà dân số Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 79,7 triệu người (năm 2002) và tỉ lệ dân thành thị năm 2003 là 25,80 %. Hai mươi năm sau, thời điểm hiện tại dân thị thành nước ta đã lên đến 38.77%- một tỉ lệ chênh khá lớn so với số liệu đề cập ở sách giáo khoa.

Chính vì số liệu chủ yếu ở sách giáo khoa Địa lí 9 là năm 2002 nên gần như tất cả các số liệu khác cũng đều lạc hậu quá xa so với thời điểm hiện tại. Có điều, môn Địa lí 9 (tập II) chỉ đề cập đến nội dung địa lí Việt Nam nên tất cả các vùng kinh tế, các ngành nghề…có số liệu rất…buồn cười.

Chẳng hạn, bài học Vùng Đông Nam Bộ (trang 113) với 6 tỉnh, thành (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu) nhưng dân số chỉ có 10,9 triệu người.

Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 10 tỉnh thành (Thành phố Hà Nội; Hải Phòng; Hưng Yên; Hà Nam; Bắc Ninh; Nam Định, Ninh Bình; Thái Bình; Hải Dương; Vĩnh Phúc) có số dân 17,5 triệu…

Thực tế cho thấy, trong các môn học phổ thông thì chỉ có Địa lí là số liệu thường xuyên thay đổi theo từng năm. Đặc biệt, khi nước ta bước vào thời kỳ hội nhập và trở thành nước đang phát triển thì sự chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu dân số, kinh tế…cũng liên tục thay đổi.

Điều này, đòi hỏi những bộ phận chuyên môn của ngành giáo dục phải có những chỉ đạo kịp thời để các nhà xuất bản cập nhật số liệu nhằm cung cấp tương đối chính xác cho học trò là điều rất cần thiết.

Học sinh đang phải học vùng Đông Nam Bộ có dân số 10,9 triệu dân (Ảnh: H.M)

Học sinh đang phải học vùng Đông Nam Bộ có dân số 10,9 triệu dân (Ảnh: H.M)

Chẳng hạn như khi học bài Vùng Đông Nam Bộ mà giáo viên không cung cấp được số liệu mới, vẫn trung thành với số liệu sách giáo khoa tái bản năm 2022 là 10,9 triệu người của cả vùng Đông Nam Bộ thì học sinh sẽ nghĩ sao về người thầy về ngành giáo dục?

Bởi thực tế, dân số toàn vùng Đông Nam Bộ (năm 2022) là 18,3 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước, trong đó có tới 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa 67,3%- cao nhất trong các vùng kinh tế- xã hội của cả nước. [2]

Và, đâu chỉ riêng gì môn Địa lí, kiến thức các môn Tin học, Công nghệ, Vật lí, thậm chí là Ngữ văn cũng có nhiều đơn vị kiến thức đã trở nên quá lạc hậu so với thời điểm hiện tại nhưng không được điều chỉnh, bổ sung.

Giáo viên dạy, nếu để học sinh thuộc số liệu và nhận xét theo số liệu cách đây trên dưới 20 năm trời thì vô hình trung đang làm khó học trò bởi nhiều số liệu, kiến thức quá cũ, có phần lạc hậu. Thế nhưng, nhiều bài học dù giáo viên biết cũ mà vẫn cứ phải dạy cho học trò vì đó là những kiến thức, những bài học bắt buộc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://danso.org/viet-nam

[2]https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-vung-dong-nam-bo-voi-mo-hinh-do-thi-tap-trung-da-cuc-post979283.vov

HƯƠNG MAI