Vụ tham ô tài sản ở Trường Bách khoa Đà Nẵng: Hơn 82,9 tỷ được rút như thế nào?

24/02/2023 06:39
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời gian từ năm 2021 đến hết năm 2022, ông Vinh đã nhiều lần ký séc khống để cho Thủ quỹ và Kế toán trưởng rút hơn 82,9 tỷ đồng của nhà trường.

Liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Đà Nẵng) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với nguyên Hiệu trưởng nhà trường (giai đoạn 2017-2022).

Theo đó, ông Đoàn Quang Vinh bị khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” qui định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ký séc khống

Trong giai đoạn được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (từ tháng 12/2017 đến hết ngày 31/12/2022), ông Vinh là người đại diện cho trường trước pháp luật, phụ trách chung và là chủ tài khoản của Trường.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2017-2022 bị khởi tố. Ảnh: AN

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2017-2022 bị khởi tố. Ảnh: AN

Đồng thời, trực tiếp phụ trách các mảng công tác như: Bảo vệ chính trị nội bộ, Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Thi đua – khen thưởng, Kế hoạch - tài chính, Nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học.

Sau khi sự việc Hoàng Quang Huy - Trưởng Phòng Kế hoạch - tài chính và Lâm Thị Hồng Tâm - Thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng bị phát hiện có hành vi “tham ô tài sản” với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, cơ quan công an đã tiến hành mở rộng điều tra vụ án.

Qua đó, xác định Huy và Tâm đã thực hiện hành vi ký khống séc (séc không ghi đầy đủ số tiền và các nội dung theo qui định). Sau đó, điền thông tin số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhằm chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo quy định, séc ngân hàng là một loại chứng từ kế toán. Do đó việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán phải tuân thủ đúng qui định của Luật Kế toán.

Ngoài ra việc lập và ký phát séc còn phải tuân thủ qui định tại Điều 7, Thông tư 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11/2015 của Ngân hàng Nhà nước về việc quy định về cung ứng và sử dụng séc.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, ông Vinh không thực hiện đúng qui định nêu trên. Cụ thể ông Vinh thực hiện việc ký séc cho bà Tâm nhưng séc không có nội dung, hoàn toàn không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản nhà trường để sử dụng nhưng ông Vinh vẫn ký phát séc.

Sau khi ký séc không có nội dung, ông Vinh không kiểm tra số tiền đã rút là bao nhiêu, có thực hiện việc nhập quỹ tiền mặt hay không, chi thực tế vào nội dung gì, chứng từ tài liệu chứng minh việc chi tiền là gì… Mà để mặc cho bà Tâm và ông Huy thực hiện hành vi tương tự trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31/12/2022.

Hành vi của ông Vinh vi phạm nghiêm trọng các qui định về lập và ký phát séc, vi phạm các quy định về việc quản lý sử dụng tài sản công.

Hậu quả từ năm 2021 đến thời điểm ngày 31/12/2022, bà Tâm đã rút và chiếm đoạt của nhà trường tổng số tiền: 82,9 tỷ đồng (đây là tổng số tiền từ các nguồn thu được nộp vào tài khoản ngân hàng của nhà trường).

Không kiểm tra, quản lý tài sản công

Theo cơ quan công an, quá trình điều tra còn xác định, trong suốt thời gian từ năm 2021 đến ngày 31/12/2022, ông Vinh đã không thực hiện việc kiểm tra tồn quỹ tiền mặt, tồn quỹ trên tài khoản ngân hàng để đối chiếu;

Không thực hiện việc kiểm tra, quản lý, sử dụng tài sản công (tiền thu từ các nguồn thu ngân sách) theo định kỳ và đột xuất mà chỉ hợp thức bằng các biên bản kiểm quỹ do Hoàng Quang Huy trình ký duyệt.

Do đó, bà Tâm và ông Huy dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội mà không bị phát hiện và ngăn chặn, gây thiệt hại cho Trường số tiền lớn.

Qua làm việc với Cơ quan điều tra, ông Vinh đã thừa nhận không tiến hành kiểm kê, quản lý thu chi tiền từ các nguồn thu và các hoạt động kế toán, tài chính tại Trường.

Ông Vinh cũng khẳng định hoàn toàn không nhận bất cứ lợi ích gì từ việc ký khống cho bà Tâm các tờ séc ngân hàng. Bà Tâm và ông Huy cũng thừa nhận không cho ông Vinh bất cứ lợi ích gì để thực hiện việc ký khống séc.

Cơ quan công an cho rằng, căn cứ các quyết định bổ nhiệm; quyết định phân công nhiệm vụ; quy định quản lý sử dụng tài sản công của Trường Đại học Bách khoa và các qui định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công;

Với vai trò Hiệu trưởng, chủ tài khoản của Trường thì ông Vinh là người quyết định và chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng tài sản của nhà trường trước pháp luật.

Ông Vinh buộc phải nắm rõ thực hiện đúng nguyên tắc kế toán và các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng qui định của pháp luật và đảm bảo an toàn cho tài sản công.

Mặc dù nhận thức được việc để trống số tiền cần rút khi ký phát séc cho bà Tâm có thể gây ra thiệt hại trực tiếp đến tài sản của nhà trường nhưng ông Vinh vẫn ký duyệt, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Sau đó, ông Vinh tiếp tục làm sai các quy định về việc kiểm kê tài sản, kiểm tra hoạt động kế toán tại đơn vị như trên. Hành vi này diễn ra trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31/12/2022.

Nhưng do không thực hiện đúng các qui định về nguyên tắc kế toán và không thực hiện việc kiểm tra, quản lý việc sử dụng tiền (tài sản công) của nhà trường, sau khi kí duyệt các tờ séc không có nội dung nên hành vi vi phạm không bị phát hiện, xử lý.

AN NGUYÊN