Dạy CTGDPT mới: Học song song nghề và văn hóa, học sinh TTGDTX đang bị quá tải

16/03/2023 06:35
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nguyễn Văn Công-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hiệp Hòa thừa nhận, có một số bất cập triển khai Chương trình GDPT 2018 giảng dạy ở TTGDTX.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào dạy học đối với lớp 10 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong cả nước (TTGDNN - GDTX). Là lần đầu tiên áp dụng nên khó tránh khỏi sự bất cập, vướng mắc, vì thế các trung tâm cũng đang có những giải pháp riêng để khắc phục những hạn chế, đảm bảo yêu cầu dạy học.

Về việc triển khai, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết: "Nhìn chung, đối với đối tượng là học sinh trung học phổ thông, việc thay đổi sách, tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT mới) hiện nay đang có chiều hướng tích cực nhắm tới nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới với đối tượng là học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên ở thời điểm hiện tại vẫn đang còn một số bất cập nhất định.

Hiện tại, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã áp dụng được hơn nửa chặng đường của Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10. Trong đó, việc có thêm các môn có hoạt động trải nghiệm, học theo chuyên đề làm cho số tiết ở các bộ môn văn hóa tăng lên.

Như vậy, số tiết tăng lên thì lượng thời gian để các em nghỉ ngơi khi học song hành hai chương trình là trung cấp nghề và chương trình giáo dục thường xuyên còn rất ít.

Về việc này, nắm bắt trong thời gian đầu áp dụng chúng tôi nhận thấy, đối với học sinh lớp 10 tại các trung tâm, khối lượng như vậy là tương đối "nặng tải".

Thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, thầy Công cũng chia sẻ thêm, đối với các môn tự chọn, đối với các đối tượng học sinh trong trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh cũng không có nhiều cơ hội để lựa chọn các môn tự chọn.

Về điều này, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa nhấn mạnh: "Hiện tại, với đối tượng học ở các trung tâm, các em chỉ có một số môn tự chọn trong phạm trù 7 môn văn hóa, trong khi tại các trường trung học phổ thông thì các em có hơn chục môn để lựa chọn. Như vậy, rõ ràng việc lựa chọn của học sinh ở các trường trung học phổ thông cũng thoải mái hơn so với các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Hơn nữa, liên quan đến các môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc chuyển trường khi có nguyện vọng của các em cũng đang gặp phải một số khó khăn.

Ví dụ, nếu học sinh đang học tại một trường trung học phổ thông muốn xin chuyển trường sang trung tâm giáo dục thường xuyên để học, khi ấy chúng tôi phải xem là môn tự chọn mà học sinh đó chọn có giống với môn tự chọn mà trung tâm đang giảng dạy hay không?

Một trường hợp khác nữa, đó là cũng trong khối các trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng các em ở miền trong, theo bố mẹ để chuyển đến học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên ngoài Bắc cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Nếu trong trường hợp các trung tâm ở ngoài này không có môn khớp với môn tự chọn của em đó đã chọn tại trung tâm giáo dục thường xuyên trong kia thì chúng tôi cũng không biết giải quyết như thế nào.

Hiện tại, chúng tôi cũng đang có một học sinh ở Gia Lai chuyển ra đây để học, nhưng môn tự chọn của em ở trung tâm giáo dục thường xuyên trong đó đang khác với môn tự chọn ở ngoài này.

Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm định hướng cho học sinh về cách thức thi sau này của các em như thế nào để các trung tâm có phương án điều chỉnh", thầy Công cho hay.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa cũng cho rằng, việc đưa chuyên đề học tập nâng cao áp dụng với đối tượng học sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên là chưa thật phù hợp.

"Nếu thực hiện theo đúng chủ trương, áp dụng đối với các học sinh ở đây thì các em rất dễ bị "quá tải". Bởi lẽ đối tượng học sinh học tại các các trung tâm giáo dục thường xuyên mặt bằng chung cũng không khó bằng các trường trung học phổ thông. Nên với khối lượng chương trình học quá sức thường rất dễ tạo ra tâm lý chán nản, thậm chí là bỏ cuộc.

Điều này dẫn đến hệ lụy là các em không hợp tác với thầy cô, như vậy rõ ràng chất lượng của tiết học đó cũng không đạt hiệu quả mong muốn.

Một tiết học của các học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Một tiết học của các học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, việc áp dụng chuyên đề học tập nâng cao này cũng đang tạo ra một số khó khăn nhất định đối với các giáo viên dạy trong các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đơn cử như việc định hướng, mỗi giáo viên có thể dạy được cả 3 chuyên đề. Ví dụ như chuyên đề Lý - Hóa - Sinh, một giáo viên hiện giờ đang dạy Vật lý thì cũng đang phải nắm bắt tiếp và phải nghiên cứu tiếp kiến thức của Sinh học, Hóa học để đảm bảo yêu cầu giảng dạy", thầy Công nêu nhận định.

Nêu lên một số phương án để khắc phục được những bất cập nói trên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa cho biết: "Thực hiện theo tinh thần, chủ trương chung của các cấp, ban, ngành, đặc biệt là việc thực hiện phân phối chương trình, xây dựng nội dung kiến thức cốt lõi thì chúng tôi cũng đã có những cách làm rất cụ thể.

Đối với nội dung xây dựng kiến thức cốt lõi thì Bắc Giang cũng là một tỉnh đi đầu và thu được nhiều thành công trong quá trình áp dụng.

Trong năm học 2022 - 2023 chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì việc xây dựng kiến thức cốt lõi theo chủ trương của cấp trên nhưng có để thời gian dài hơn so với trước. Chẳng hạn, trước đây khi hết học kỳ 1 là đã dạy xong kiến thức cốt lõi rồi, nhưng năm nay chúng tôi cho kéo dài ra đến tháng 2 mới hết chương trình kiến thức cốt lõi.

Qua đó, đối với giáo viên họ cũng sẽ căn cứ vào đó để lên kế hoạch phân phối chương trình cho phù hợp với từng đối tượng học sinh dựa trên cái "cốt" mà Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã cho sẵn để áp dụng phù hợp với thực tiễn.

Trước khi bước vào năm học, kế hoạch phân phối chương trình cũng đã được duyệt chuyên môn để các giáo viên bám sát vào đó để thực hiện".

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, theo thầy Công, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hòa là một trong số ít các trung tâm ở Bắc Giang có số học sinh theo học với con số trên 1.000 học sinh.

Vì thế, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới vào dạy học, bài toán làm sao đảm bảo được lượng giáo viên tham gia giảng dạy cũng đã được trung tâm này lưu ý. Qua đó, trung tâm này cũng có những cách làm riêng để đủ giáo viên với từng bộ môn và "giữ chân" được các thầy cô có tâm huyết.

Một trong những cách làm được vị này chia sẻ: "Với các giáo viên hợp đồng cơ hữu, chúng tôi sẽ đóng bảo hiểm cho các giáo viên này luôn để họ yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, trường cũng mời các thầy cô cốt cán đang giảng dạy ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện sang hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi cũng đã mời được 13 thầy, cô từ các trường sang hỗ trợ cho trung tâm. Mục tiêu lớn nhất là làm sao nâng cao được sự giao lưu, phối kết hợp giữa các đơn vị với nhau.

Quan trọng nhất, khi mời được các thầy, cô từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn về tham gia hỗ trợ trung tâm, chúng tôi cũng phải xây dựng được một môi trường thân thiện, để các thầy cô không thấy bị áp lực khi tham gia giảng dạy tại trung tâm của chúng tôi".

Trung Dũng