Trong các môn học phổ thông hiện nay, chúng ta đều nhìn thấy rõ một điều là môn Ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh có một vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Cũng chính vì thế mà phụ huynh thường cho con em mình học tiếng Anh rất sớm, những em ở những khu vực có điều kiện đã học ở trung tâm từ khi mới vào lớp 1.
Nhưng, tiếng Anh vẫn là một môn khó đối với rất nhiều người bởi thế mà nhiều người gặp khó khăn khi phải nhiều năm vẫn chưa ra trường vì vướng chứng chỉ ngoại ngữ, khó khăn trong tuyển dụng, thi đầu vào cao học, làm nghiên cứu sinh, viết các bài báo khoa học và giao tiếp với người nước ngoài.
Những năm vừa qua, trong kỳ thi tuyển sinh 10 và xét tuyển đại học thì nhiều địa phương, trường đại học đã tuyển thẳng hoặc ưu tiên cho những học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL…nhằm khích lệ, tạo động lực cho người học.
Tuy nhiên, những chính sách, chủ trương chưa được thực hiện đồng bộ, điều này thể hiện rõ nhất trong kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở đa phần các địa phương vẫn nhân điểm hệ số 2 đối với Ngữ văn, Toán nhưng tính điểm hệ số 1 đối với môn Ngoại ngữ.
Ảnh minh họa. |
Văn, Toán quan trọng nhưng Ngoại ngữ cũng rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập
Các môn học ở 3 bậc học phổ thông hiện nay đều có một vai trò, vị thế riêng để hình thành nên những phẩm chất, năng lực và phát triển đam mê cho học trò nhằm hướng tới tương lai cho bản thân mình.
Những năm gần đây, theo hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại học lực của học trò, Bộ cũng dần loại bỏ sự mặc định môn chính, môn phụ.
Đầu tiên là sự ra đời của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/ 12/ 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thay thế cụm từ: “của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn” tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ: “của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”.
Tiếp theo là Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã bình đẳng tất cả các môn học với nhau, các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ không còn khống chế việc xếp loại học lực của học trò qua từng học kỳ, năm học.
Thế nhưng, điều mà chúng ta đang chứng kiến là kỳ thi tuyển sinh 10 ở đa phần các địa phương vẫn duy trì hình thức tính điểm hệ số 2 đối với môn Toán và Ngữ văn. Môn Ngoại ngữ vẫn đang tính điểm hệ số 1- đây rõ ràng là những bất cập vẫn tiếp tục tồn tại.
Chương trình hiện hành của cấp Trung học cơ sở, môn tiếng Anh có 3 tiết/ tuần, tương đương với 105 tiết/ năm học; các môn Toán và Văn có 4 tiết/ tuần, tương đương 140 tiết/ năm học. Riêng môn Ngữ văn 9 có 175 tiết/ năm học.
Khi thực hiện Chương trình 2018 ở cấp Trung học cơ sở, môn Ngữ văn và Toán mỗi năm có 140 tiết; môn Ngoại ngữ 1 có 105 tiết. Lên đến cấp Trung học phổ thông, cả 3 môn này đều có 105 tiết/ năm.
Điều này cho thấy môn Ngoại ngữ luôn được xem trọng, được sắp số tiết bằng hoặc gần bằng với môn Toán và Ngữ văn. Nhưng, thực tế tại các trường phổ thông thì học sinh đang xem trọng môn Ngoại ngữ hơn môn Ngữ văn.
Minh chứng cụ thể nhất là gần như học sinh học thêm môn Ngoại ngữ xuyên suốt cả các cấp học. Nhưng, môn Ngữ văn rất ít học sinh học thêm, ngay cả học chính khóa nhiều em cũng chỉ học chiếu lệ. Phần nhiều, khi chuẩn bị thi, học sinh mới miễn cưỡng học môn này vì đó là môn thi bắt buộc.
Phụ huynh học sinh sẵn sàng đầu tư hàng chục triệu đồng để con em mình có chứng chỉ IELTS, sẵn sàng đưa đón con em mình đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ. Và, thực tế khi học ngoại ngữ, các em được học rất nhiều từ vựng, ngữ pháp và các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết….tương ứng với môn học Ngữ văn.
Muốn nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, các điểm thi phải cùng tính điểm hệ số 1
Trước đây, điểm xét tuyển lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tính điểm môn Toán, Văn tính hệ số 2, môn Ngoại ngữ tính hệ số 1. Tuy nhiên từ năm 2021 cho đến nay, tất cả cả 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1 như nhau.
Khi chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc thay đổi trên nhằm khẳng định tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ. Đây cũng là môn học quan trọng, nền tảng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố”. [1]
Những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hiếu cho thấy tầm nhìn của ngành giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh- nơi luôn có những đột phá trong giáo dục và có một thị trường lao động năng động vào bậc nhất cả nước.
Trong khi nhiều địa phương năm nào cũng nhấp nhứ môn thi thứ 3, thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh 10 thì Thành phố Hồ Chí Minh công bố công khai môn thi rất sớm là Toán, Văn, Ngoại ngữ và là một trong số rất ít tỉnh tiên phong tính điểm hệ số 1 cả 3 môn thi.
Rõ ràng, đã đến lúc Bộ cần thống nhất cách tính điểm hệ số khi thi vào tuyển sinh 10 chứ không nên lấp lửng rằng tùy vào tình hình thực tế để địa phương quyết định dẫn đến mỗi nơi mỗi kiểu.
Suy cho cùng, đa phần các địa phương đang áp dụng hình thức tính điểm hệ số 2 Toán và Văn là cách che đậy điểm số thực chất lượng dạy và học. Hãy mạnh dạn công khai chất lượng giáo dục phổ thông- cụ thể nhất là cấp Trung học cơ sở bằng cách tính điểm hệ số 1 tất cả các môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10.
Muốn nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, ngành giáo dục địa phương phải xem trọng việc dạy và học trong các nhà trường chứ không thể cậy nhờ mãi các trung tâm ngoại ngữ ở bên ngoài.
Không thể để tình trạng nhiều học sinh, sinh viên học ngoại ngữ từ lớp 3 cho đến hết học kỳ thứ 5 của đại học mà khi ra trường nhiều người vẫn không sử dụng được ngoại ngữ.
Muốn nâng cao chất lượng ngoại ngữ thì việc đầu tiên phải bình đẳng cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh 10 hằng năm đó là điều cần thiết, phù hợp với Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (áp dụng cho chương trình 2006); Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT (áp dụng cho chương trình 2018) mà Bộ đang triển khai.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/tu-ha-noi-nhin-chi-tieu-thi-lop-10-cong-lap-o-tp-hcm-2121752.html