Tuyển sinh vào 10: Nên bỏ nhân hệ số 2 để tiến tới phù hợp với chương trình mới

05/03/2023 07:06
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để phù hợp với định hướng của CTGDPT mới, tránh tâm lý môn chính môn phụ, các địa phương nên bỏ quy định nhân hệ số 2 với các môn Văn, Toán trong kỳ thi vào 10.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong đó, một số địa phương quy định cách tính điểm số bài thi môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2 cộng với bài thi Ngoại ngữ nhân hệ số 1 như Cần Thơ, Khánh Hòa, Hà Nội...,

Việc nhân đôi hệ số điểm đối với 2 môn Toán, Ngữ văn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người thắc mắc cách tính điểm này liệu có còn phù hợp hay không?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, việc nhân hệ số 2 đối với 2 môn Toán, Ngữ văn xuất phát từ quan niệm cho đây là những môn chính dùng để đánh giá năng lực học sinh mà không ít địa phương vẫn áp dụng từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, cách tính điểm này đang góp phần làm gia tăng việc học lệch môn, học sinh chỉ lo tập trung, đầu tư thời gian và công sức để học Toán, Ngữ văn rồi nảy sinh tâm lý môn chính, môn phụ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Ngọc Ánh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi đó, hiện nay, việc học Ngoại ngữ ngày càng quan trọng, vì đây là phương tiện hình thành kỹ năng hội nhập với các nước trên thế giới, phù hợp với xu thế thời đại công nghệ 4.0.

Chưa kể, từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, nên đã có một số điểm thay đổi so với trước đây.

Cụ thể, Thông tư đề cao vai trò của môn Ngoại ngữ, trên cơ sở đó môn học này cùng với Ngữ văn, Toán là tiêu chí để xếp loại học lực. Học sinh muốn đạt điểm giỏi phải có điểm trung bình các môn từ 8 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ phải từ 8 trở lên. [1]

Như vậy, có thể thấy, môn Ngoại ngữ đã có vị thế ngang hàng với môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.

“Khi 3 môn có vị thế ngang hàng nhau nhưng trong kỳ thi tuyển sinh vào 10, nhiều địa phương vẫn áp dụng nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn, còn môn Ngoại ngữ nhân hệ số 1. Điều này có thể khiến một bộ phận thí sinh học giỏi môn Ngoại ngữ nhưng học không tốt môn Toán và Ngữ văn chịu nhiều thiệt thòi và cảm thấy không công bằng.

Trong chương giáo dục hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) thì Ngoại ngữ là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12; còn đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Vì vậy, để phù hợp với định hướng của chương trình mới, tránh tâm lý môn chính, môn phụ; đảm bảo công bằng trong xét tuyển, nhất là với các khóa thi và tuyển sinh sau, khi chương trình mới được áp dụng đến toàn bộ các khối lớp thì các địa phương nên bỏ quy định nhân hệ số 2 với các môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào 10”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, việc nhân hệ số 2 đối với môn Ngữ văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại nhiều địa phương hiện nay là kết quả của quan niệm, cách đánh giá cũ.

Ảnh minh họa: giaoduc.net

Ảnh minh họa: giaoduc.net

Trong đó, 2 môn Toán, Ngữ văn vẫn được cho là những môn quan trọng, cần thiết, cung cấp các kiến thức nền tảng, dạy cách tính toán, tư duy logic, cách viết văn, diễn đạt,... nên hệ số điểm phải cao hơn. Cũng vì vậy, nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên vẫn có tâm lý coi đây là 2 môn chính, các môn còn lại là môn phụ và đầu tư nhiều hơn vào 2 môn học này.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Quốc Bình, chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, định hướng đánh giá các môn học công bằng. Vì vậy, nếu quan niệm cũ không còn phù hợp thì phải thay đổi, tạo điều kiện để học sinh phát triển một cách toàn diện nhất.

Cấp trung học cơ sở là chương trình giáo dục cơ bản, các môn đều như nhau nên các nhà quản lý giáo dục cũng cần xem xét lại hình thức kiểm tra đánh giá, cách tính điểm sao cho phù hợp.

“Đến năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai với tất cả các khối lớp, ở cả 3 cấp học. Khi chương trình thay đổi thì việc kiểm tra, đánh giá cũng cần thay đổi. Vì vậy, nghiên cứu, tính toán để đưa ra phương án tuyển sinh vào 10 sao cho khoa học, đánh giá được năng lực chính xác của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới là điều cần thiết.

Tránh việc thông báo muộn, hoặc thông báo thay đổi phương án vào những tháng cuối kỳ thi, gây nhiều bất lợi, hoang mang cho thí sinh.

Còn riêng đối với mùa tuyển sinh năm nay, khi đã chốt phương án, chúng ta không nên thay đổi về cách tính điểm để ổn định tâm lý cho học sinh”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nêu quan điểm.

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT được ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020 thì tại Khoản 6, Điều 2 đã hướng dẫn: Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều 13 (Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) bằng cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ". Vì thế, môn Ngoại ngữ đã được đã được xếp ngang hàng như môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học tập của học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/10/26-bgddt.pdf

Anh Trang