Con tức tưởi rời phòng thi Violympic, Vioedu, phụ huynh hỏi chỉ nhận sự im lặng

15/08/2023 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phản ánh về lỗi mạng, bài thi có dấu hiệu gian lận, chấm sai kết quả .... của cuộc thi Violympic, Vioedu nhưng phụ huynh cho biết, không nhận được phản hồi.

Thời điểm này, học sinh trên cả nước đã sắp sửa bước vào mùa tựu trường. Và những băn khoăn xung quanh các sân chơi do tư nhân tổ chức được triển khai khắp các trường học lại khiến không ít phụ huynh đặt vấn đề.

Để con "bằng bạn bằng bè" hay để có được một tấm bằng khen từ cuộc thi, sân chơi trên mạng, nhiều phụ huynh đã tất tưởi tìm kiếm tài liệu, bố trí ôn luyện cho con. Trong năm học, các em vừa phải đảm bảo nội dung học trên lớp, về nhà lại vùi đầu vào luyện thi.

Công sức bỏ ra ôn luyện của các em, sự trông đợi của phụ huynh nhưng đôi khi nhiều em nhận lại là những giọt nước mắt. Không ít học sinh phản ánh với phụ huynh cho rằng, cuộc thi không công bằng, từ việc lỗi mạng, đến những dấu hỏi về kết quả chấm thi...

Phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều độc giả than phiền về việc thí sinh rời khỏi phòng thi Violympic với sự tức tưởi do lỗi mạng. Phụ huynh liên lạc phản ánh đến ban tổ chức nhưng chỉ nhận lại sự im lặng, thiếu trách nhiệm.

Những bình luận của phụ huynh tỏ ra bức xúc trước việc lỗi hệ thống từ cuộc thi Violympic, không tạo ra sự công bằng với các em.

Những bình luận của phụ huynh tỏ ra bức xúc trước việc lỗi hệ thống từ cuộc thi Violympic, không tạo ra sự công bằng với các em.

Anh Nguyễn Đức Thái (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, vào tháng 4/2023, 2 bé nhà anh (bé lớp 3 và bé lớp 5) tham gia thi môn Toán - Tiếng Anh Violympic. Tuy nhiên, qua cuộc thi, anh cảm thấy không hài lòng về cuộc thi này.

"Bé lớp 5 nhà tôi bị treo mạng ở vòng thi cấp trường nhưng vẫn may mắn đủ điểm thi vòng cấp huyện. Còn bé lớp 3 khi thi vòng huyện bị treo máy và dừng luôn, ra khỏi phòng thi, cháu nước mắt ngắn", anh Thái nhớ lại.

Vị phụ huynh này cho hay, anh đã gửi nội dung phản ánh qua email cá nhân đến email violympic@fpt.com.vn vào ngày 13/4/2023 nhưng không hề nhận được câu trả lời.

Vị phụ huynh chỉ ra điểm bất bình thường về kết quả thời gian làm bài thi môn Toán - Tiếng Việt của thí sinh khối lớp 2 tại vòng thi cấp quốc gia. Ảnh: Độc giả cung cấpVị phụ huynh chỉ ra điểm bất bình thường về kết quả thời gian làm bài thi môn Toán - Tiếng Việt của thí sinh khối lớp 2 tại vòng thi cấp quốc gia. Ảnh: Độc giả cung cấp

Những dấu hỏi xung quanh cuộc thi

Một vị phụ huynh khác lại cảm thấy điểm bất bình thường về kết quả thời gian làm bài thi môn Toán - Tiếng Việt của thí sinh khối lớp 2.

Cụ thể, để đạt được 300 điểm, nhiều thí sinh phải mất trên 500 giây (3 phút) đến trên 700 giây (10 phút) nhưng có thí sinh chỉ mất 106 giây (tương ứng 1 phút 46 giây) hay 274 giây (tương ứng 3 phút 34 giây).

"Riêng việc đọc đề bài cũng mất vài phút, chưa nói đến việc làm xong nhanh lại đạt kết quả cao như vậy. Cùng với đó, còn là chuyện lỗi mạng.... đã tạo ra sự bất công bằng cho các trẻ. Tôi sẽ không cho các con tham gia cuộc thi như này nữa", vị phụ huynh này chia sẻ với phóng viên.

Khác với những bức xúc của các phụ huynh về cuộc thi trên, chị Tuyết Anh (Điện Biên) lại bức xức về việc trao giải của ban tổ chức.

Theo đó, vào năm học 2022-2023, khoảng giữa tháng 3/2023, con của chị học lớp 2 thi môn Toán vòng thi cấp tỉnh và đạt 270 điểm, con không được nhận giải nào. Đến vòng Quốc gia Violympic, máy bị lỗi mạng nên cháu không thể làm bài.

Giáo viên chủ nhiệm nhắn trong nhóm phụ huynh lớp con chị Tuyết Anh. Theo đó, em nào đạt từ 200 điểm trở lên sẽ được vào vòng quốc gia. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên chủ nhiệm nhắn trong nhóm phụ huynh lớp con chị Tuyết Anh. Theo đó, em nào đạt từ 200 điểm trở lên sẽ được vào vòng quốc gia. (Ảnh: NVCC)

"Cô giáo chủ nhiệm có nhắn trong nhóm là những em học sinh nào đạt trên 200 điểm vòng thi cấp tỉnh sẽ được thi vòng quốc gia. Tôi có tìm hiểu về cơ cấu trao giải của ban tổ chức giữa các địa phương không đồng đều giống nhau, nên việc trao giải khác nhau", chị Tuyết Anh nói.

Một số phản ánh của phụ huynh cho rằng có nhiều dấu hỏi xung quanh việc tổ chức sân chơi. (Ảnh: NVCC).

Một số phản ánh của phụ huynh cho rằng có nhiều dấu hỏi xung quanh việc tổ chức sân chơi. (Ảnh: NVCC).

Bức xúc về điều này, chị Tuyết Anh đã gửi tin nhắn qua fanpage cũng như gọi số hotline của ban tổ chức nhưng không nhận được phản hồi.

Còn vào năm học 2021-2022 (số điểm tối đa khác với năm 2022-2023), chị cũng đã rất bức xúc về cách trao giải của ban tổ chức tại cuộc thi cấp tỉnh.

"Năm học 2021-2022, con trai của tôi học lớp 5 thi vòng tỉnh được 380 điểm nhưng không được nhận giải gì. Trong khi đó, có cháu được 280 điểm lại nhận giải Nhì.

Tôi đã gọi đến số tổng đài và mất 700 nghìn đồng tiền cước phí nhưng vô ích. Sang năm tôi sẽ không cho hai cháu tham gia bất kể môn thi nào của cuộc thi này nữa", chị Tuyết Anh bức xúc nói.

Chia sẻ về cuộc thi (cách gọi của phụ huynh nhưng thực chất tên chính thức là sân chơi - PV) Violympic, anh Nguyễn Đức Thái cho rằng, bên cạnh lỗi về kĩ thuật, cách tổ chức tôi cũng thấy có nhiều vấn đề, không có giám sát chéo, dẫn đến kết quả thi không có sự công bằng cho các thí sinh ở từng địa phương.

Ví dụ như, trong cùng một vòng thi cấp tỉnh, ca thi buổi sáng và ca thi buổi chiều có một số câu hỏi giống nhau.

Anh Thái cho biết, tại vòng thi cấp quốc gia với nội dung đề thi theo đánh giá là khó nhưng nhiều em đạt điểm tối đa trong vòng chưa tới 10 phút.

Tiêu chí xét thí sinh vào vòng quốc gia cũng không thống nhất. Ví dụ như tại Hà Nội, thí sinh muốn lọt được vào vòng thi quốc gia, phải có số điểm thi cấp tỉnh từ 260 điểm trở lên. Đối với vòng thi cấp quốc gia, giáo viên chủ nhiệm có nhắn là yêu cầu thí sinh phải từ 280 trở lên.

"Số điểm này không nằm trong tiêu chí của ban tổ chức, mà do mỗi địa phương tự quyết định, đây là một bất cập.

Tôi cho rằng, một cuộc thi trực tuyến tầm cỡ quốc gia cho học sinh thì yếu tố đặt ra hàng đầu phải là chất lượng về mặt kỹ thuật, rồi đến công tác tổ chức chặt chẽ, đồng bộ để từ đó đánh giá công bằng, trung thực nhất chất lượng của các thí sinh tham dự. Như vậy, khi các con có kết quả không cao nhưng chúng vẫn vui, vì đó là thực chất của mình để cố gắng hơn", anh Thái nói.

Tham gia thi Vioedu, phụ huynh cho rằng bài của con bị máy chấm điểm sai?

Có con tham gia sân chơi "Đấu trường Toán Vioedu", chị Lê Thái (trú tại tỉnh Bến Tre) cho hay, năm học 2022-2023, con chị học lớp 2 với học lực giỏi và vào sáng 31/3, con tham gia vòng thi cấp huyện "Đấu trường Toán học".

Nội dung của bài thi gồm 30 câu với thời gian 20 phút, con đều làm được hết. Khi có kết quả máy báo sai 10/30 câu, con rời khỏi phòng thi trong tâm trạng ấm ức, khóc lóc vì cho rằng máy đã chấm không đúng.

Con chị Thái nhớ được 2 câu hỏi bị máy chấm sai. (Ảnh: NVCC)

Con chị Thái nhớ được 2 câu hỏi bị máy chấm sai. (Ảnh: NVCC)

"Tôi hỏi các phụ huynh khác xem con họ có gặp tình trạng tương tự như vậy hay không, họ bảo rằng có. Sau đó, tôi có nhắn qua zalo cho bộ phận kĩ thuật và mong được phúc khảo bài thi nhưng không nhận được câu trả lời", chị Thái chia sẻ.

Chị Thái cho biết, chị được thông báo qua zalo là sẽ phản hồi sau ngày 31/3 nhưng sau đó chỉ là sự im lặng thiếu trách nhiệm (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Chị Thái cho biết, chị được thông báo qua zalo là sẽ phản hồi sau ngày 31/3 nhưng sau đó chỉ là sự im lặng thiếu trách nhiệm (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Đăng ký tài khoản Violympic - Vioedu, học sinh phải khai "tất tần tật"

Để đăng ký tài khoản tham gia vào hệ thống ôn luyện, thi các vòng Violympic, người dùng nếu là học sinh ngoài việc phải nêu thông tin họ tên, còn là địa chỉ email, số điện thoại, quê quán, trường học, khối, lớp.

Khi đăng nhập được vào hệ thống, giao diện của Violympic hiển thị về số lượng học sinh dự thi online tại các địa phương, nơi có đông người dùng như Thành phố Hà Nội (17065), tỉnh Ninh Bình (11277), Phú Thọ (10842)...

Để đăng ký tham gia Violympic, người dùng phải điền thông tin cá nhân như email , số điện thoại, trường...

Để đăng ký tham gia Violympic, người dùng phải điền thông tin cá nhân như email , số điện thoại, trường...

Đăng tải công khai trên trang web Violympic, trong mục Quy chế sử dụng website Violympic có giới thiệu: "Violympic là cuộc thi giải Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh và Vật Lí Quốc gia trên Internet bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc, được Bộ Giáo dục và Đào tạoViệt Nam và Tập đoàn FPT phối hợp chỉ đạo tổ chức".

Trên một tờ báo đã đăng tải thông tin về vòng chung kết quốc gia Violympic 2022-2023 diễn ra ngày 8, 9/4/2023 thu hút hơn 100.000 thí sinh cả nước tham gia, cao gấp 6 lần so với thời điểm dịch bệnh.

Tại cuộc thi năm nay (2023), mở môn thi Vật lý cho khối 12; Tiếng Việt cho khối 2, 3, 4, 5; Toán - tiếng Anh khối 4, 5, 6, 8 (thêm khối 5, 6) và Toán - Tiếng Việt cho toàn bộ khối lớp từ lớp 2 tới lớp 10, thêm khối 6, 7, 8 ,10 so với năm trước.

Thông báo của Ban tổ chức Violympic về vòng thi Cấp Quốc gia Violympic môn Toán, Vật lí, Tiếng Việt năm học 2022-2023.

Thông báo của Ban tổ chức Violympic về vòng thi Cấp Quốc gia Violympic môn Toán, Vật lí, Tiếng Việt năm học 2022-2023.

Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên sân chơi có thêm môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học, nâng tổng số học sinh tham gia lên tới 3 triệu trong năm học này. Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Vũng Tàu, Kiên Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk là những địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia cao và liên tục qua các năm.

Trung bình mỗi năm sẽ có 4 - 6 triệu học sinh tham gia sân chơi, 8.000-10.000 học sinh đạt giải…

Đại diện Ban tổ chức Violympic cho biết, sân chơi đã hoàn thiện việc nâng cấp các tính năng nhằm tăng cường bảo mật thông tin tài khoản học sinh, giáo viên như yêu cầu xác thực tài khoản đăng ký mới, cấp mật khẩu thông qua mã OTP...[1]

Người dùng phải mua khóa học để ôn luyện trên Vioedu. (Ảnh: website)
Người dùng phải mua khóa học để ôn luyện trên Vioedu. (Ảnh: website)

Báo điện tử VNXPRESS thông tin, vào năm 2021 riêng "Đấu trường Toán VioEdu" thu hút hơn 110.000 học sinh tham gia sau hai tháng tổ chức. Trong đó, số lượng thí sinh có thang điểm trên 200 (đủ điều kiện vào vòng Sơ loại) là 22.600 (chiếm 20% tổng thí sinh dự thi), có 6 học sinh đạt điểm tuyệt đối. [2]

Còn trên website của Vioedu, ứng dụng này từ 1.5 triệu tài khoản năm 2020 lên hơn 13 triệu tài khoản vào tháng 12/2022. [3]

Hệ thống giáo dục trực tuyến Vioedu - Violympic. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hệ thống giáo dục trực tuyến Vioedu - Violympic. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Để có thông tin khách quan về các phản ánh của phu huynh và vấn đề bảo mật thông tin tài khoản người tham gia Vioedu - Violympic, ngày 9/5, phóng viên đã đến trực tiếp Công ty TNHH Phần mềm FPT (Hệ thống giáo dục trực tuyến Vioedu - Violympic). Tuy nhiên, một cán bộ ở đây đề nghị phóng viên gửi nội dung câu hỏi đến email của công ty để bộ phận truyền thông trả lời.

Ngày 12/5, phóng viên đã gửi nội dung câu hỏi vào email violympic@fpt.edu.vn.

Đến ngày 13/6, phóng viên vẫn không nhận được phản hồi nên đã liên hệ với số điện thoại hotline của đơn vị này là 0353055060 và được cho thông tin email của 1 cán bộ trưởng phòng truyền thông.

Ngày 4/7, phóng viên liên lạc số điện thoại hotline của ban tổ chức và được thông báo vị Trưởng phòng truyền thông đã "nghỉ việc"... Các nội dung phóng viên trao đổi tiếp tục rơi vào im lăng. Đến đây, phóng viên hoàn toàn chia sẻ với các phụ huynh khi phản ánh của họ liên quan đến sân chơi Violympic và Vioedu bị rơi vào im lặng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Violympic khởi nguồn là cuộc thi giải Toán qua mang của học sinh phổ thông được bắt đầu triển khai từ năm 2008 do Tập đoàn FPT tổ chức. Hiện nay, cuộc thi này được gọi là sân chơi các môn về Toán – Tiếng Việt – Tiếng Anh trên Internet cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Ngoài sân chơi Violympic, Tập đoàn FPT còn tổ chức một sân chơi nữa được các Sở, trường giới thiệu đến học sinh là Đấu trường Toán học VioEdu.

Tài liệu tham khảo:

1/ https://vnexpress.net/hon-100-000-hoc-sinh-thi-chung-ket-quoc-gia-violympic-4590382.html

2: https://vnexpress.net/22-600-thi-sinh-dau-truong-toan-hoc-vioedu-vao-vong-so-loai-4335358.html

3: https://vio.edu.vn/tin-tuc/nhung-su-kien-noi-bat-nhat-vioedu-2022

Mạnh Đoàn