Hành trình cảm xúc khi lần đầu tiên xã đảo Thạnh An đón SV sư phạm đến thực tập

10/05/2024 09:43
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mỗi GV, HS và SV thực tập tại xã đảo Thạnh An là một “sắc màu” rực rỡ, tạo nên bức tranh tươi sáng về một môi trường giáo dục tích cực và thân thiện.

Ngày 10/5, các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành kỳ thực tập kéo dài 70 ngày tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên xã đảo Thạnh An đón sinh viên sư phạm đến thực tập.

Các bạn sinh viên đã mang lại một nguồn năng lượng mới cho xã đảo với sự nhiệt huyết và khả năng sáng tạo không giới hạn của mình.

Ảnh 1.jpg
Lễ tổng kết khóa thực tập của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học tại Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: NTCC

Trong suốt quá trình thực tập, 10 sinh viên năm tư (3 sinh viên ngành Giáo dục mầm non, 7 sinh viên ngành Giáo dục tiểu học) đã đóng góp vào việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Trường Mầm non Thạnh An và Trường Tiểu học Thạnh An. Các bạn không chỉ mang đến những phương pháp giảng dạy mới mẻ mà còn tạo nên một không khí học tập sôi nổi và đầy hứng khởi cho học sinh.

"Làn gió mới" của xã đảo Thạnh An

Tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Huỳnh Thúy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An bày tỏ, sinh viên thực tập tại xã đảo tựa như một bảng màu sặc sỡ, nơi mỗi cá nhân tỏa sáng với cá tính độc đáo của riêng mình.

Điểm nổi bật nhất là dù mang nhiều cá tính khác biệt, tất cả các bạn đều hướng tới một mục đích chung: cống hiến cho việc giáo dục và bồi dưỡng thế hệ mầm non tương lai của đất nước, tiếp tục sứ mệnh cao cả của công cuộc "trăm năm trồng người".

cô Ngân.jpg
Cô Huỳnh Thúy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An. Ảnh: NVCC

Cô Ngân cho biết, các bạn sinh viên thực tập không chỉ tràn đầy năng lượng và sự sáng tạo, mà còn có một tinh thần hăng say và khát khao học hỏi vô bờ. Cùng với tinh thần tích cực, không ngần ngại thừa nhận thiếu sót và luôn sẵn sàng điều chỉnh của các bạn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các giáo viên nơi đây.

“Ban giám hiệu và giáo viên của trường luôn tạo điều kiện cho các bạn trong thời gian thực tập tại trường. Việc xem các bạn như người nhà, hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở cho các bạn giúp các bạn yên tâm thực tập và hòa hợp nhanh với môi trường tại đảo”, cô Ngân nói.

Em Nguyễn Thị Bích Trâm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thực tập tại Trường Mầm non Thạnh An chia sẻ: “Ban đầu chúng em cũng gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với môi trường mới và với các bạn nhỏ. Khi ấy, các giáo viên tại trường luôn giúp đỡ tạo điều kiện để chúng em hòa nhập với trường lớp, tương tác hiệu quả với trẻ.

Kỹ năng đứng tiết của chúng em đã cải thiện rất nhiều trong quá trình thực tập. Được các cô hỗ trợ thực hành lên tiết, được tiếp xúc nhiều với các bé nên tụi em đã nắm vững cách tổ chức hoạt động dạy học phù hợp”.

z5408712656795_55da1906225e36d30bb62cb70491ac14 (1).jpg
Bích Trâm đang chơi giao lưu cùng các bạn nhỏ tại Trường Mầm non Thạnh An. Ảnh: NVCC

Với Trâm, màu sắc đại diện cho giáo viên và học sinh tại Thạnh An là màu xanh lá cây. Bởi màu xanh lá cây thể hiện sự tươi mới, sự sống và hy vọng của cuộc sống và môi trường giáo dục mới đây. Giáo viên, sinh viên thực tập và học sinh là đều là những cá nhân đang không ngừng cố gắng, với đầy ắp hoài bão và mong muốn vươn tới những tầm cao mới.

Còn với thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, màu xanh dương là màu sắc mang đến sự sáng tạo và tràn đầy năng lượng, là màu sắc lý tưởng để mô tả các bạn sinh viên thực tập đến từ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

thầy bình.jpg
Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: NVCC

Tại Trường Tiểu học Thạnh An, sự xuất hiện của các sinh viên đã mang đến một làn gió mới, khiến học sinh trở nên năng động và hào hứng hơn.

Trong suốt thời gian làm việc với nhà trường, tuy kinh nghiệm của các bạn chưa có nhiều, song các bạn đã đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo và đổi mới, tích cực đóng góp vào các hoạt động chung của trường. Nhờ vậy, không chỉ học sinh mà cả nhà trường cũng cảm nhận được nhiều sự mới mẻ và phong phú hơn trong cách tiếp cận giáo dục.

20571d75827823267a69.jpg
bce615c48ac92b9772d8.jpg
Hoạt động trải nghiệm dưới cờ tại Trường Tiểu học Thạnh An. Ảnh: NTCC

Với 19 năm kinh nghiệm làm việc tại Trường Tiểu học Thạnh An, thầy Bình đã chứng kiến biết bao thăng trầm và sự thay đổi của ngôi trường này, từ những ngày còn thiếu thốn trang thiết bị và gặp khó khăn trong đi lại, đến nay, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện nhiều, đảm bảo chất lượng cho học sinh theo học tại trường.

Trong suốt 19 năm đó, lần đầu tiên trường và huyện được chào đón các sinh viên thực tập, đây là một dấu mốc đáng nhớ của xã đảo. Sự kiện này mang lại cho thầy Bình cảm xúc đặc biệt, có niềm vui hân hoan xen lẫn với chút lo lắng và bồi hồi. Hình ảnh các bạn sinh viên khiến thầy nhớ lại những ngày đầu bước vào hành trình thực tập của mình.

Giờ đây, trên cương vị là người hướng dẫn, thầy cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc khi được truyền dạy kinh nghiệm cho lớp đàn em, những sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nhà trường vô cùng trân trọng khi các bạn sinh viên thực tập tình nguyện về nơi xã đảo xa xôi này. Chúng tôi luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất cho các bạn. Trong quá trình hướng dẫn, nhà trường đã phân công những giáo viên hướng dẫn giỏi nhất, có chuyên môn vững vàng để sinh viên được học tập toàn diện”, thầy Bình cho hay.

Được biết, Trường Tiểu học Thạnh An có 2 cơ sở, vậy nhưng cả trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh, điều này là thách thức lớn đối với trường và cũng là thiệt thòi đối với học sinh tại đây.

Trong đợt thực tập vừa qua, tuy sinh viên không học ngành Sư phạm tiếng Anh, nhưng nhờ vào khả năng ngoại ngữ xuất sắc của các bạn, nhà trường vẫn được hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là trong dự án Liên hoan phim tiếng Anh cấp Tiểu học.

Dự án Liên hoan phim tiếng Anh cấp Tiểu học là một sự kiện đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong sự hợp tác giữa các bạn sinh viên, học sinh và giáo viên tại trường. Sinh viên thực tập đã tham gia hỗ trợ nhà trường trong từng bước của quá trình sản xuất, từ việc soạn thảo kịch bản đến dàn dựng và quay phim, góp phần mang về giải Nhì cho trường trong phạm vi cấp huyện.

liên hoan phim.jpg
Học sinh, sinh viên và giáo viên khi đang chuẩn bị cho dự án Liên hoan phim tiếng Anh cấp Tiểu học. Ảnh: NTCC

Em Trần Thị Như Quỳnh, sinh viên thực tập tại Trường Tiểu học Thạnh An cho biết: “Khi mới bắt đầu thực tập tại trường, em còn hơi rụt rè khi đứng lớp. Mặc dù trong quá trình học ở trường, em đã thực hành rất nhiều với các bạn, nhưng khi đối diện với các bạn học sinh nhỏ hơn mình thì việc vận dụng những kỹ năng của bản thân để hướng dẫn các bạn sao cho dễ hiểu vẫn là 1 thách thức, nhất là khi giảng dạy môn toán cho học sinh lớp 5.

Sau kỳ thực tập này, các giáo viên hướng dẫn cũng như các giáo viên trong trường đã giúp em nhận ra khuyết điểm của mình để tự bản thân có thể vượt qua nỗi sợ đó, vượt qua khuyết điểm đó và tự tin hơn”.

th 2.jpg
Sinh viên thực tập tự tin trên giảng đường. Ảnh: NTCC

Chia sẻ thêm về những ấn tượng với học sinh tại Trường Tiểu học Thạnh An, Quỳnh kể lại, khi mới tới trường, Quỳnh vô cùng bất ngờ khi thấy học sinh nam ở trường viết chữ rất đẹp. Đa số các bạn nam là người được lựa chọn để thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện.

Thêm vào đó, trong các tiết học, học sinh rất tự tin khi trình bày vấn đề. Các bạn sẵn sàng phản biện ý kiến với nhau mà không cần giáo viên phải yêu cầu, chính các bạn là những người chủ động nhận xét nhau, vậy nên những tiết học luôn rất hoạt náo và sôi động.

Kết thúc một hành trình đầy cảm xúc

Ngày 10/5, sinh viên thực tập tại Trường Mầm non Thạnh An đã khép lại kỳ thực tập của mình. Trước đó, vào ngày 3/5, sinh viên thực tập tại Trường Tiểu học Thạnh An cũng kết thúc quá trình thực tập.

Hành trình thực tập tại xã đảo Thạnh An đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi giáo viên, sinh viên và học sinh.

“Khi bắt đầu thực tập tại đây, chúng em được sự quan tâm, giúp đỡ rất nhiều từ Ban giám hiệu, giáo viên và những người dân sống ở xã đảo Thạnh An. Mọi người rất yêu quý, hỗ trợ tụi em tận tình.

Có lẽ vì thế nên tụi em có nhiều tiếc nuối, lưu luyến khi kết thúc đợt thực tập và phải xa mọi người. Em hy vọng rằng những gì chúng em đã làm có thể để lại ấn tượng và góp phần vào sự phát triển của cộng đồng và học sinh tại Thạnh An”, Bích Trâm bộc bạch.

Kết thúc kỳ thực tập cũng là lúc phải chia tay các bạn sinh viên thực tập tràn đầy năng lượng tích cực. Trường Tiểu học Thạnh An và Trường Mầm non Thạnh An giờ đây lại trở về với những công việc thường nhật như bao năm qua.

Cô Ngân gửi lời cảm ơn các sinh viên vì đã chọn trường làm cơ sở thực tập của mình. Cô cũng gửi lời chúc đến những giáo viên tương lai sức khỏe, thành công trên con đường mình đã chọn và bày tỏ mong muốn Trường Mầm non Thạnh An sẽ tiếp tục trở thành điểm đến trong kỳ thực tập của các bạn sinh viên khóa tiếp theo.

Dù không còn đồng hành cùng nhau, nhưng kỳ thực tập vừa qua sẽ là bước đệm cho nhiều kỳ thực tập sắp tới của các sinh viên sư phạm. Xã đảo Thạnh An rồi sẽ lại được đón chào những gương mặt mới, những nguồn năng lượng tươi trẻ mới trong thời gian tới.

Thầy Bình tiếc nuối: “Trong quá trình làm việc với nhau, Nhà trường và các sinh viên thực tập đã có nhiều kỷ niệm đẹp, nên khi chia tay cũng có chút bịn rịn. Tôi thấy buồn vì hàng ngày không còn được nhìn thấy các bạn lên lớp vui đùa với học sinh, tham gia các hoạt động của nhà trường nữa.

Tuy rất muốn các bạn thực tập thêm một thời gian, nhưng tôi hiểu rằng điều gì cũng sẽ có giai đoạn. Chúng ta cần kết thúc một hành trình cũ để bắt đầu một hành trình mới”.

Thầy Bình nhắn nhủ rằng các bạn trẻ hãy cống hiến hết mình cho nghề. Dù ở thành thị thuận lợi hay nơi xa xôi nhiều khó khăn, các bạn cũng hãy dành hết tâm huyết để gieo những con chữ mình đã học được cho học sinh. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, hãy làm hết trách nhiệm lương tâm của người thầy.

Châu Anh