SV ngành Y sinh chế tạo chế phẩm hỗ trợ đắc lực cho người nuôi tôm

06/05/2023 06:30
An Nguyên - Quang Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với mong muốn thành “trợ thủ đắc lực” cho những người nuôi tôm tại Việt Nam, nhóm sinh viên ngành Khoa học Y sinh đã chế tạo chế phẩm sinh học Tom Probiotics.

Sản phẩm Tom Probiotics - Chế phẩm sinh học nuôi tôm của nhóm sinh viên ngành Y sinh Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – VNUK (Đại học Đà Nẵng) đã xuất sắc vượt qua các đối thủ để giành giải ba cuộc thi "học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" (SV-STARTUP) lần thứ 5 vừa diễn ra tại Huế.

Tom Probiotics là “con đẻ” của nhóm bạn gồm 4 sinh viên: Lan Anh, Ngọc Ánh (cùng khóa 19BMS), Thiên Ý (khóa 20BMS) và Nhân Kiệt (khóa 22BMS) thuộc ngành Khoa học Y Sinh (BMS) của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh.

Nhóm sinh viên khoa Y sinh của VNUK giành giải ba cuộc thi học sinh, sinh viên với khởi nghiệp toàn quốc lần thứ 5 diễn ra tại Huế. Ảnh: QS

Nhóm sinh viên khoa Y sinh của VNUK giành giải ba cuộc thi học sinh, sinh viên với khởi nghiệp toàn quốc lần thứ 5 diễn ra tại Huế. Ảnh: QS

Theo Lan Anh, xuất phát từ những kiến thức đã học trên giảng đường, nhóm bạn muốn chế tạo một loại chế phẩm sinh học nuôi tôm thân thiện với người dùng, cung cấp chất dinh dưỡng và các vi sinh vật cho đối tượng chính là tôm.

Từ ý tưởng đó, cả nhóm đã họp bàn lại với nhau để tìm kiếm tài liệu, liên tục nghiên cứu và làm mẫu thử. Chờ đợi kết quả kiểm định từ các phòng lab hay 8 tiếng miệt mài trong phòng nghiên cứu có lẽ là điều bình thường đối với các bạn trẻ này.

Sản phẩm có các tính năng chủ yếu như: xử lý mùn thải, làm sạch môi trường nước; cung cấp men tốt cho lợi khuẩn đường ruột tôm, tăng miễn dịch tôm; kháng sinh tự nhiên, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa cho tôm.

Đồng thời, sản phẩm có hiệu quả cao, quy trình sản xuất được đơn giản hóa và giá thành rẻ. Về giá trị giải pháp của dự án, các phương cách đem lại giá trị tương tự như dự án đã và đang bị lỗi thời bởi những tính năng đem lại không thể bắt kịp với mức độ kháng thuốc, vô hiệu hóa của kháng nguyên và vi khuẩn gây bệnh”, Lan Anh chia sẻ.

Còn theo Ngọc Ánh, Tom Probiotics, chế phẩm sinh học dạng bột là trợ thủ đắc lực trong ngành nuôi tôm. Dự án đem lại giá trị về mặt kinh tế và hơn hết là tăng sức sống của tôm, cải thiện môi trường nước, góp phần đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.

Thực tế trên thị trường, người dân đang dần tẩy chay sản phẩm sẵn có của Trung Quốc và tin dùng các sản phẩm từ doanh nghiệp trong nước.

Nói về tính độc đáo của sản phẩm, Ngọc Ánh chia sẻ rằng, chế phẩm là phiên bản mới nhất được ra đời từ việc sửa lỗi các chế phẩm hiện có trên thị trường và tích hợp chức năng mới: ổn định độ pH của nước.

Sản phẩm không yêu cầu người dùng có kinh nghiệm tương đối về thủy sản và hiểu biết sâu về các chế phẩm hiện có. Chế phẩm đem lại giá trị vượt trội từ các kĩ thuật thông thường.

Về tính khả thi, sản phẩm nhắm đến hướng đối tượng khách hàng chủ yếu là các chủ hộ nuôi trồng thủy sản và các gia đình làm nghề tương tự liên quan. Chế phẩm dạng bột mang lại cho người dùng sự dễ dàng trong việc trải nghiệm sản phẩm.

Chế phẩm được tạo ra nhờ các kĩ thuật công nghệ sinh học đơn giản trong phòng thí nghiệm và cơ sở điều chế, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng và thích nghi với sự cải tiến.

Qua nhiều lần chế tạo, thử nghiệm, nhóm Lan Anh lần đầu mang sản phẩm của mình tham dự cuộc thi cuộc thi VNUK Innovation Challenge 2022 - Cuộc thi Thách thức Đổi mới Sáng tạo VNUK do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức.

Tom Probiotics - Chế phẩm sinh học nuôi tôm được kỳ vọng sớm có mặt trên thị trường. Ảnh: QS

Tom Probiotics - Chế phẩm sinh học nuôi tôm được kỳ vọng sớm có mặt trên thị trường. Ảnh: QS

“Ngay lần đầu tham dự, sản phẩm của nhóm đã được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao bởi khả năng ứng dụng thực tiễn. Với ngôi vị quán quân cuộc thi, chúng em tiếp tục cải tiến sản phẩm để tham gia sân chơi ngày hội khởi nghiệp quốc gia SV-STARTUP, dành cho sinh viên khởi nghiệp trên toàn quốc diễn ra tại Huế”, Nhân Kiệt cho hay.

Lần đầu tiên đến với một đấu trường mang tầm cỡ quốc gia, nhóm nghiên cứu không khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn.

Nhưng nhờ vào sự đầu tư, chăm chút từng công đoạn nghiên cứu, chế tạo, Tom Probiotics đã thuyết phục được ban giám khảo cũng như sự công nhận của khách tham quan, doanh nghiệp đầu tư.

Tại khối thi dành cho sinh viên, có 50 đội thi thuộc khối sinh viên đến từ các trường đại học trên toàn quốc đều được chia thành 5 nhóm lĩnh vực, mỗi nhóm có tổng cộng 10 đội thi. TOM đã trở thành đội thi xuất sắc nhất trong lĩnh vực Nông – Lâm - Ngư nghiệp.

“Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng. Dự án Tom Probiotics được đánh giá có tiềm năng rất lớn, có thể giải quyết được nhiều vấn đề của giống tôm hiện nay.

Chúng em sẽ không ngừng cải tiến sản phẩm để có thể mang sản phẩm này đến tận tay người nông dân, góp phần giảm lượng vi sinh vật gây bệnh, vừa làm sạch ao nuôi hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí cho ngành ngư nghiệp Việt Nam”, Lan Anh hào hứng nói.

An Nguyên - Quang Sáng