Chiều ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân.
Xem xét sửa đổi quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay, có 09 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy.
“Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình; về phòng cháy, chữa cháy cho máy móc, thiết bị, cả thiết bị điện có Quy chuẩn 01/2020 do Bộ Công Thương ban hành; có Quy chuẩn 03/2021 về phương tiện phòng cháy, chữa cháy do Bộ Công an ban hành; có Quy chuẩn 01/2019 về hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho kho chứa, cảng nhập và trạm phân phối khí đốt do Bộ Công an ban hành. Ngoài ra còn có một số quy chuẩn khác có liên quan.
Theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong chiều ngày 31/5. Ảnh: quochoi.vn. |
Về quá trình sửa đổi, ban hành Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình. Sau khi ban hành lần đầu, đến nay Quy chuẩn 06 được sửa đổi 2 lần.
Các phiên bản quy chuẩn có nội dung sửa đổi không lớn. Các quy chuẩn được sửa đổi thay thế của nội dung tương đồng có tính kế thừa và nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp lựa chọn cho các đối tượng công trình.
Các yêu cầu an toàn cháy của Quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm, theo quy mô tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng.
Quy chuẩn 06 có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố, công trình đã áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Đồng thời, khi so sánh quy định cơ bản Quy chuẩn 06 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn một số quốc gia khác, thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của Quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp. Đối với nhóm nhà xưởng công nghiệp, nhóm nhà dân dụng quy mô trung bình trở lên và nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng làm rõ: Thứ nhất, Quy chuẩn 06 không có quy định nào về sơn chống cháy. Ngoài ra, Quy chuẩn 06 cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao với diện tích lên đến 25.000 m2 không cần bọc, không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Các hạng cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Như vậy, theo Quy chuẩn 06 thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép.
Thứ hai, Quy chuẩn 06 chỉ quy định các nội dung cơ bản về cấp nước chữa cháy như lưu lượng, áp suất, thời gian đối với cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà tùy thuộc quy mô, công năng của công trình để phục vụ thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy; và không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. Nội dung này nằm trong Tiêu chuẩn 389.090 do các cơ quan khác biên soạn, trong đó quy định rõ nhà và công trình có công năng gì, quy mô nào thì phải trang bị những hệ thống trên.
Ngoài ra, Quy chuẩn 06 cũng đã linh hoạt, cho phép Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.
Thứ ba, về phản ánh về các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cháy cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể. Bộ Xây dựng đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc này, đã gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương vào ngày 26/5/2023.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin thêm, đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống.
Vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích công năng sử dụng mục đích sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước, cũng như việc tổ chức không gian kiến trúc kết cấu cho nhà ở riêng lẻ nay phải cải tạo để đáp ứng quy chuẩn là rất khó.
Các nội dung ý kiến phản ảnh khác liên quan đến Quy chuẩn 06 đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, có ý kiến tiếp thu, giải trình, hướng dẫn cụ thể và đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi nghiên cứu khảo nghiệm thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ trân trọng lắng nghe cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn; xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng tài sản của Nhân dân.
Đôn đốc Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
Báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này; đồng thời ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo,xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 31/5. Ảnh: quochoi.vn. |
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 12.000 tỷ. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay vốn là 441 tỷ, Đà Nẵng công bố nhu cầu vay vốn là 545 tỷ, Trà Vinh công bố nhu cầu vay vốn là 420 tỷ, Bắc Giang công bố nhu cầu vay vốn là 4.527 tỷ và Hải Phòng công bố nhu cầu vay vốn là 3.892 tỷ.
Thực tế, các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ như nhu cầu công bố của các địa phương.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, như là:
Tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để triển khai hiệu quả thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ.
Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập.