Trường ĐH đang thống kê tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm bằng cách nào?

20/06/2023 06:35
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thông thường, trước khi sinh viên nhận quyết định tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải thực hiện khâu khảo sát về việc làm.

Theo Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ), trong đó có quy định chỉ tiêu tuyển sinh đại học cùng lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng của lĩnh vực đó đạt dưới 80%.

Ngoài ra, theo quy định, các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số cơ sở giáo dục đại học, con số thống kê về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đều có thông số rất đẹp. Điều này đặt ra những thắc mắc băn khoăn việc thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm theo tiêu chí, cách thức ra sao và sinh viên có làm việc đúng ngành đào tạo hay không?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, con số được đưa ra dựa trên các khảo sát thực tế lấy từ chính các sinh viên. Vị này khẳng định, với phương án mà trường này đang áp dụng thì con số được công bố trong đề án tuyển sinh thể hiện khá chính xác với hiện trạng thực tế.

Cụ thể, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung cho biết: "Thông thường, trước khi sinh viên nhận quyết định tốt nghiệp thì các nhà trường đại học phải thực hiện khâu khảo sát về việc làm.

Khi các em lên làm hồ sơ thì sẽ được phát các phiếu khảo sát hoặc gửi đường link của form khảo sát. Sinh viên sẽ điền các thông tin được ghi trên mẫu đó, nhà trường sẽ căn cứ vào việc làm mà sinh viên đã ghi để tổng hợp và tính tỉ lệ để sau này đưa con số vào thống kê vào đề án tuyển sinh".

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường

Lý giải thêm về tính chính xác của con số được công bố trong đề án tuyển sinh, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung cho hay, đa phần các sinh viên trong thời gian đang theo học tại trường này đã có thể tự kiếm được việc làm theo đúng chuyên ngành được đào tạo.

Một số sinh viên học năm nhất tại trường khi đi kiến tập đã tiếp xúc với doanh nghiệp và có mối quan hệ để có thể định hướng được công việc cho bản thân sau khi ra trường. Sau đợt thực tập, các sinh viên làm những công việc được doanh nghiệp yêu cầu, nếu doanh nghiệp nhận thấy được khả năng của sinh viên đó thì cơ hội được nhận vào làm việc chính thức cũng tương đối cao.

Một số khác sau khi ra trường và có giấy chứng nhận tốt nghiệp, các em chủ động tìm kiếm việc làm trước ngày nhận bằng tốt nghiệp. Đến ngày làm thủ tục để nhận quyết định tốt nghiệp, sinh viên đã có công việc cụ thể để ghi vào trong mẫu khảo sát đó.

"Trong số này, có thể một số sinh viên chọn công việc không đúng với chuyên ngành đã được học. Tuy nhiên, những ngành nghề đó cũng xuất phát từ nhu cầu của các sinh viên và chính từ quá trình tư vấn hướng nghiệp lúc các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Và chúng tôi coi đó là các em đã có ngành nghề sau khi tốt nghiệp.

Chỉ còn số lượng rất ít chưa đến 5% là các sinh viên chưa có việc làm chủ yếu rơi vào nhóm sinh viên có tâm lý chờ nhận xong bằng tốt nghiệp mới đi xin việc hoặc các sinh viên chờ để xin các công việc theo đúng chuyên ngành đã được học.

Tại Trường Đại học Gia Định, theo khảo sát những năm gần đây, mỗi lứa sinh viên ra trường, đa số các em đều có việc làm", Thạc sĩ Chung cho biết.

Ngoài ra, vị Hiệu phó Trường Đại học Gia Định cũng cho rằng: "Có thể khi công bố con số tỉ lệ về việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên tại một số cơ sở giáo dục là cao, khiến nhiều người có tâm lý hồ nghi. Tuy nhiên, theo thực tế tại trường thì việc này cần tuân thủ theo các quy định nhất định để cho ra con số tổng hợp sau cùng.

Trong đó có việc chúng tôi phỏng vấn trực tiếp chính các sinh viên để lấy ý kiến về kết quả nghề nghiệp. Cán bộ lấy thông tin sẽ hỏi sinh viên đó xác nhận rằng, chắc chắn có nghề nghiệp hay chưa hoặc cần hỗ trợ, giới thiệu nghề nghiệp hay không.

Qua đó, cán bộ lấy thông tin cũng ghi nhận số lượng sinh viên có việc làm và chưa có việc làm trên thực tế. Từ đó nhà trường mới có số liệu chính xác để đưa ra con số thống kê theo từng năm vào trong đề án tuyển sinh".

Form thống kê thông tin sinh viên tốt nghiệp. Ảnh: Trung Dũng

Form thống kê thông tin sinh viên tốt nghiệp. Ảnh: Trung Dũng

Cùng bàn về nội dung trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên theo vị này, cần có nhiều kênh công khai thông tin về thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các trường đại học để phụ huynh, học sinh có thể dễ tiếp cận nhằm đảm bảo tính khách quan về các con số thể hiện trong đề án tuyển sinh của các trường.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhấn mạnh thêm: "Theo tôi, mẫu phiếu lấy thông tin thống kê sinh viên tốt nghiệp mà nhiều trường đang sử dụng hiện nay vẫn chưa thực sự toàn diện. Vì thế, có thể tại một số trường đại học, con số thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp được công bố trong đề án tuyển sinh chưa phản ánh sát hiện trạng thực tế của cơ sở giáo dục đó".

Ngoài ra, vị này cũng nêu quan điểm rằng, khi sinh viên thực hiện kê khai thông tin cũng có nhiều yếu tố khách quan khiến mẫu khảo sát thông tin bị chi phối.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định: "Các thông tin trong tờ khai đó có thể có người điền đầy đủ, có người không. Cũng có sinh viên đi làm chính thức hoặc đang trong quá trình thử việc, chưa nắm chắc tương lai có ổn định công việc tại cơ sở đó hay không nhưng có thể vì cái tôi, cái sĩ diện nên điền "bừa" vào phiếu đó.

Các trường đại học cũng khó để có căn cứ thẩm định tính chính xác mà các sinh viên kê khai. Như vậy, làm sao dám khẳng định thông tin mà sinh viên đã nêu là thực tế".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Qua đó, vị này cũng nêu lên một số góp ý với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo để trong quá trình áp dụng.

"Thông thường ở các trường đại học sẽ luôn có một tổ chức gọi là "Hội Cựu sinh viên", nếu các nhà quản lý muốn lấy số liệu chính xác về việc này thì thông qua hội này thường rất chuẩn xác.

Bên cạnh đó, nên lấy số liệu một cách có hệ thống, tại một trường nên duy trì lấy số liệu trong nhiều năm để có sự đối sánh, nếu lấy kết quả bất chợt trong một năm để đánh giá rằng cơ sở giáo dục đó đạt tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao hoặc thấp là chưa xác đáng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nên tạo ra công cụ kiểm soát thông tin. Đó có thể là thu thập thông tin từ chính các đơn vị, doanh nghiệp mà sinh viên kê khai xem thông tin rồi đối soát với thông tin từ các trường đại học công bố có thực tế hay không để tạo được so sánh công bằng nhất", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế bày tỏ.

Trung Dũng