Bộn bề khó khăn của trường cao đẳng nghề trong mùa tuyển sinh

20/08/2023 06:31
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công tác tuyển sinh năm 2023 của một số trường cao đẳng còn đối mặt với nhiều khó khăn. 

Hầu hết thí sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều có tâm lý muốn đi học đại học, điều này khiến công tác tuyển sinh năm 2023 của một số trường cao đẳng gặp khó khăn.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết, nhà trường đang tập trung triển khai công tác tuyển sinh năm 2023.

Năm 2023, trường tuyển sinh với 12 ngành nghề có nhu cầu cao về nhân lực trong và ngoài tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, trường ưu tiên giới thiệu cho sinh viên sau tốt nghiệp làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản với nhiều chính sách ưu đãi.

Trong đó, trường miễn học phí đối với hệ đào tạo trình độ trung cấp tất cả các ngành.Còn với 5 ngành đào tạo hệ cao đẳng trường áp dụng chính sách giảm 70% học phí, gồm: Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh điều hoà không khí, May thời trang, Hướng dẫn du lịch.

Tất cả các ngành nghề của trường học phí từ 5,5 triệu đồng/học kỳ. Nhiều học bổng, học phẩm cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vượt khó học giỏi.

Sinh viên Trường Cao đẳng Đồng Khởi trong giờ thực hành. (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Trường Cao đẳng Đồng Khởi trong giờ thực hành. (Ảnh: NTCC).

Thầy Dũng cho biết, nếu xét mặt bằng chung ở các trường cao đẳng, trung cấp, các ngành được giảm 70% học phí sẽ dễ dàng thu hút được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký. Tuy nhiên, đối với Trường Cao đẳng Đồng Khởi, việc triển khai tuyên truyền tuyển sinh đối với các ngành được miễn giảm học phí 70% tương đối chậm.

Tính đến ngày 15/8/2023, tỉ lệ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Đồng Khởi đạt 70-80%. Tuy nhiên, con số này vẫn đang được thống kê, chưa chắc chắn sinh viên có nhập học hay không.

Trong 12 ngành đào tạo của trường, ngành Kế toán doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không tuyển được sinh viên. Các ngành còn lại, trường duy trì tuyển sinh. Năm 2023, trường tuyển 780 chỉ tiêu/12 ngành.

Về chương trình đào tạo đối với trình độ cao đẳng, thầy Dũng chia sẻ, để chuẩn bị năm học mới, nhà trường rà soát, điều chỉnh cơ bản ở 2 nhóm ngành: Điện và Cơ khí.

Trong đó, điều chỉnh tập trung vào hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành, tăng các môn học mới đáp ứng khoa học kỹ thuật. Song, việc đưa vào các môn học mới sẽ được dạy từ năm học 2023-2024 nếu Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng hoàn thành việc tổng hợp, trình hội đồng trường thẩm duyệt và ban hành.

“Khi áp dụng chương trình học mới, sinh viên được tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật hiện đại nhiều hơn. Việc học lý thuyết trên lớp sẽ không nặng nề đối với sinh viên như trước đây. Đa phần các môn học đều được đan xen thực hành với lý thuyết để sinh viên có thể áp dụng ngay vào thực tế”, thầy Dũng chia sẻ.

Cũng theo thầy Dũng, để đảm bảo tăng thực hành cho sinh viên, ngoài việc đẩy mạnh gắn kết với các doanh nghiệp, nhà trường bắt buộc phải đầu tư trang thiết bị, máy móc mới. Tuy nhiên, việc này có nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Nguyên nhân do 3 năm gần đây nhà trường không được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị. Nếu được phân bổ kinh phí này trong năm học tới, nhà trường sẽ tập trung mua sắm trang thiết bị đối với một số ngành như: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh điều hoà không khí, Điện Công nghiệp, Cắt gọt kim loại. Bởi vì, đây là những ngành đào tạo không thể thiếu trang thiết bị máy móc để sinh viên học và thực hành.

“Để phục vụ sinh viên đi thực tập thực tế, nhà trường gửi sinh viên đến các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, máy móc hiện đại chứ không chọn các doanh nghiệp thiếu công nhân để cho sinh viên thực tập vào bù đắp phần thiếu nhân lực. Cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp lớn để các em được tham gia đảm nhận nhiều bộ phận khác nhau. Từ đó củng cố kiến thức, hình thành kỹ năng làm việc tốt hơn”, thầy Dũng chia sẻ.

Năm học 2023-2024, Trường Cao đẳng Đồng Khởi có 128 cán bộ giảng viên. Trong đó, giảng viên trình độ Thạc sĩ chiếm 78%, trình độ đại học 22%. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm làm việc và quản lý tại các doanh nghiệp, nhà máy, được tập huấn, bồi dưỡng tại nước ngoài. Đa phần các sinh viên sau khi ra trường đều được trang bị kỹ năng làm việc với tay nghề cao.

Cùng trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành – Phụ trách Bộ môn Cơ khí - Điện, Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tuyển sinh năm 2023 đối với các ngành đào tạo về cơ khí, điện của trường gặp khó khăn hơn mọi năm.

Hiện tại, các ngành đào tạo thuộc nhóm Cơ khí - Điện của trường bao gồm: Điện Công nghiệp, Tự động hoá công nghiệp, Lắp đặt điện công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Cơ khí hàn.

Theo thầy Thành, nhà trường phấn đấu chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này là 35 sinh viên/lớp/ngành nhưng không đạt. Nguyên nhân do hầu hết sinh viên đều có tâm lý phải học đại học, chưa kể cơ hội đỗ đại học cũng lớn; nhiều trường cao đẳng mở ngành học tương tự nên tính cạnh tranh cao.

Cũng như Trường Cao đẳng Đồng Khởi, về chương trình đào tạo, thầy Thành cho biết, Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới trên tinh thần tăng thời lượng thực hành cho sinh viên.

Theo đó, trước đây, sinh viên thực hành trên thiết bị mô phỏng, chưa được lắp ráp các chi tiết máy móc,... Còn tới đây, sinh viên được thực hành lắp ráp từ các thiết bị nhỏ, chi tiết hơn, sát với thực tế công việc khi đi làm.

Cũng theo thầy Thành, hiện các ngành đào tạo thuộc Bộ môn Cơ khí - Điện của trường được Bộ Giáo dục Pháp và doanh nghiệp đầu tư, tài trợ các thiết bị thực hành Điện - Tự động - Cơ khí hiện đại và an toàn lao động với 10 xưởng thực hành (Ví dụ như: Thực hành an toàn điện, thực hành điện cơ bản, thực hành quấn dây động cơ, thực hành Điện năng lượng mặt trời…).

Bên cạnh những thuận lợi, thầy Thành cũng chỉ ra một số khó khăn. Cụ thể, đầu ra của sinh viên trình độ cao đẳng cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, hiện đa số doanh nghiệp (lớn/nhỏ) trong nước có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thi công điện nhưng lương trả cho công nhân thấp. Trong đó, mức thu nhập của sinh viên khi mới ra trường được doanh nghiệp trả chỉ từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Thầy Thành cho rằng, mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng của sinh viên trình độ cao đẳng này đang “thua” một số lao động phổ thông (những công việc không đòi hỏi người lao động phải có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo đặc biệt: tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng, giúp việc, tạp vụ…). Do đó, sinh viên trình độ cao đẳng của trường có biểu hiện chán nản, một số em không muốn theo học hoặc chọn đi làm trong lĩnh vực không đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.

Ngọc Mai