Tuyển sinh ảm đạm, có trường cao đẳng Y chỉ 24 sinh viên nhập học

29/12/2021 06:32
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không đạt chỉ tiêu tuyển sinh, nguồn thu từ học phí giảm, nhiều trường cao đẳng Y phải chật vật xoay sở đủ cách để tồn tại.

Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng Y giảm sút do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và không đủ lực cạnh tranh vì một số trường đại học bắt đầu có những cơ chế mở, áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh mới để thu hút thí sinh.

Èo uột trong tuyển sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết, năng lực của trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên có thể đào tạo khoảng 1500 - 2000 sinh viên. Tuy nhiên, năm vừa rồi trường chỉ tuyển được 500 thí sinh, đạt 1/3 so với mức chỉ tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến lượng thí sinh giảm mạnh trong những năm gần đây là do ảnh hưởng của dịch Covid -19, chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp bị gián đoạn.

Mạng xã hội phát triển, học sinh có thêm cơ hội tiếp cận nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về thị trường việc làm, các em cũng có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân hơn.

Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học dần thực hiện cơ chế tuyển sinh mở, dễ dàng hơn, đa dạng các phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển học bạ. Chính vì vậy, những gia đình có khả năng tài chính sẽ cho con học đại học thay vì cao đẳng bởi họ quan niệm tấm bằng đại học có giá trị hơn và cũng được đánh giá cao khi đi xin việc.

Đồng thời cũng có nhiều gia đình lại cân nhắc giữa chi phí học tập phải bỏ ra và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp nên quyết định không cho con học cao đẳng để tiết kiệm chi phí. Thay vào đó, họ sẽ cho con đăng ký các khoá học nghề ngắn hạn hoặc đi làm công nhân.

Thực tế, địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều khu công nghiệp, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thường không học lên chuyên nghiệp mà sẽ đi làm ngay.

Tương tự, tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, năm 2021, số lượng sinh viên chính quy nhập học chỉ đạt 80% so với chỉ tiêu tuyển sinh đề ra.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Phú Thọ cho hay: "Theo tôi nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường cao đẳng Y tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là vì không đảm bảo được đầu ra, việc làm cho các em.

Ngoài ra, lương cán bộ, nhân viên y tế vẫn còn thấp, đặc thù công việc lại vất vả, áp lực. Những người thực sự yêu nghề mới theo đuổi và bám trụ được".

Èo uột trong tuyển sinh khiến nhiều trường cao đẳng Y phải chật vật gồng gánh, xoay sở đủ cách để tồn tại. Với các trường đang trong quá trình tự chủ tài chính, khó khăn lại chồng chất khó khăn bởi họ phải cân đối giữa các nguồn thu, chi, đảm bảo cơ sở vật chất, duy trì quỹ lương để giữ chân giảng viên.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị chia sẻ: “Năm vừa rồi trường chỉ tuyển sinh được 24 bạn. Tuy nhiên, sau khi nhập học, nhận được thông báo nộp học phí, một số sinh viên không đủ điều kiện chi trả nên đã xin thôi học.

Hiện tại, trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tự chủ 35% về tài chính. Lượng thí sinh tuyển vào ít ỏi, nguồn thu từ học phí sụt giảm nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả các khoản phí và lương giảng viên khoảng hơn 3 tỷ đồng mỗi năm”.

Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng Y giảm sút. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng Y giảm sút. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

Linh hoạt các phương thức tuyển sinh

Chia sẻ với Phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho thí sinh tại các trường trung học phổ thông tại các huyện, thị xã nên trường Cao đẳng y Thái Nguyên linh hoạt, tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, nền tảng Internet, tuyển sinh trực tuyến...

“Hiện tại, trường tuyển sinh quanh năm nhưng chú trọng 2 đợt là tháng 9 và tháng 11. Thí sinh cũng có thể đăng ký nhập học trực tuyến. Trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em đăng ký vào trường”, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, nhà trường đã chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh năm 2022. Kết thúc học kỳ I, trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên sẽ liên hệ các trường phổ thông, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để truyền tải thông tin đến học sinh, sau Tết bắt đầu triển khai chiến lược tuyển sinh diện rộng.

Nhà trường cũng phối hợp với các đơn vị đào tạo ngoài nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên. Sau khi các em tốt nghiệp có thể đi xuất khẩu lao động điều dưỡng, làm việc ở Đài Loan, Đức.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, nhà nước nên có kế hoạch đặt hàng các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, cam kết đầu ra cho người học.

“Thực tế nhiều địa phương chưa đáp ứng định mức tối thiểu về nguồn nhân lực bác sỹ, điều dưỡng, song thực trạng tuyển sinh tại các trường cao đẳng Y những năm gần đây lại rất ảm đạm.

Chính vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ cho giảng viên, người học ngành sức khỏe và nhân viên y tế. Nhà nước cũng nên tăng mức đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe. Nếu đảm bảo được đầu ra, có nhiều chính sách khuyến khích sinh viên học tập thì sẽ không bao giờ lo cạn nguồn tuyển”, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.

Ngọc Ánh